Học tập đạo đức HCM

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý và duyên nợ núi Hồng - sông La

Thứ hai - 23/02/2015 23:27
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý là một trong những cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam, một trong 5 nhạc sĩ đầu tiên thành lập nên Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Sinh ra ở Nghệ An, vậy mà, một thời gian dài, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý được bầu làm Chủ tịch Hội Đồng hương Hà Tĩnh tại TP Hồ Chí Minh. Duyên nợ sông La - núi Hồng theo ông mãi cho đến những năm tháng cuối đời.

Tôi đến thăm ông tại ngôi nhà nhỏ nằm trong con hẻm gần chợ Tân Định, quận 1 trong một buổi sáng cuối đông se lạnh. Đón tôi ở cổng là người phụ nữ giúp việc ngoài 50 tuổi và đứa cháu ngoại của nhạc sĩ chừng 10 tuổi. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý ngồi trầm tư trên chiếc giường nhỏ, dõi ánh mắt xa xăm ra phía cửa, mái tóc bạc trắng, phất phơ. Khi biết tôi là người Hà Tĩnh, người nhạc sĩ già chớp chớp hàng mi bạc trắng rồi thốt lên: “Tôi không phải người Hà Tĩnh, nhưng Hà Tĩnh với tôi ân tình sâu nặng chẳng khác nào quê hương!”.

TÌNH SÂU NGHĨA NẶNG

Sau vài câu xã giao, ông kể cho tôi nghe về những năm tháng tuổi thơ hàn vi nhưng nhiều kỷ niệm trên quê hương Xô-viết. Ông sinh ra tại thành phố Vinh (Nghệ An) nhưng nguyên quán lại ở Vĩnh Phúc. Cha mẹ ông là công nhân Nhà máy Xe lửa Trường Thi. Ngày bé, Nguyễn Văn Tý học ở Trường Quốc học Vinh, được chọn tham gia dàn nhạc thánh ca, được học nhạc lý và học đàn guitar từ các giáo viên người Pháp và người Hoa. Năm 1945, ông tham gia phong trào Việt Minh, sáng lập và xây dựng đoàn kịch thơ, kịch nói của Thanh niên Cứu quốc Nghệ An và bắt đầu sự nghiệp sáng tác của mình.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý và duyên nợ núi Hồng - sông La

Nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý

Điểm lại các bài hát của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, dù là tình khúc hay nhạc cách mạng, luôn có dáng dấp những người phụ nữ mà ông yêu mến. Phụ nữ là nguồn cảm hứng bất tận làm nên hàng loạt nhạc phẩm đi cùng năm tháng của ông. Nếu trong tình khúc, họ là những thiếu nữ kiều diễm, mơ màng thì ở những bài ca cách mạng, ngợi ca quê hương, đất nước, lao động sản xuất…, họ là người phụ nữ Việt Nam sáng ngời tinh thần “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Ông tâm sự, từ tình cảm thương kính người mẹ tảo tần, “hiền như củ khoai, củ sắn” và hình ảnh 2 người vợ hiền sớm bỏ ông về bên kia thế giới khiến ông mến yêu thân phận những người phụ nữ. Trong 4 bài hát của ông viết về Hà Tĩnh, đều thấp thoáng bóng dáng những người phụ nữ trên dải đất này.

Ông kể, khi ông 20 tuổi, cha ông hy sinh vì bom giặc Mỹ; mẹ ông một mình phải gồng gánh nuôi đàn con thơ đang tuổi ăn, tuổi lớn. Trong ký ức người nhạc sĩ già vẫn hằn in bóng dáng người mẹ sáng sớm tinh mơ quang gánh đi về phía biển, gánh muối về bán kiếm tiền nuôi con. Dáng mẹ gầy và gánh muối oằn trĩu trên bờ cát trắng đi vào ca khúc đầu tiên “Đường về Hộ Độ” của ông với xúc cảm thiêng liêng của một người con: Ngày xưa mẹ đi về Hộ Độ/ Mua được muối mang về không đi bằng đường bộ mà phải theo đò vượt biển khơi sóng vỗ/ Bao đêm mất ngủ, mới đưa được muối về/ Ôi, con đường xưa sao mà trắc trở, cũng vì con nhỏ bao gian khổ cũng không nề…

Ca khúc thứ hai của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý về Hà Tĩnh và cũng là bài hát được nhiều người biết nhất là Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh. Khi tôi hỏi về ca khúc này, người nhạc sĩ già rung rung mái tóc, ánh mắt rưng rưng dâng trào cảm xúc. Ký ức một thuở chợt hiện về. Thuở ấy, vào tuổi đôi mươi, ông là chàng nhạc sĩ nghèo nhưng rất hào hoa, ngày ngày tập đàn guitar trên căn gác nhỏ. Có cô gái nhà bên tên là Báu, mê tiếng đàn mà đem lòng yêu nhạc sĩ. Chàng nhạc sĩ nghèo cũng ngất ngây trước vẻ đẹp thánh thiện của cô rồi thầm yêu, trộm nhớ. Thế rồi, mẹ cô gái biết chuyện, bà cho rằng, không môn đăng, hộ đối nên tìm cách ngăn cản. Cô gái vì thế mà tương tư, xanh xao như tàu lá héo. Còn chàng nhạc sĩ vì phận nghèo đành để mối tình đầu tuột khỏi tầm tay.

Rồi một ngày, cô Báu đi lấy chồng và cô đã mai mối cho ông một người con gái ở thôn quê làm nghề dệt vải. Ông đã về bến sông quê tìm cô gái làng dệt. Hai người gặp nhau, dù “tình trong như đã” nhưng “mặt ngoài còn e”. Rồi, ông ra Hà Nội công tác. Sau này, một người quen của cô gái gặp ông ở Hà Nội bảo rằng: “Anh có một cái tội rất lớn. O tôi đã chờ anh gần 20 năm, ai hỏi cũng bảo đã có chồng. Vì một chữ thương, cả tuổi xuân đánh đổi chỉ để chờ đợi một người con trai không ước hẹn”. Và rồi, đã nhiều lần nhạc sĩ trở lại bến sông xưa, nhưng bóng dáng người thương nay đã không còn.

Thương về người con gái sông quê, trong ca khúc Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, ông đã viết: Ai hôm nay ra khơi buông lưới. Mà nhìn chi mãi con tàu vào bờ. Nhìn bến cảng lại nhớ ngày xưa. Thương con đò cắm con sào đứng đợi... “Con đò cắm sào đứng đợi chính là hình ảnh của người con gái làng dệt năm nào” - nhạc sĩ ngậm ngùi.

Nhớ đến bài hát này, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý cứ nhắc hoài Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Hà Tĩnh thời ấy là ông Trần Quang Đạt (sau này là Chủ tịch UBND tỉnh – PV). “Tôi rất biết ơn ông Đạt, người đã giúp tôi rất nhiều trong quá trình đi thực tế viết 2 ca khúc về Hà Tĩnh” - ông bộc bạch. Ông Đạt là người luôn sát cánh và kể cho ông nghe nhiều điển tích, những nét sinh hoạt trong đời sống văn hóa của các vùng quê Hà Tĩnh. Sau khi Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, ông Đạt đã gặp nhạc sĩ và bảo: “Anh không phải là người Hà Tĩnh mà viết hay như vậy thì là người Hà Tĩnh chính hiệu rồi đấy”.

Từ khi ra đời năm 1974 đến nay, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh được xem như “tỉnh ca”. Cứ dịp lễ lạt, liên hoan hay họp mặt ở bất cứ nơi đâu mà nghe câu: (Chứ) Đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh/ Nhớ núi Hồng Lĩnh, nhớ dòng sông La/ Nhớ biển rộng (mà) quê ta ớ ơ ơ ơ… là ắt hẳn có người Hà Tĩnh. Trong sự nghiệp sáng tác, không phải người nghệ sĩ nào cũng có được niềm hạnh phúc ấy.

Trở thành “người Hà Tĩnh chính hiệu”, Nguyễn Văn Tý mang nặng nợ duyên hơn với miền quê này. Hai năm sau, ông Trần Quang Đạt lại mời nhạc sĩ về Hà Tĩnh để sáng tác về lĩnh vực xây dựng, thủy lợi. Ông gật đầu rồi theo chân đoàn trưởng văn công Lê Hàm đi thực tế tại công trường hồ Kẻ Gỗ. Hơn một tháng “ba cùng” với anh em văn công và công nhân công trường, bài hát Người đi xây hồ Kẻ Gỗ ra đời. Bởi chúng mình thương bao nhiêu mảnh đất cằn/ Mà đời không ngại đào mấy con kênh…, quả thật, hiếm bài hát nào viết về lao động lại dạt dào tình cảm, đẹp mộng mơ như thế. Bài hát mang âm hưởng dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh vừa thiết tha tình cảm gắn bó với quê hương, vừa hừng hực khí thế lao động hăng say của người đi xây hồ, đắp đập.

Cái duyên nợ của Nguyễn Văn Tý với núi Hồng, sông La cứ vậy theo mãi ông cho đến những năm tháng cuối đời. Vào năm 2006, hưởng ứng đợt vận động sáng tác về Ngã ba Đồng Lộc nhân ngày giỗ 10 nữ anh hùng, nhà thơ Bùi Mạnh Hảo đã đem bài thơ Mười bông hoa trinh liệt giữa Ngã ba Đồng Lộc đến nhờ nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý phổ nhạc. Vậy là từ thành phố Hồ Chí Minh, ông trở lại Hà Tĩnh khi đã 83 tuổi. Giữa Ngã ba Đồng Lộc lộng gió, người nhạc sĩ già chống gậy nhấc từng bước, run run thắp nén nhang trên nấm mộ mười bông hoa trinh liệt. Nước mắt lặng lẽ lăn trên gò má và một khúc ca bất tử ngân đọng trong tâm hồn nhạc sĩ. Thế rồi, trường ca Mười bông hoa trinh liệt giữa Ngã ba Đồng Lộc ra đời với những rung cảm vô cùng mạnh mẽ: Các o nằm lại đây phong sương cùng cây cỏ/ Dưới từng nấm mộ nhỏ e ấp một tâm linh/ Mỗi con tim chan chứa biết bao tình (…)/ Các o nằm lại đây vẫn thẳng hàng như một thời xông trận/ Đạn đã lên nòng, cuốc xẻng chắc trong tay.

Và đó cũng là ca khúc cuối cùng dành cho Hà Tĩnh, kết thúc sự nghiệp âm nhạc đồ sộ của người nhạc sĩ tài hoa.

NHỮNG “DƯ ÂM” CÒN LẠI

Ngồi trò chuyện được một lúc, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý nhờ tôi đỡ ông nằm xuống chiếc gường nhỏ. Tôi nhìn quanh căn phòng nhỏ treo đầy ắp những kỷ vật gắn bó với cuộc đời ông. Trong nhà ông, thứ còn “lung linh” nhất có lẽ là bức tường treo bằng khen, huân chương và những tấm ảnh cỡ lớn chụp ông với những người bạn. Căn phòng ông ở liền kề với gian ngoài, kê chiếc giường đơn bằng sắt, một cây đàn tranh cũ treo trên tường, chiếc organ hỏng phím và một chiếc ti vi nhỏ.

Phía đầu giường, bên cạnh bản đánh máy bài thơ của Hội Đồng hương Hà Tĩnh tại TP Hồ Chí Minh chúc thọ ông có treo một tấm biển màu đỏ, ghi: Tỉnh Hà Tĩnh hỗ trợ nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý an dưỡng tuổi già đến suốt đời, 5 triệu đồng mỗi tháng. Ông cho biết, cách đây mấy tuần, mấy anh ở Hội Đồng hương Hà Tĩnh đến thăm và chuyển tiền phụng dưỡng của tỉnh cho ông. Các anh ấy bảo, anh Hà Văn Thạch – Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Tĩnh thay mặt lãnh đạo tỉnh nhờ Hội Đồng hương chuyển đến tôi lời thăm hỏi sức khỏe và tiền phụng dưỡng vì các anh Hà Tĩnh chưa vào thăm tôi được. Nhân gặp cậu ở đây, tôi nhờ cậu chuyển lời cảm ơn của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đến lãnh đạo và nhân dân Hà Tĩnh. Thật là quý hóa, tình sâu, nghĩa nặng biết chừng nào!

Tuổi cao lại thêm 3 lần bị tai biến, tắc nghẽn mạch máu não, hư thận, dạ dày và căn bệnh tiền liệt tuyến đã hạ gục ông. Tuổi già trong căn phòng nhỏ, ông phải dùng chiếc gậy 3 chân để đi lại, nhưng cũng phải có người dìu, còn mắt thì đã lão đến hết cả số. Cả một đời tằm nhả tơ, dâng hiến cho đời bao tuyệt phẩm, giờ đây, trong nỗi cô đơn của tuổi xế chiều lẻ bóng, người nhạc sĩ tài hoa ấy đang lục tìm lại ký ức một thuở. Ngày ngày, trong căn phố nhỏ, ông vẫn mơ dáng em đang ôm đàn dìu muôn tiếng tơ để rồi đêm đêm anh lặng ru người trăm năm.

Những khúc ca dặt dìu về những người phụ nữ một thời ông thương mến và về miền đất nợ duyên Hà Tĩnh vẫn ngân vọng thiết tha. Một thời và mãi mãi.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sinh ngày 5/3/1925 tại TP Vinh (Nghệ An).

Tác phẩm được yêu thích: Dư âm, Mẹ yêu con, Dáng đứng Bến Tre, Bài ca năm tấn, Bài ca phụ nữ Việt Nam, Em đi làm tín dụng, Tấm áo chiến sỹ mẹ vá năm xưa, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh)...

TP Hồ Chí Minh, tháng 1/2015

Văn Học
Theo baohatinh.vn

 Tags: nhạc sĩ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập47
  • Hôm nay21,483
  • Tháng hiện tại173,364
  • Tổng lượt truy cập92,551,028
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây