Cây tiền tỷ
Vườn dó trầm của ông Đinh Công Ba (xóm 5) rộng gần 1.000m2 với nhiều loại cây từ 5 đến hơn 20 năm tuổi. Sau khi rời quân ngũ, ông Ba cũng vợ con lên đây làm kinh tế. Thời gian đầu hai vợ chồng khai hoang trồng bưởi nhưng vài ba năm cây không cho quả và chết dần. Thời điểm đó, cây dó trầm được nhiều thương lái săn mua với giá “khủng”, vợ chồng ông quyết định chuyển sang trồng trầm.
Lúc đầu ông đem về trồng gần 200 cây, vì chưa có kỹ thuật và cách chăm sóc nên chỉ có khoảng 100 cây sống sót. Ông mày mò tìm hiểu và dần hiểu rõ giống cây này, sau đó mở rộng diện tích trồng thêm hơn 1.500 cây với mật độ thưa hơn.
Ông Ba phấn khởi: “Hiện trong vườn nhà tôi có gốc đã gần 20 năm tuổi, thương lái đến trả giá 60 triệu nhưng tôi chưa bán. Ngoài ra, hơn 200 cây khoảng 10 - 15 năm tuổi với tổng trị giá hơn 500 triệu đồng và hàng ngàn cây dưới 10 năm tuổi đều đã cho thu hoạch. Nếu bán thời điểm này, gia đình tôi thu về gần 2 tỷ đồng. Mấy năm trước có người hỏi mua nhưng tôi chưa bán vì chưa làm gì cần nhiều tiền, hơn nữa cây càng nhiều năm tuổi sẽ càng được giá”.
Ông Phạm Ngọc Thiệp, trưởng thôn 7 cũng có 1ha dó trầm với hơn 1.000 gốc. Những năm trước ông bán được 1 lứa cây 10 năm tuổi thu về 170 triệu đồng. Ông Thiệp cho biết: “Với số cây đã lớn tuổi nhưng không tạo được trầm tôi thuê người về khoan, bôi thuốc với giá 60.000 đồng/cây, khoảng 3 năm sau có thể cho thu hoạch được.
Tuy giá cây tạo trầm nhân tạo chỉ bằng nửa giá cây tạo trầm tự nhiên nhưng so với các giống cây khác thì giá trị của nó vẫn cao hơn gấp nhiều lần. Toàn thôn có 180 hộ dân thì tất cả đều trồng dó trầm, tận dụng trồng trong vườn, quanh hàng rào hoặc bất cứ chỗ trống nào”.
Cây dó trầm xuất hiện ở vùng đất Hương Khê từ hàng chục năm nay nhưng người dân chỉ trồng tự phát, chủ yếu là làm gỗ và hương nên giá trị kinh tế chưa cao. Đến năm 2005, khi thương lái đến mua với giá cao, họ bắt đầu mở rộng diện tích, nhiều người phá các giống cây cam, bưởi chuyển sang trồng dó trầm. Đa số người dân Phúc Trạch có nguồn thu nhập trung bình từ 100 – 200 triệu đồng/năm, nhiều hộ thu từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng/năm nhờ giống cây này.
Không chỉ trồng cây, buôn bán gỗ nguyên liệu, mấy năm gần đây người dân Phúc Trạch còn biết chế tác nhiều sản phẩm độc đáo từ cây dó trầm. Những sản phẩm từ bàn tay khéo léo của người thợ đã trở thành mặt hàng có giá trị kinh tế cao, giúp bà con tăng thu nhập hơn rất nhiều so với bán thô. Mỗi sản phẩm làm ra có giá trị từ vài triệu đến hàng trăm triệu đồng.
Để làm ra một sản phẩm phải qua rất nhiều công đoạn, sau khi đẽo lớp vỏ ngoài, người thợ phải bóc dần từng lớp gỗ trắng để chạm được mạch trầm đủ hình dáng và bắt mắt. Mạch trầm vốn không đi theo một quy luật nào nên đòi hỏi người thợ phải hết sức khéo léo để không phạm vào mạch trầm. Những cây trầm to khi thành phẩm sẽ có giá từ 50 triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng tùy vào hình dáng và chất lượng trầm của từng cây. Mỗi người thợ sẽ được gia chủ trả công từ 200 – 300 ngàn đồng/ngày.
HTX Sản xuất kinh doanh và dịch vụ Thọ Nga được khách hàng biết đến với những gốc trầm rất tinh xảo, độc đáo. Những sản phẩm được người thợ kỳ công chế tác có giá trị lên tới hàng tỷ đồng. Với quan niệm các sản phẩm dó trầm biểu trưng cho “linh khí đất trời” sẽ xua đuổi tà khí, mang lại sức khỏe, tài lộc cho gia đình nên rất được khách hàng ưa chuộng. Khách chủ yếu từ Hà Nội, Nghệ An, TT - Huế, TPHCM, thậm chí nhiều vị khách nước ngoài cũng tìm đến mua.
Bà Võ Thị Nga, GĐ HTX Thọ Nga cho biết: “Tất cả những nguyên liệu liên quan đến trầm đều có giá trị sử dụng. Các loại dăm đều được tận dụng bán để chế tinh dầu, làm nhang, nước hoa có giá dao động từ 100.000 – 500.000 đồng/kg. Loại hàng miếng được bán theo kg, còn hàng cảnh có giá từ 10 – 100 triệu đồng, tùy vào chất lượng và hình dáng trầm. Thường các sản phẩm vòng tay phong thủy, vòng tay trang sức làm từ trầm hương luôn trong tình trạng “cháy hàng”. Các sản phẩm làm ra đều được khách hàng hoặc thương lái đến tận nơi mua. Mỗi năm gia đình tôi thu về từ 300 – 500 triệu đồng từ việc chế tác các sản phẩm trầm”.
Ông Đặng Văn Tính, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch cho biết: “Cây dó trầm được trồng ở nhiều địa phương nhưng nhiều nhất và hiệu quả nhất là ở Phúc Trạch. Toàn xã có 1.580 hộ dân thì 100% hộ đều có thu nhập từ cây dó trầm với 300ha, trong đó khoảng 200 hộ trồng từ 1ha trở lên. Nhiều năm nay, đầu ra của cây dó trầm tương đối ổn định, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, giúp nhiều gia đình vươn lên làm giàu chính đáng. Năm 2017, toàn xã thu về 39 tỷ đồng từ cây dó trầm”.
Cũng theo ông Tính, trong chiến lược phát triển kinh tế của địa phương, cây dó trầm vẫn chưa được đưa vào giống cây “xóa đói giảm nghèo”. Bởi việc tiêu thụ cây dó trầm vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào các thương lái, không có bất cứ công ty, HTX hay tổ chức nào đứng ra bao tiêu, định giá và ngay cả thương lái cũng không biết trầm được dùng để làm gì. Vì thế, địa phương cũng không đưa ra kế hoạch nào về việc mở rộng giống cây này trong thời gian tới.
Ông Lê Quang Vinh, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hương Khê trăn trở: “Đến nay, toàn huyện có gần 1.300ha dó trầm, nhiều nhất ở các xã Phúc Trạch, Hương Trạch. Tuy nhiên đầu ra chưa ổn định nên huyện không khuyến khích người dân trồng loại cây này”.
Theo Sở NN-PTNT Hà Tĩnh, sau nhiều năm và nhiều chuyến khảo sát, các chuyên gia về trầm hương ở Hàn Quốc xác định thành phần loài dó trầm có khả năng tạo trầm chất lượng cao tại Việt Nam, nhất là vùng Phúc Trạch. Từ đó, Hội trầm Hương Việt Nam (VAA) và Hội Trầm hương Hàn Quốc (IAA) quyết định chọn Hà Tĩnh để hợp tác và phát triển, khai thác tiềm năng cây dó trầm.
Tựa bài do Enternews đặt lại
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;