Dự án rau sạch áp dụng công nghệ cao của HTX Duy Sơn là một trong những dự án đang tìm cách tiếp cận với những cơ chế ưu đãi từ Nghị định 57. Ảnh: T.D |
Mở rộng đối tượng, thêm nhiều ưu đãi
So với Nghị định số 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, Nghị định 57/2018/NĐ-CP giảm tối đa các hỗ trợ trực tiếp (bằng tiền), điều chỉnh các mức hỗ trợ đủ sức hấp dẫn đối với doanh nghiệp, tạo trách nhiệm đầu tư hiệu quả đồng vốn, ngăn ngừa trục lợi chính sách. Các hỗ trợ trực tiếp chỉ còn tập trung vào một số sản phẩm có tiềm năng, lợi thế cần khuyến khích phát triển.
Nghị định 57 cũng đã bổ sung các hỗ trợ về mức miễn giảm tiền sử dụng đất, miễn giảm một số thủ tục về xây dựng, hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, đào tạo nhân lực, phát triển thị trường, hỗ trợ tín dụng…, cho phép chủ đầu tư dự án thực hiện song song hoặc lồng ghép các thủ tục về đất đai, môi trường, xây dựng và nhận hỗ trợ. Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng nghị định mới có nhiều điểm khác biệt so với nghị định cũ theo hướng bổ sung thêm một số ưu đãi. Cụ thể, ưu tiên cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp được Nhà nước giao đất hoặc được chuyển mục đích sử dụng đất để làm nhà ở cho người lao động, hỗ trợ tập trung đất đai, hỗ trợ tín dụng. Nhiều ưu đãi và mức hỗ trợ cao hơn trong việc hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ…
Có thể nói, những cơ chế ưu đãi mới đã mở rộng đối tượng và điều kiện hỗ trợ đơn giản hơn rất nhiều so với Nghị định 210/2013/NĐ-CP, và một thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 57 đã được đưa ra lấy ý kiến từ ngày 3.8.2018 thực sự là một tin vui đối với nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Việc mở rộng đối tượng, điều kiện hỗ trợ đầu tư vào nông nghiệp ưu đãi từ tiền đến cơ chế, khắc phục tình trạng dự án không khả thi, lợi dụng chính sách nhà nước để hưởng lợi… thì nông nghiệp có cơ hội trở thành lực hấp dẫn, một thỏi nam châm thu hút đầu tư. Theo ông Trần Văn Ẩn - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT, điểm khác biệt của Nghị định 57 là ngân sách địa phương sẽ hỗ trợ lãi suất cho vay thương mại sau khi dự án hoàn thành. Ngân sách hạn chế, nhưng nếu doanh nghiệp quyết tâm đầu tư thì xem xét hỗ trợ dễ dàng. Trước đây, thực tế cho thấy, khá nhiều doanh nghiệp lập dự án tranh thủ nhận tiền, không tiến hành dự án hoặc bỏ dở dang. Còn với chính sách hiện tại, ngân sách sẽ hỗ trợ sau đầu tư. Doanh nghiệp làm xong, vận hành, Nhà nước sẽ nghiên cứu hỗ trợ, không thể đưa tiền ra mà không biết doanh nghiệp làm gì hoặc cầm chừng dự án đã kết thúc.
Không ít băn khoăn
Chưa có kết quả cuối cùng về việc góp ý thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 57 này, nhưng nhiều phân tích cho thấy hiệu lực, hiệu quả của chính sách còn phụ thuộc rất nhiều vào quyết tâm chính trị của các cấp, nguồn lực cân đối để thực hiện chính sách. Ông Lê Muộn viện dẫn khá nhiều điểm bất hợp lý. Cụ thể, theo dự thảo thông tư hay nghị định, UBND tỉnh phải tổ chức rà soát, lập các dự án đầu tư và phê duyệt chủ trương đầu tư để kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào các dự án này. “Cơ quan nào sẽ thực hiện việc này và doanh nghiệp có chấp nhận đầu tư theo đúng các dự án đã được cơ quan nhà nước lập không (về quy mô, địa điểm đầu tư, tổng mức đầu tư, công nghệ sử dụng trong dự án...)?” - ông Muộn nói.
Mặt khác, Nghị định 57 cũng quy định “Ngân sách trung ương dành khoản ngân sách tương đương tối thiểu 5% vốn đầu tư phát triển hàng năm cho ngành nông nghiệp, còn ngân sách địa phương dành tối thiểu 5% vốn chi ngân sách địa phương hàng năm cho ngành nông nghiệp để thực hiện”, thì quá lớn. Tổng kinh phí theo kế hoạch này phải cần đến 800 tỷ đồng (chi ngân sách Quảng Nam năm 2017 là 16.000 tỷ đồng, nhân với 5% thì bằng 800 tỷ đồng). Không chỉ vậy, Nghị định 57 đã quy định, nhưng vẫn cần có những cụ thể hóa của Quảng Nam. Theo ông Muộn, Sở NN&PTNT đang nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết. Chắc chắn sẽ cân nhắc, lựa chọn những nhóm ngành ưu tiên, bao gồm bổ sung thêm nội dung hỗ trợ mà Nghị định 57 không có và cũng quy định mức quy mô (như một điều kiện) nhỏ hơn để phù hợp với điều kiện của Quảng Nam.
Thực tế đã chứng minh, tính đến nay, ngân sách tỉnh mới chỉ hỗ trợ cho 3 dự án theo cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (theo Quyết định 12) chỉ hơn 4,25 tỷ đồng. Nguồn vốn ít ỏi và không mấy doanh nghiệp được nhận ưu đãi trên thực tế nên chẳng có gì lạ khi doanh nghiệp băn khoăn về tính khả thi của chính sách này. Ông Lưu Văn Xưa - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Giao thương Quảng Xưa (Cụm công nghiệp Nam An Sơn, xã Quế Thọ - Hiệp Đức) đã từng phát biểu tại hội nghị đối thoại doanh nghiệp do UBND tỉnh tổ chức hồi tháng 5.2018 rằng, rất mong nghị định được hiện thực hóa vào đời sống và doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận chính sách thông qua những hướng dẫn dễ hiểu, đơn giản và sát thực tế hơn. Ông Phạm Văn Du - Chủ tịch HĐQT HTX Duy Sơn (Duy Xuyên) nói chính sách chỉ mới dừng ở lý thuyết. Còn dưới địa phương thì vô vàn rắc rối. Dự án rau sạch của HTX trình lên, trình xuống, chuyển lên chính quyền địa phương để được hỗ trợ nhưng chưa biết tới bao giờ?
Tác giả bài viết: TRỊNH DŨNG
Nguồn tin: baoquangnam.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã