Ông Kim Văn Tiêu, PGĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhận định, tiềm năng phát triển ngành nuôi tôm nước ta trong thời gian tới là rất lớn. Nếu như chúng ta chuyển từ diện tích quảng canh sang bán thâm canh và từ bán thâm canh lên thâm canh thì năng suất và sản lượng tôm thu hoạch sẽ được đẩy lên đáng kể.
Tham quan trang trại nuôi tôm ở Quảng Ninh |
“Để đạt mục tiêu đến năm 2025 kim ngạch xuất khẩu tôm là 10 tỷ USD theo chỉ đạo của Chính phủ thì đầu tiên cần phải chú trọng đến đối tượng trực tiếp sản xuất đó là người nông dân. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia luôn cố gắng tổ chức các mô hình sản xuất mới, mang lại hiệu quả cao cùng những kỹ thuật tiên tiến nhất mà người nông dân có thể tiếp cận. Nếu 1 người làm tốt thì 1.000 người biết đến và 100 người làm theo”...
Hạn chế hiện nay la sức cạnh tranh của tôm nước lợ cần phải được cải thiện trong thời gian tới. Ở nước ta hiện nay, 80% tôm bố mẹ phải nhập từ nước ngoài. Lượng tôm giống cung cấp cho thị trường nội địa từ các doanh nghiệp trong nước sản xuất là không đáng kể. Vì thế giá thành sản xuất tôm sẽ tăng cao và làm giảm sức cạnh tranh trên thị trường nội địa cũng như xuất khẩu. Vì vậy, các ban ngành chức năng, hiệp hội, doanh nghiệp, người sản xuất cần phối hợp tổ chức lại các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, phân tán thành các tổ hợp tác để tạo ra các vùng nguyên liệu lớn, tập trung và liên kết với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.
Con tôm luôn mang lại thu nhập cao cho doanh nghiệp và các hộ nuôi. Ngành nuôi tôm được đánh giá là ngành lợi nhuận cao, song kèm theo đó cũng nhiều rủi ro. Rủi ro ở đây liên quan chủ yếu đến công tác giám sát về an toàn dịch bệnh cho tôm, một trong những yếu tố quyết định sự thành bại của các doanh nghiệp và các chủ đầm.
Theo kế hoạch, năm 2017 diện tích nuôi tôm trên cả nước đạt 700.000ha, đạt sản lượng 660.000 tấn, trong đó tôm sú 600.000ha, sản lượng đạt 260.000 tấn và tôm chân trắng 100.000ha, sản lượng đạt 400.000 tấn. Riêng các tỉnh phía Bắc kế hoạch năm 2017 đạt 50.000ha diện tích nuôi tôm với tổng sản lượng 80.000 tấn. |
Báo cáo của Cục Thú y, năm 2016 lượng tôm chết do môi trường và thời tiết chiếm 70%, 23% tôm chết do dịch bệnh và 7% còn lại do một số nguyên nhân khác. Như vậy, các chuyên gia đưa ra khuyến cáo rằng bà con nuôi tôm nên áp dụng phương pháp 3 sạch (nước sạch, đáy sạch, tôm sạch) trong đó môi trường nước sẽ quyết định phần lớn tỉ lệ thành công.
Bà Nguyễn Thị Hà, PGĐ Trung tâm Quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Bắc (Viện Nghiên cứu NTTS 1) khuyên bà con không sử dụng hóa chất, thuốc kháng sinh mà chỉ nên sử dụng chế phẩm sinh học thân thiện với môi trường giúp tôm khỏe mạnh và tăng sức đề kháng. Nước sử dụng nuôi tôm không được lấy trực tiếp mà phải qua hệ thống lọc và tiến hành quạt nước sục khí ôxi liên tục không để nước tĩnh. Thêm vào đó, thức ăn cho tôm chỉ nên sử dụng 75% lượng khuyến cáo vì theo ghi nhận thực tế thì các trường hợp tôm chết không phải do thiếu thức ăn mà chủ yếu do thừa thức ăn gây ô nhiễm môi trường nước.
“Ngoài ra bà con có thể sử dụng mái che nhằm hạn chế ánh sáng chiếu vào hồ nuôi do tảo thường phát triển nhanh trong điều kiện giàu ánh sáng. Các hiện tượng lắng cặn bẩn có thể được xử lý bằng cách thay nước và sử dụng loại bạt lót chuyên dụng nhằm hạn chế hiện tượng tảo bám”, ông Nguyễn Tiến Thắng, Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định NTTS (Tổng cục thủy sản khuyến cáo.
Cũng theo ông Thắng, bà con nên theo dõi học tập các mô hình sản xuất tiêu biểu, sử dụng các loại sản phẩm, chế phẩm sinh học thân thiện môi trường được khuyến cáo bởi ngành khuyến nông và được chứng nhận chất lượng của cơ quan chức năng. Tránh sử dụng các sản phẩm trôi nổi trên thị trường.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã