Học tập đạo đức HCM

Môi trường nông thôn thêm xanh - sạch - đẹp

Chủ nhật - 29/07/2018 11:04
Sau 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính, đời sống người dân khu vực nông thôn thuộc ngoại thành Hà Nội đang không ngừng được cải thiện. Dễ thấy nhất là công tác vệ sinh môi trường đã và đang được các địa phương hết sức quan tâm. Tại những vùng quê này, thay vì xả rác bừa bãi nay ý thức người dân về trách nhiệm bảo vệ môi trường đã từng bước được nâng cao.

Nhờ sự chung tay sẻ chia, môi trường nông thôn đã có nhiều điểm sáng, không còn là nỗi ám ảnh. Ô nhiễm được giảm thiểu, nét xanh, sạch có thể thấy từ trong nhà ra đến đường làng, đồng ruộng.

moi truong nong thon them xanh sach dep
Môi trường nông thôn xanh – sạch – đẹp sau ngày mở rộng địa giới hành chính

Sạch trên đồng ruộng

Thời điểm này ở xã Thanh Đa (huyện Phúc Thọ) trên khắp cánh đồng có thể dễ dàng thấy những giàn bầu, mướp trĩu quả, cà pháo, cải xanh, mùng tơi… mướt mát phủ kín chân ruộng. Chị Hoàng Thị Yến, cán bộ bảo vệ thực vật xã Thanh Đa cùng chúng tôi thăm đồng hồ hởi bảo: Cánh đồng này rộng khoảng 50ha, được sản xuất theo quy trình an toàn và một phần được sản xuất theo quy trình VietGAP. Dù vậy, có một điểm chung là, thay vì dùng thuốc trừ sâu, người dân xã Thanh Đa đã sử dụng các loại bẫy bả sinh học và thiên địch để bắt, xua đuổi côn trùng hại rau…

Hỏi ra mới biết, nơi đây đang triển khai cuộc vận động “ba sạch” là nước sạch, nông nghiệp sạch và môi trường sạch. Nhờ cuộc vận động này, hầu khắp các làng quê trên địa bàn huyện Phúc Thọ đều sạch sẽ thênh thang. Nét sạch sẽ, trong lành ấy lan tỏa từ đồng ruộng và ngay cả trong những thôn xóm. Nói cách khác, ở trong xóm, ngoài làng tuyệt nhiên không có hiện tượng rác thải sinh hoạt vứt bừa bãi.

moi truong nong thon them xanh sach dep

Theo báo cáo của UBND huyện Phúc Thọ, hiện có 178/178 thôn, làng trên địa bàn huyện duy trì tổng vệ sinh vào các ngày cuối tuần. Riêng rác thải sinh hoạt được thu gom 2-3 lần/tuần. Các xã, thị trấn cũng trồng mới và cải tạo được 28 vườn hoa, nạo vét 86 ao, hồ tại các điểm công cộng. Trên con đường liên thôn sạch, đẹp, bà Dương Thị Soạn ở xã Ngọc Tảo hồ hởi: “Sáng nào, chúng tôi cũng quét dọn để giữ đường sạch sẽ.

Trước đây, các thôn có đội thu gom rác nhưng làm chưa bài bản, chưa đúng giờ, đúng ngày. Hơn một năm nay, rác thải sinh hoạt được công ty môi trường thu gom đều đặn 2 lần mỗi tuần. Hễ nghe kẻng là bà con mang rác ra xe, không để tập trung ở đầu ngõ như trước”.

Theo tìm hiểu, phong trào “ba sạch” đã và đang trực tiếp góp phần quan trọng vào chương trình xây dựng nông thôn mới nơi đây. Dễ thấy là, từ một huyện thuần nông nhiều khó khăn, hiện Phúc Thọ trở thành một trong những huyện đứng đầu thành phố trong xây dựng nông thôn mới.

Tương tự, ở xã Đại Đồng (huyện Thạch Thất) công tác huy động toàn dân tham gia bảo vệ môi trường cũng được chú trọng và đem lại những hiệu quả tích cực. Theo bà Khuất Thị Huyền, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đại Đồng, trước đây tình trạng người dân vứt bừa bãi vỏ thuốc bảo vệ thực vật, túi ni lông ra đồng ruộng diễn ra tương đối phổ biến.

Ngoài ra, tại các khu dân cư, tình trạng thả vật nuôi phóng uế ra đường làng gây mất vệ sinh… cũng diễn ra thường xuyên. Để nâng cao ý thức của người dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã phát động cuộc vận động “5 không, 3 sạch”. Hằng tuần, Hội huy động phụ nữ trong xã thực hiện vệ sinh thôn xóm, nạo vét kênh mương, vệ sinh đồng ruộng... cứ thế, phong trào vệ sinh môi trường trở thành mô hình dân vận khéo với tên gọi “Phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường”. Với khẩu hiệu “Ở đâu có rác, phải được xử lý kịp thời”, những con đường từ mỗi gia đình đến ngõ xóm, các con đường ra đến các cánh đồng trên địa bàn xã Đại Đồng đều sạch đẹp, không gian trong lành hơn.

Một mô hình về môi trường khác mang tên “Sạch đồng ruộng” do Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Ba Vì thí điểm tại 2 xã Vật Lại và Minh Châu hiện cũng đang thu được những kết quả khả quan. Minh chứng dễ thấy là, mô hình“Sạch đồng ruộng” đang trực tiếp góp phần hạn chế tình trạng xả rác thải, bao bì thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi trên đồng ruộng.

Theo bà Phùng Thị Nhiên, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Vật Lại, từ đầu năm 2017, Hội phụ nữ xã bắt đầu triển khai mô hình làm sạch đồng ruộng này. Thời gian đầu, do thói quen vứt rác ngay tại ruộng, hơn nữa khoảng cách đến nơi quy định cũng hơi xa nên bà con nông dân chưa thật sự hưởng ứng. Nhưng dần dần ý thức mọi người được nâng cao.

Đến thời điểm hiện tại, mô hình đã lan rộng ra trên địa bàn toàn xã. Định kỳ mỗi tháng một lần, hội viên Hội Phụ nữ xã lại ra quân tổng vệ sinh đồng ruộng, thu gom bao bì, vỏ thuốc bảo vệ thực vật.

Ngoài mô hình làm sạch đồng ruộng, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Ba Vì còn chỉ đạo Hội Phụ nữ cơ sở phối hợp tham gia trồng cây xanh bảo vệ môi trường xanh – sạch – đẹp – nở hoa. Duy trì làm vệ sinh tại 305 đoạn đường phụ nữ tự quản, trong đó có 111 đoạn đường xây mới và 7 đoạn đường nở hoa với chiều dài 1.050m.

Trồng 2.056 cây xanh với diện tích 1ha phủ trống đồi trọc tại xã Tản Lĩnh và các khu nhà văn hóa của các thôn. Các cơ sở Hội huy động 103.473 lượt hội viên phụ nữ thực hiện duy trì nề nếp tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm và thứ Bảy hoặc Chủ nhật hàng tuần.

Đồng lòng làm sạch làng đẹp ngõ

Đổi mới phương pháp tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các mô hình tự quản, xây dựng hệ thống xử lý chất thải… là những hành động cụ thể để thúc đẩy công tác giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường. Xã Yên Bài (huyện Ba Vì) là minh chứng sống động cho hướng “cầm tay chỉ việc” này.

Nghe kể, trước đây, Yên Bài là một trong những xã trọng điểm của huyện Ba Vì về nỗi nhức nhối ô nhiễm môi trường. Nguyên nhân do nhân dân ở đây phát triển mạnh đàn bò sữa, bò thịt, lợn, gà nhưng chưa áp dụng các biện pháp xử lý chất thải.

Thực hiện chỉ đạo của huyện, xã Yên Bài tổ chức họp nhân dân để phổ biến các quy định và lợi ích của việc bảo vệ môi trường, đồng thời, mời cơ quan chuyên môn giới thiệu, hướng dẫn các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi… Sau khi nắm rõ kiến thức, xã tổ chức ký cam kết với các hộ dân về giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường.

Nhờ công tác tuyên truyền không ngừng, hiện nay, 100% hộ chăn nuôi trên địa bàn xã đã áp dụng các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi bằng phương pháp xây hầm biogas, phun thuốc sinh học khử mùi, ủ thành phân bón hữu cơ. Ngoài ra, vào ngày cuối tuần, các thôn còn tổ chức vệ sinh đường làng, ngõ xóm, thu gom rác thải, nhổ cỏ dại, trồng hoa trên các trục đường…

Bảo vệ môi trường sống trong lành là công việc hằng ngày của người dân xã Tri Thủy (huyện Phú Xuyên). Theo đó, đã 2 năm nay, vào mỗi sáng thứ Bảy, hàng trăm người dân ở 6 thôn, xóm của xã Tri Thủy lại cùng nhau dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, với tinh thần tự giác, “làm đến đâu, sạch đến đó”.

Được biết, xã Tri Thủy nằm dọc tỉnh lộ 428, thuận tiện cho việc đi lại và buôn bán của người dân. Tuy nhiên, những năm trước đây, việc bảo đảm vệ sinh môi trường còn nhiều bất cập do trên địa bàn xã chưa có lò giết mổ tập trung, một bộ phận người dân thiếu ý thức, còn vứt rác bừa bãi.

Chính quyền địa phương đã nhiều lần tổ chức thu gom rác tại các điểm đổ tự phát, nhưng việc làm này không tạo được hiệu quả cao bởi khi rác vừa được dọn sạch, người dân lại mang ra đổ, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Trước tình hình đó, Đảng ủy, UBND xã đã phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, tôn giáo trong việc bảo vệ môi trường.

Tri Thủy còn phát động toàn thể cán bộ và nhân dân trong xã hưởng ứng ngày thứ Bảy tổng vệ sinh môi trường và được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Kết quả, năm 2017, xã phát động cán bộ và nhân dân trồng hoa, cây bóng mát để tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp. Hiện nay, toàn xã trồng được tổng cộng 6.000m đường hoa trên các trục tỉnh lộ, đường liên xã, liên thôn, 200 cây bóng mát.

Cách đó không xa, ở thôn Bình Vọng, xã Văn Bình (huyện Thường Tín) trước đây, công tác vệ sinh môi trường còn khá xa lạ với người dân. Thời điểm đó, hầu hết mọi người mới chỉ chú trọng “sạch nhà” mà để rác thải, nước thải xuất hiện khắp đường làng, ngõ xóm. Để nâng cao ý thức người dân, từ khoảng năm 2010, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Văn Bình phối hợp cùng lãnh đạo thôn Bình Vọng triển khai thí điểm mô hình “khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường”.

Để mô hình đi vào đời sống nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Văn Bình cùng lãnh đạo thôn đã họp dân triển khai nội dung, kế hoạch phấn đấu với những tiêu chí như: Không có người phạm tội và tệ nạn xã hội; không vi phạm trật tự an toàn giao thông; xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp. Thôn đã xây dựng quy ước và thành lập được 24 nhóm liên gia tự quản bảo vệ môi trường. Các thành viên trong nhóm liên gia có trách nhiệm tuyên truyền, nhắc nhở các gia đình nêu cao ý thức giữ gìn vệ sinh tại gia đình và bảo vệ môi trường khu dân cư.

Ngoài ra, Ban công tác Mặt trận thôn tuyên truyền thông qua hệ thống loa truyền thanh của xã tới các hộ dân về việc xây dựng rãnh thoát nước thải, mỗi gia đình tự dọn dẹp đường làng, ngõ xóm trước nhà; phân loại rác thải theo đúng quy định để hằng ngày tổ vệ sinh môi trường thu gom.

Bằng hình thức xã hội hóa, 100% đường làng, ngõ xóm của thôn được đổ bê tông và có hệ thống thoát nước men theo các hộ dân. 100% hộ dân trong thôn đều ký cam kết thực hiện nghiêm các quy định về vệ sinh trong gia đình, nơi sản xuất kinh doanh và bảo vệ môi trường... Nhờ sự chung tay của các cấp chính quyền và người dân, đến Bình Vọng hôm nay, bất cứ khách xa hay gần đều có thể nhận thấy cảnh quan nơi đây sạch, đẹp từ nhà ra ngõ, xứng đáng là điểm sáng của huyện Thường Tín về công tác này.

