Chưa xứng với tiềm năng
Nêu lên thực tế của du lịch nông nghiệp hiện nay, tại Hội thảo Ðịnh hướng phát triển du lịch nông nghiệp từ góc độ sản phẩm và thị trường do Tổng cục Du lịch tổ chức vừa qua, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho rằng, mặc dù Việt Nam có nhiều tài nguyên để phát triển cho hoạt động du lịch nông nghiệp nhưng những khu vực có đủ khả năng khai thác du lịch nông nghiệp một cách chuyên nghiệp không nhiều. Hầu hết các hoạt động du lịch nông nghiệp vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, manh mún, trùng lặp. Sản phẩm du lịch nông nghiệp chưa thực sự hấp dẫn du khách và chưa được chú trọng về thương hiệu.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cũng cho rằng, một số khu vực có điều kiện tự nhiên đồng nhất, tập quán sinh hoạt, văn hóa cộng đồng giống nhau, nên sản phẩm du lịch nông nghiệp giữa các địa phương không tránh khỏi sự trùng lặp, đơn điệu giữa các địa phương. Nhiều mô hình du lịch nông nghiệp đã được khai thác trong nhiều năm, nhưng không được đầu tư làm mới, chủ yếu vẫn dựa vào môi trường sinh thái tự nhiên nên không còn hấp dẫn khách.
Về phía DN, ông Trần Ngọc Tiến, Công ty Du lịch ngôi sao Ninh Bình đã nêu lên khó khăn khi phát triển du lịch nông nghiệp, đó chính là do hiện nguồn nhân lực chính trong phát triển du lịch chủ yếu dựa vào sự tham gia của người dân địa phương, nhưng họ lại bị hạn chế về trình độ ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp, kiến thức du lịch... Ngoài ra, ô nhiễm môi trường tại các vùng nông thôn cũng là rào cản của du lịch nông nghiệp.
Ở một khía cạnh khác, bà Trương Thị Minh Hương, Phó Giám đốc Chi nhánh Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist nhấn mạnh, TP. Hồ Chí Minh đã bước đầu kêu gọi đầu tư và xây dựng được một số điểm đến du lịch nông nghiệp, và đã có những thành công đáng kể như các tour của Khu Nông nghiệp Công nghệ cao, Nông trang xanh, Trang trại Về Quê… tại Củ Chi thu hút rất nhiều du khách Việt Nam, nhất là đối tượng học sinh, sinh viên hướng nghiệp; hay các tour nuôi trồng thủy sản, nuôi yến, làm muối… tại Cần Giờ. Tuy nhiên, chi phí du khách cho các tour chưa cao và các tour này chưa thu hút được sự quan tâm của du khách quốc tế.
Một khó khăn khác trong phát triển du lịch nông nghiệp theo ý kiến của đại diên DN Vidotour Hà Nội đó là việc khai thác các hoạt động nông nghiệp, dịch vụ có liên quan đến nông nghiệp như là một sản phẩm du lịch đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, việc quảng bá, xây dựng thương hiệu còn chưa được quan tâm đúng mức, sản phẩm còn đơn điệu, tính sáng tạo chưa cao, do vậy khó tạo sức hút với du khách.
Định vị thương hiệu
Nhìn vào “bức tranh” của du lịch nông nghiệp, nhiều chuyên gia thừa nhận hiện sản phẩm du lịch nông nghiệp Việt Nam mới đang ở bước khởi đầu của quá trình phát triển mang tính hệ thống, có liên kết ngành chặt chẽ đặc biệt giữa du lịch và nông nghiệp. Do vậy, các ý kiến cho rằng rất cần xây dựng các mô hình du lịch nông nghiệp với các tour du lịch nông nghiệp làm mẫu chuẩn mang tính lan tỏa để cung cấp sản phấm du lịch hấp dẫn và đầy tiềm năng này tại các địa phương.
Bà Ngô Kiều Oanh, Giám đốc Trang trại Ðồng quê Ba Vì, Hà Nội khẳng định, thời gian qua, tại nhiều địa phương, các tổ chức, cá nhân đã bắt tay vào đầu tư, khai thác du lịch nông nghiệp. Một số tour điển hình đã trở thành thương hiệu thu hút du khách như: Tour du lịch mùa lúa chín ở làng cổ Ðường Lâm, Hà Nội; tham quan làng tranh dân gian Ðông Hồ, Bắc Ninh; nông trường Mộc Châu, Sơn La;, làng rau Trà Quế, Hội An, Quảng Nam hay du lịch miệt vườn, chợ nổi ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long…
Tuy nhiên, bà Oanh cho rằng, theo kinh nghiệm quốc tế tốt nhất tại một vùng du lịch nông nghiệp nên có một trạm dừng chân chính để cung cấp thông tin về hướng dẫn viên địa phương, cơ sở y tế gần nhất, các dịch vụ làm mẫu chuẩn về nghỉ ngơi, ăn uống, là nơi trưng bày các sản vật của vùng, chuẩn bị trang thiết bị cần thiết để thực hiện các tour trải nghiệm nông nghiệp theo chủ đề cho du khách giới thiệu các địa điểm về dịch vụ homestay, các lễ hội, các điểm du lịch xung quanh.
Ngoài ra, để tránh các sản phẩm đơn điệu trùng lắp, việc xác định các sản phẩm chủ đạo, khai thác yếu tố đặc trưng, có tính khác biệt, điểm nhấn của mỗi địa phương là hết sức quan trọng. Đối với Việt Nam, với quy mô nông nghiệp nhỏ, việc khai thác mô hình du lịch trang trại lớn sẽ không phù hợp. Do đó việc định hướng đầu tư khai thác du lịch nông nghiệp trong thời gian tới sẽ phải chú trọng gắn hoạt động nông nghiệp chủ đạo với khai thác các yếu tố văn hóa truyền thống, các giá trị cốt lõi, bản sắc với các dịch vụ quy mô nhỏ gọn nhưng tinh tế, chuyên nghiệp, thân thiện (homestay).
Nhìn việc phát triển du lịch nông nghiệp ở góc độ các giá trị ẩm thực, đại diện Viettravel nêu ý kiến, để phát triển du lịch nông nghiệp, điểm mấu chốt và quan trọng là du lịch ẩm thực, về lâu dài tính toán xây dựng ẩm thực Việt Nam trở thành thương hiệu du lịch quốc gia Việt Nam để tập trung đầu tư và khai thác. Cụ thể, phải quy hoạch các điểm ẩm thực, khu chợ đêm ẩm thực một cách có tổ chức để đưa vào khai thác du lịch, biến nhà hàng, điểm ăn uống thành điểm du lịch cần phải đến và phải biết cách phân loại và phân chia theo nhóm các loại ẩm thực đặc trưng...
Về phía DN lữ hành Saigontourist, bà Trương Thị Minh Hương cho rằng, cần đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực cho các DN du lịch về du lịch nông nghiêp và đào tạo kiến thức du lịch cho nông dân. Bên cạnh đó, cần học hỏi mô hình du lịch nông nghiệp đã thành công ở các nước trên thế giới và ở các tỉnh, TP trong nước. “Ngoài ra, các chuyên gia du lịch và DN lữ hành cũng nên chăm chút dến việc xây dựng kịch bản, đạo diễn để “thổi hồn" vào các công đoạn tạo ra sản phẩm du lịch nông nghiệp để tạo sức hút với du khách”, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ lữ hành Saigontourist nêu.
Theo Báo Hải quanNhững tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã