Học tập đạo đức HCM

Một số giải pháp phát triển ngành du lịch Việt Nam

Thứ bảy - 09/09/2017 23:36
Không chỉ riêng Việt Nam mà ngay cả với các nước phát triển trên thế giới, du lịch đã và đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Du lịch không chỉ mang lại nguồn thu nhập lớn cho nền kinh tế, tạo việc làm, phát triển các ngành dịch vụ, cơ sở vật chất hạ tầng, mà còn thúc đẩy hòa bình, giao lưu văn hóa. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đang nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để biến du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Những kết quả đạt được

Việt Nam có bờ biển dài 3.260 km, với 125 bãi tắm biển, trong đó hầu hết là các bãi tắm rất đẹp và thuận lợi cho khai thác du lịch mà không phải quốc gia nào cũng có như: Trà Cổ, Hạ Long, Lăng Cô, Ðà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc…

Về di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh dnước ta có 85 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, 3.329 di tích xếp hạng di tích quốc gia và 9.857 di tích cấp tỉnh.

Đến nay, Việt Nam có 8 di sản vật thể và danh thắng được công nhận Di sản thế giới, đó là: Quần thể di tích Cố đô Huế, Vịnh Hạ Long, Khu di tích Thánh địa Mỹ Sơn, Khu phố cổ Hội An, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Thành Nhà Hồ, Khu danh thắng Tràng An.

Việt Nam có một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể lớn với 191 di sản thuộc cả 7 loại hình di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc sinh sống trên mọi miền đất nước được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tính đến hết năm 2016, Việt Nam có 11 di sản được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và di sản phi vật thể, đó là: Nhã nhạc cung đình Huế; Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; Dân ca quan họ Bắc Ninh; Ca trù; Lễ hội Đền Gióng; Hát Xoan; Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; Đàn ca tài tử Nam Bộ; Dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh; Kéo co; Tín ngưỡng thờ Tam Phủ.

Ngoài những lợi thế trên, Việt Nam còn là nước có chế độ chính trị ổn định, có nguồn nhân lực dồi dào. Chính sách đổi mới, mở cửa và hội nhập của Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế đối ngoại trong đó có phát triển du lịch.

Những yếu tố trên đã thúc đẩy ngành Du lịch phát triển mạnh mẽ (Bảng 1). Trong đó, 2016 là năm thành công, phát triển ấn tượng của ngành Du lịch. Tổng số khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2016 lên đến hơn 10 triệu lượt, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2015.

Bên cạnh đó, ngành Du lịch cũng đã phục vụ 62 triệu lượt khách nội địa, trong đó có gần 30 triệu khách lưu trú. Tổng thu từ du lịch đạt 400.700 tỷ đồng, tăng 18,6% so với năm 2015 (Tổng cục Du lịch, 2016).

Tất cả các con số trên đều đã bằng hoặc vượt chỉ tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đó là đón 10-10,5 triệu lượt khách quốc tế; 47-48 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt 17-18 tỷ USD. Như vậy, ngành Du lịch đã về đích trước 4 năm so với Chiến lược đề ra.

Năm 2016 cũng là năm đánh dấu ngành Du lịch vượt qua ngưỡng tăng trưởng cũ. Theo đánh giá của Tổng cục Du lịch, năm 1994 mới chỉ có 1 triệu khách quốc tế đến Việt Nam; Năm 2000 tăng lên 2 triệu lượt khách quốc tế (mỗi năm giai đoạn này chỉ tăng 170.000 lượt khách quốc tế).

Đến năm 2010 đạt 5 triệu lượt khách quốc tế (mỗi năm tăng trung bình 600.000 lượt khách). Đến năm 2016, đã tăng gấp đôi so với mốc năm 2010. Trước đó, để tăng từ 1 lên 5 triệu, ngành Du lịch đã phải mất tới 14 năm (từ năm 1994 đến năm 2010) mới đạt.

Đáng chú ý, thời gian qua, nhiều điểm du lịch mới được mở ra đã thu hút đông đảo du khách tham quan. Các điểm du lịch ở các tỉnh thuộc vùng núi phía Bắc như Hà Giang đã tạo dựng được thương hiệu là điểm đến mới quyến rũ qua việc tổ chức Lễ hội hoa tam giác mạch; Yên Bái với lễ hội “Mùa vàng Mù Căng Chải”, tâm điểm là sự kiện “Bay trên Mùa vàng”; Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng với hang Sơn Đoòng tạo sức hút lớn đối với du khách quốc tế và quan tâm của khách nội địa; Các điểm du lịch biển ở vùng Duyên hải Bắc Bộ, miền Trung, Nam Trung Bộ, Phú Quốc, Côn Đảo có nhiều đổi mới về quản lý và cung cấp dịch vụ, tạo sức hấp dẫn mới đối với khách du lịch trong nước và quốc tế...

Hạn chế và khó khăn

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Du lịch Việt Nam vẫn còn gặp không ít khó khăn và thách thức. Trong giai đoạn đầu của sự phát triển, điểm xuất phát của du lịch Việt Nam quá thấp so với các nước trong khu vực.

Khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam còn hạn chế trước sự cạnh tranh gay gắt của du lịch trong khu vực và thế giới. Công tác quản lý môi trường tự nhiên và môi trường xã hội tại nhiều điểm du lịch còn yếu kém và chưa được coi trọng. Công tác quản lý điểm đến chưa được triển khai đồng bộ, hiệu quả.

Tình trạng mất vệ sinh, an ninh, trật tự tại các điểm du lịch vẫn thường xuyên xảy ra; taxi dù, hiện tượng chèo kéo, bán hàng rong, lừa đảo, ép khách du lịch vẫn thường xuyên diễn ra ở nhiều địa phương, nhất là vào mùa cao điểm...

Trong khi đó, nguồn tài nguyên du lịch còn chưa được thống kê, đánh giá, phân loại và xếp hạng để quản lý khai thác một cách bền vững, hiệu quả, dẫn tới tài nguyên du lịch thì nhiều, nhưng khai thác bừa bãi, mới dừng ở bề nổi, khai thác cái sẵn có chưa phát huy giá trị của tài nguyên.

Sự xung đột về lợi ích kinh tế giữa các chủ thể kinh tế và các ngành, tầm nhìn ngắn hạn và hạn chế về công nghệ dẫn tới một số tài nguyên du lịch bị tàn phá, sử dụng sai mục đích... tác động tiêu cực tới phát triển du lịch bền vững.

Tính chuyên nghiệp khi xây dựng sản phẩm du lịch, xúc tiến quảng bá cũng chưa được nâng cao. Sản phẩm du lịch Việt Nam vẫn chậm đổi mới, nghèo nàn, đơn điệu, thiếu đặc sắc, ít sáng tạo, còn trùng lặp giữa các vùng miền, giá trị gia tăng hàm chứa trong sản phẩm du lịch thấp, thiếu đồng bộ và thiếu liên kết trong phát triển sản phẩm.

Công tác xúc tiến quảng bá còn nhiều hạn chế, chưa chuyên nghiệp, chưa bài bản, chưa hiệu quả; mới dừng ở quảng bá hình ảnh chung, chưa tạo được tiếng vang và sức hấp dẫn đặc thù cho từng sản phẩm, thương hiệu du lịch. Kinh phí Nhà nước đầu tư còn hạn chế, chưa tạo được hiệu ứng kích cầu.

Hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng tiếp cận điểm đến còn thiếu đồng bộ. Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch phát triển nhanh nhưng nhìn chung tầm cỡ quy mô, tính chất tiện nghi và phong cách sản phẩm du lịch nhỏ lẻ, vận hành chưa chuyên nghiệp, chưa hình thành được hệ thống các khu du lịch quốc gia với thương hiệu nổi bật. Nguồn nhân lực du lịch cũng là điểm yếu kém lớn của ngành Du lịch.

ảnh 1Ngoài ra, tình trạng các địa phương chọn ngành nào cũng là ngành “mũi nhọn” đã khiến mục tiêu phát triển chồng chéo, ảnh hưởng đến việc thực hiện, nhất là ngành Du lịch nghỉ dưỡng (vốn là Ngành coi trọng chất lượng môi trường) và ngành Công nghiệp nặng là Ngành có nguy cơ gây ô nhiễm cao. 

Một số giải pháp đề xuất

Để phát huy những tiềm năng lợi thế, khắc phục những tồn tại hạn chế đang níu đà tăng trưởng của ngành Du lịch, thời gian tới, cần tập trung thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.

- Cơ quan quản lý cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa huy động mọi thành phần kinh tế, nguồn lực đầu tư cho cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; Cần quy hoạch sắp xếp và xây dựng các cơ sở dịch vụ: nhà nghỉ, y tế, ăn uống, vui chơi giải trí…; Quản lý chặt chẽ các loại dịch vụ, phí dịch vụ phục vụ du khách; Nâng cao ý thức phục vụ trong kinh doanh, tránh làm mất giá trị văn hóa truyền thống của người Việt.

- Phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, nhất là các chuỗi liên kết và dịch vụ, đáp ứng các bộ tiêu chuẩn du lịch quốc tế, đi đôi với bảo tồn, phát triển, quảng bá hình ảnh và phát huy vai trò các vùng di tích lịch sử, các điểm đến và khu du lịch; Xây dựng hình ảnh và thương hiệu, nhận diện du lịch quốc gia có chiều sâu và tầm cao.

- Đẩy mạnh liên kết với các nước trong khu vực, khai thác triệt để tuyến hành lang Đông - Tây, hình thành các tour, tuyến du lịch chung như: Chương trình giữa Việt Nam - Campuchia - Lào, tuyến đường bộ 3 nước Việt Nam - Lào - Thái Lan để đa dạng hoá sản phẩm, nâng cao sức hấp dẫn, thu hút khách từ các nước ASEAN và khách du lịch từ nước thứ ba vào ASEAN nối tour sang Việt Nam.

Thứ hai, xây dựng môi trường du lịch nhân văn, bền vững.

- Đẩy mạnh công tác truyền thông, định hướng, nâng cao nhận thức của xã hội, cộng đồng về trách nhiệm bảo vệ môi trường du lịch; Tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia xây dựng phong trào ứng xử văn minh thân thiện với du khách, giữ gìn trật tự trị an, vệ sinh môi trường…

- Tăng cường quản lý bảo đảm về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường; Cung cấp thông tin về dịch vụ tại địa phương cho du khách qua internet và hệ thống các ấn phẩm quảng bá du lịch.

Thứ ba, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, hài hòa các mục tiêu phát triển du lịch với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Chú trọng nâng cao năng lực cơ quan quản lý nhà nước về du lịch từ Trung ương đến địa phương để đáp ứng yêu cầu phát triển ngành Du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; Thực hiện quản lý theo quy hoạch gồm: Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch cả nước; quy hoạch phát triển du lịch theo các vùng, địa phương; quy hoạch các khu du lịch tổng hợp và khu du lịch chuyên đề, để tập trung thu hút đầu tư phát triển theo hướng bền vững.

Đồng thời, trước khi phát triển ngành, lĩnh vực khác, Nhà nước cần có những đánh giá tác động đối với ngành Du lịch để từ đó có sự lựa chọn ưu tiên phát triển ngành nào dựa trên tiềm năng, lợi thế của từng địa phương.

Thứ tư, đào tạo và cải thiện nguồn nhân lực du lịch.

- Ngành du lịch cần sớm hoàn thiện hệ thống chính sách và các cơ chế quản lý về phát triển nhân lực, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy công tác phát triển nguồn nhân lực du lịch, bảo đảm thống nhất, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập.

- Các trường học và DN cần trang bị cho nhân lực du lịch những kiến thức về hội nhập, giỏi về ngoại ngữ, tin học, nghiệp vụ du lịch, am hiểu thị trường, luật pháp quốc tế…

Thứ năm, phát triển thị trường, xúc tiến quảng bá và thương hiệu du lịch.

- Tập trung thu hút có lựa chọn các phân đoạn thị trường khách du lịch; Phát triển mạnh thị trường du lịch nội địa, chú trọng phân đoạn khách nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, nghỉ cuối tuần và mua sắm; Đẩy mạnh thu hút khách du lịch quốc tế đến từ Đông Bắc Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương; Tây Âu; Bắc Âu; Bắc Mỹ và Đông Âu...

- Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch theo hướng chuyên nghiệp nhằm vào thị trường mục tiêu, lấy sản phẩm du lịch và thương hiệu du lịch là trọng tâm; quảng bá du lịch gắn với quảng bá hình ảnh quốc gia, phù hợp với các mục tiêu đã xác định; gắn xúc tiến du lịch với xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư và ngoại giao, văn hóa.

- Tập trung phát triển thương hiệu du lịch quốc gia trên cơ sở thương hiệu du lịch vùng, địa phương, DN và thương hiệu sản phẩm; chú trọng phát triển những thương hiệu có vị thế cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế. Tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, các cấp và địa phương để đảm bảo hiệu ứng thống nhất.              

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Chính trị (2017), Nghị quyết 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn;

2. Thủ tướng Chính phủ (2013), “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”;

3. Tổng cục Du lịch (2016), Tình hình hoạt động của ngành Du lịch năm 2016 và triển khai nhiệm vụ trong năm 2017;

4. Tổng cục Thống kê (2016), Tình hình kinh tế - xã hội năm 2017.

http://tapchitaichinh.vn/

 Tags: kinh tế, du lịch

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập436
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm435
  • Hôm nay50,684
  • Tháng hiện tại825,962
  • Tổng lượt truy cập91,999,691
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây