Hội thảo chia sẻ về các giải pháp quản lý rơm rạ bền vững, đồng thời đánh giá tiềm năng tiếp cận thị trường của các sản phẩm làm từ rơm rạ, cũng như mức độ cơ giới hoá trong xử lý rơm rạ tại Việt Nam. Đây cũng là cơ hội kết nối các cơ quan quản lý chuyên ngành và các tổ chức nghiên cứu của Việt Nam với IRRI trong nghiên cứu và chuyển giao công nghệ xử lý và tái sử dụng hiệu quả rơm rạ.
GS.TS Phạm Văn Toản, Phó Giám đốc VAAS chia sẻ, trong quá khứ, rơm rạ được coi là một loại sản phẩm phụ đa mục đích đối với người nông dân Việt Nam (sử dụng để đun nấu, lợp mái nhà, làm thức ăn chăn nuôi…). Nhưng khi ngành trồng trọt phát triển mạnh, sản lượng lúa ngày càng gia tăng, nguồn rơm rạ được tạo ra hàng năm tại Việt Nam là rất lớn (ước tính khoảng 50 triệu tấn/năm), thì rơm rạ lại dư thừa và trở thành nguồn chất thải cần xử lý.
Do tốn chi phí thu gom và vận chuyển, trong khi công nghệ xử lý rơm rạ còn nhiều hạn chế, hình thức đốt rơm rạ ngoài trời vẫn được nông dân áp dụng phổ biến ở hầu hết các vùng thâm canh lúa chính tại Việt Nam. Đây được coi là hình thức loại bỏ rơm rạ nhanh chóng và rẻ tiền, tiện lợi đối với nông dân.
Tuy nhiên, việc đốt rơm rạ ngoài trời đang gây ra các vấn đề môi trường, tăng phát thải khí nhà kính, làm thất thoát nguồn chất dinh dưỡng trả lại cho đất, đồng thời nông dân mất nguồn thu từ các sản phẩm được tạo ra từ phụ phẩm rơm rạ.
Theo IRRI, hiện mỗi năm Việt Nam đốt lãng phí trên 20 triệu tấn rơm rạ, chiếm khoảng 60%. Việc làm này không chỉ lãng phí mà còn gây ô nhiễm môi trường, phát thải khí nhà kính, cản trở giao thông… Do đó, ba khía cạnh của dự án sản xuất lúa bền vững được IRRI xác định là bền vững môi trường, kinh tế và xã hội.
Cụ thể, dự án tập trung trình diễn các thực hành tốt, thu hẹp khoảng cách năng suất và giảm tác động môi trường. Thử nghiệm và kiểm định các công nghệ nhằm tăng năng suất, hiệu quả sản xuất và tính bền vững. Xác định các rào cản cho việc tăng năng suất và ứng dụng các kỹ thuật.
Dự án thực hiện tập huấn cho giảng viên nguồn về quản lý rơm rạ bền vững cũng như hỗ trợ ra quyết định trong đầu tư máy cuộn rơm và dịch vụ thu gom rơm rạ. Lập kế hoạch xây dựng mô hình trình diễn về thu gom rơm rạ, ủ phân hữu cơ, chế biến thức ăn gia súc, trồng nấm và tổ chức các hội thi trình diễn thiết bị công nghệ thu gom xử lý rơm rạ.
Từ đó, đóng góp vào thúc đẩy các thực hành tại ĐBSCL khi có tới 30 - 50% lượng rơm rạ được thu gom trong mùa khô, tương đương giảm được 50% lượng rơm đốt trong mùa khô. Không những vậy, dự án còn tạo thêm công ăn việc làm và thu nhập cho người nông dân từ việc tận dụng và xử lý triệt để rơm rạ.
“Tiếp nối các dự án thành công trước đây, IRRI lần đầu tiên thực hiện 1 dự án về thực hành quản lý, sử dụng rơm rạ tốt sau thu hoạch tại Việt Nam. Tôi tin tưởng rằng, kết quả dự án sẽ góp phần đáng kể trong việc tái sử dụng nguồn tài nguyên rơm rạ hiệu quả, đúng mục đích. Từ đó, hạn chế ô nhiễm môi trường nông thôn, giảm thiểu phát thải khí nhà kính, đồng thời góp phần cải tạo đất và cải thiện sinh kế cho nông dân trồng lúa tại Việt Nam”, GS.TS Phạm Văn Toản nhấn mạnh. |
Tác giả bài viết: NGUYÊN HUÂN
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;