Công tác giữ gìn môi trường làm đẹp làng, sạch ngõ không chỉ được thể hiện qua sự đồng lòng của người dân. Ở xã Trường Thịnh (huyện Ứng Hòa) môi trường còn là một trong những tiêu chí quan trọng được đưa vào Quy ước thôn. Cụ thể, hiện cả 6 thôn của xã Trường Thịnh đã xây dựng Quy ước thôn. Những điều khoản trong Quy ước đều nhấn mạnh việc xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, giữ gìn môi trường sạch, đẹp.

Điều này có thể thấy qua việc mỗi sáng thứ Bảy hằng tuần, các thôn thuộc xã Trường Thịnh đều tổ chức vệ sinh đường làng, ngõ xóm. Không chỉ vậy, từ nguồn kinh phí Nhà nước hỗ trợ xây dựng nông thôn mới và ngân sách xã và công sức nhân dân đóng góp, xã Trường Thịnh đã làm được 500 tấm đan bê tông nắp đậy cống lộ thiên... góp phần làm sạch làng, đẹp xóm, giảm ô nhiễm môi trường.

Nỗ lực khắc phục ô nhiễm

Thực tế khảo sát tại một số huyện, xã ngoại thành Hà Nội, hiện tình hình môi trường đã và đang có nhiều chuyển biến. Nhiều nơi, không những sạch đường làng, ngõ xóm mà còn tiến tới đẹp, gọn gàng. Công tác kiểm soát ô nhiễm đối với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh đã có những chuyển biến, việc thu gom và xử lý chất thải đã dần đi vào quy củ.

Huyện Thanh Trì là một ví dụ. Được biết, Thanh Trì là huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh trong khi hạ tầng phát triển chưa tương xứng nên hằng ngày vẫn có lượng lớn nước, chất thải chưa qua xử lý, xả trực tiếp xuống các dòng sông trên địa bàn, gây ô nhiễm nặng.

Để làm hồi sinh những “lá phổi xanh”, thời gian qua, huyện Thanh Trì đã nỗ lực cải tạo, nạo vét, làm sạch sông Tô Lịch, sông Nhuệ - đoạn chảy qua địa bàn, bước đầu lấy lại môi trường trong sạch cho các dòng sông. Theo ghi nhận, từ tháng 5/2017 đến tháng 6/2018, toàn huyện đã tổ chức 655 đợt ra quân vệ sinh môi trường với 31.192 lượt người tham gia thu gom, vận chuyển đi xử lý 5.532 tấn rác thải. Tại đây, chính quyền và nhân dân cũng trồng được 21.540m2 hoa các loại, trồng 3.842 cây xanh, cây bóng mát tại các tuyến đường, trường học.

Có mặt tại một số xã trong huyện Thanh Trì như Liên Ninh, Đại Áng, Vĩnh Quỳnh, Tứ Hiệp... vào sáng thứ Bảy trong tuần, không khó để chứng kiến cảnh tổ công tác với các phòng, ban chuyên môn thuộc xã, huyện, cùng hàng trăm người dân miệt mài vớt rác tại những dòng sông. Công tác triển khai trồng cây xanh, cây hoa tại các tuyến đường và nhất là ven dòng sông Nhuệ, sông Tô Lịch cũng được quan tâm. Và những bụi cây, cỏ dại mọc ven đường được phát quang, nhổ bỏ để tạo cho môi trường đường phố, khu dân cư xanh - sạch - đẹp.

Nhắc chuyện này, bà Nguyễn Thị Thu Hồng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Quỳnh cho biết: Khúc sông Tô Lịch qua địa bàn xã dài 1.560m hiện đang có môi trường sạch, đẹp bởi toàn bộ rác, bùn đã được nạo vét, hai bên bờ sông chỉnh trang sạch sẽ.

Nhiều hộ gia đình đã tự tháo dỡ công trình vi phạm, trả lại mặt bằng cho đơn vị thi công đường giao thông và trồng cây xanh. Để chống tái lấn chiếm, xã vận động nhân dân thực hiện “ba không” là không vứt rác ra sông, không bắt tôm cá trên sông, không dựng lều quán bán hàng. Đến nay, việc vận động này đang tường bước phát huy hiệu quả.

Cũng xoay quanh câu chuyện này, huyện Gia Lâm là một trong nhiều địa phương ngoại thành đạt nhiều thành tích trong xây dựng nông thôn mới. Theo ghi nhận, đến nay toàn bộ 20 xã của huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới. Còn theo bộ tiêu chí huyện nông thôn mới, Gia Lâm đã cơ bản hoàn thành 8 tiêu chí, chỉ còn tiêu chí môi trường.

Để khắc phục hạn chế này, ngay từ đầu năm, UBND huyện đã tập trung thực hiện Đề án nâng cao chất lượng công tác duy trì vệ sinh môi trường giai đoạn 2016 - 2020, xây dựng kế hoạch triển khai công tác vệ sinh môi trường và định kỳ tổ chức giao ban chuyên đề giữa lãnh đạo huyện với lãnh đạo các xã, thị trấn về công tác vệ sinh môi trường. Lãnh đạo UBND các xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác duy trì vệ sinh môi trường, gắn với trách nhiệm của đồng chí Chủ tịch UBND trong công tác bảo đảm vệ sinh môi trường tại địa bàn.

Cùng với đó, huyện phê duyệt phương án bảo vệ môi trường của 5 làng nghề, xây dựng trạm xử lý nước thải các cụm công nghiệp; tiến hành cải tạo môi trường hồ nước, xây dựng các hầm bi-ô-ga để xử lý chất thải chăn nuôi, đẩy mạnh công tác thu gom rác thải sinh hoạt… Đồng thời, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát, kiểm tra và tăng cường công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng đối với các hộ dân sinh sống hai bên bờ sông, giải tỏa công trình lấn chiếm, ngăn chặn việc đổ rác thải lấn lòng sông.

Với huyện Hoài Đức, hiện công tác vệ sinh môi trường tiếp tục được quan tâm. Minh chứng dễ thấy là huyện đã tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị dịch vụ vệ sinh môi trường, lắp đặt thêm nhiều thùng rác trong khu dân cư, vỉa hè, hành lang đường giao thông, bố trí các điểm tập kết rác thải phù hợp...

Riêng đối với 3 xã Dương Liễu, Cát Quế và Minh Khai, nơi có nghề chế biến nông sản quy mô lớn, thời gian trước lượng nước thải, chất thải rất lớn không được xử lý trước khi xả ra kênh tiêu T2, thường xuyên gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Về vấn đề này, theo tìm hiểu, hiện Thành phố đã đầu tư xây dựng Nhà máy Xử lý nước thải Cầu Ngà, với công suất xử lý khoảng 20 nghìn m3/ngày đêm, xây dựng, cải tạo hệ thống kênh tiêu thoát nước. Trong tương lai không xa, ô nhiễm môi trường sẽ từng bước được khắc phục một cách triệt để, tạo môi trường nông thôn trong lành, không ô nhiễm.

Khách quan nhìn nhận, thời gian qua, việc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn này đã và đang được các địa phương quan tâm thực hiện. Đây không chỉ là tiêu chí quan trọng để các địa phương hoàn thành xây dựng nông thôn mới, mà còn trực tiếp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Từ các mô hình xanh, sạch từ nhà ra đến đồng ruộng ở khắp các địa phương như: Ba Vì, Phúc Thọ, Chương Mỹ… đều có một điểm chung ngoài sự chung sức, đồng lòng của người dân đó là xã hội hóa công tác cải tạo môi trường được chú trọng đẩy mạnh. Đặc biệt, thông qua công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia giữ gìn, bảo vệ môi trường… khu vực nông thôn đã và đang được xây dựng, trở thành khu vực đáng sống, góp phần thúc đẩy Hà Nội ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Giang Nam/ Lao động thủ đô

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập104
  • Hôm nay20,486
  • Tháng hiện tại207,384
  • Tổng lượt truy cập92,585,048
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây