Vốn làm việc trong ngành cầu đường, khi tuổi cao, ông Phan Quang Tám trở về, làm giàu từ mảnh vườn quê nhà. Từ 5.000m2, ông đã trồng các giống cây ăn quả miền Nam, học hỏi cách ghép cành, ghép hoa, nâng chất lượng nguồn giống và cung ứng giống tại chỗ.
Nhìn ông lão có mái tóc chấm đến vai, chòm râu để dài, ngày ngày tỉ mẩn chiết cây, ghép cành, nhiều người gọi đùa ông là “lão nghệ nhân làm vườn”- “Người ta thương thì đặt vậy thôi” - ông Tám cười, chia sẻ: “Tôi vốn làm cầu đường, đã đi nhiều nơi, nhưng ngày trước lương rất thấp, nên tôi nghĩ mình chuyển sang làm kinh tế vườn thì hợp hơn”.
Vậy là, ông chuyển sang nghề vườn lúc nào không hay, trong một lần đi tham quan mô hình trang trại ở miền Tây, ông đã chọn giống bưởi phù hợp đưa về xứ Quảng trồng. Sau đó, ông lai ghép thành công giống bưởi hồng mới, từ 4 - 5 dòng bưởi khác nhau (bưởi Năm Roi, bưởi Hải Dương, Hà Nội), giống này có trọng lượng 5kg/trái.
Ngoài bưởi, ông Tám còn trồng 130 gốc mít Thái Lan, 600 gốc ổi Lê Đài Loan. Theo đó, 130 cây mít Thái, mỗi năm thu về 130 triệu đồng lãi ròng, ổi lê Đài Loan, trên 1 tạ trái mỗi cây/năm. Thu hoạch từ bưởi, mít, ổi, sau khi trừ chi phí ông thu về 300 triệu đồng lãi ròng/năm, sản phẩm được thương lái đến tận vườn thu gom.
“Người ta tự tìm đến mua. Giờ mạng xã hội phát triển, những người mua nhiều, chỉ cần điện thoại, đặt số lượng là nhà vườn gửi tận nơi. Ngoài ra, còn có nhiều tổ chức, cá nhân tới tận vườn để tìm hiểu, học tập kinh nghiệm” - ông Tám trải lòng.
Điều đặc biệt là, ngoài làm vườn, ông Tám còn có hồ nuôi cá cảnh với các loại cá cam, cá chép, giá 5 -10 ngàn đồng/con, lợi nhuận tăng theo cấp số nhân. Tuy nhiên, 10 năm trước, khi lũ về đột ngột, ao cá cảnh đang cho thu nhập cả tỷ đồng, trôi sạch, mất trắng.
Xót của, vợ ông khóc như mưa, nhưng ông không nản chí, chỉ cần có ý chí, nghị lực thì sẽ thành công. Vậy là ông lại mua 400 cặp cá giống bố mẹ, sau khi nuôi 3 - 5 tháng, xuất bán chừng một vạn cá con, ông đã lấy lại được nguồn thất thoát từ năm trước. Mặt khác, nuôi cá cảnh còn để tạo cảnh quan, phát triển du lịch hồ câu.
Như vậy là ngoài vườn cây, ao cá, ông Tám còn bổ sung thêm 3 giàn nho trắng, đỏ, tím và rất nhiều giống hoa lan; cải tạo lại toàn bộ khu vườn để làm hồ câu, phục vụ khách du lịch. Theo đó, du khách có thể tổ chức ăn uống, tiệc tùng, tận tay hái hoa, quả, tự câu cá để chế biến món ăn ngay tại hồ câu.
"Ngoài các món ăn từ cá, du khách còn được phục vụ thêm một số món ăn của địa phương. Ở đây nhiều người biết đến tôi, nên không cần quảng bá nhiều, chỉ cần cây ăn quả sạch, có cảnh đẹp, chỗ ngồi câu thú vị; cung ứng thực phẩm sạch tại chỗ để họ thưởng thức, thì khách xa gần sẽ tự tìm đến thôi” - ông Tám chia sẻ.
Phú Thọ: Vườn hoang sinh trái ngọt
Được biết, giai đoạn 2016 – 2020, huyện Yên Lập (Phú Thọ) đã tích cực chuyển đổi diện tích vườn tạp, cây trồng kém hiệu quả sang trồng bưởi Diễn, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế khá
Bưởi Diễn cho trái ngọt trên đất vườn đồi Yên Lập
Vườn bưởi của anh Hoàng Văn Trung, khu Thắng Quê là một trong những điển hình về mở rộng diện tích trồng bưởi Diễn từ vườn tạp, xã Đồng Thịnh (Yên Lập). 4 năm trước, với diện tích 2ha, vợ chồng anh Trung đã mạnh dạn thử nghiệm trồng hơn 100 gốc bưởi Diễn, xen canh một ít cam Canh trên diện tích đất tạp
Sau 2 năm dày công chăm sóc, bưởi Diễn bắt đầu cho trái, đem lại thu nhập gần 100 triệu đồng/ năm. Theo anh Trung, bưởi Diễn thích hợp thổ nhưỡng ở đây, chỉ cần chú ý chăm sóc và công tác phòng, chống các loại sâu đục thân, cuốn lá, đục quả thì sẽ có quả đẹp, múi thơm, vị ngọt.
Hiện, tổng diện tích cây bưởi trên địa bàn xã Đồng Thịnh là 52,5 ha, dự kiến sẽ tăng gần 70ha trong những năm tiếp theo, trở thành xã có diện tích bưởi Diễn nhiều nhất huyện.
Ông Trần Hữu Phúc, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Thịnh cho biết: Với lợi thế vườn đồi, cây bưởi Diễn là hướng đi thích hợp để bà con làm giàu chính đáng. Xã đã vận động bà con chỉnh trang vườn hộ, xây dựng mô hình cây ăn quả; mở các lớp tập huấn hướng dẫn nông dân trồng, chăm sóc bưởi. Đồng thời, tạo điều kiện cho các hội viên vay vốn từ quỹ hỗ trợ nông dân để phát triển sản xuất.
Nhờ chính sách hỗ trợ hiệu quả của tỉnh, huyện đối với cây bưởi, đến nay, tổng diện tích trên toàn huyện đạt 298,9 ha, tăng 59,4ha so năm 2017; tăng 114,3% so kế hoạch, trong đó diện tích cây bưởi Diễn là 245,3ha, tăng 55,8 ha so năm 2017. Một số địa phương có diện tích trồng bưởi Diễn lớn như: Xuân Thủy (29,3ha), Đồng Thịnh (52,5ha)…. Toàn huyện đã có 83ha, năng suất trung bình đạt 120 tạ/ha.
Tuy nhiên, để tránh việc trồng dàn trải, cần sự quan tâm sâu sát của chính quyền các địa phương, từ khâu quy hoạch cũng như tìm đầu ra, phát triển thành vùng sản xuất hàng hoá tập trung.
Ninh Thuận: Trồng táo trong nhà lưới thu nhập cao hơn
Trước tình trạng ruồi vàng đục quả và các loại côn trùng phá hoại cây trồng, thời gian gần đây, một số hộ trồng táo ở tỉnh Ninh Thuận đã trùm lưới cho táo; vừa phòng ngừa dịch hại, vừa tăng năng suất, nâng cao chất lượng sau thu hoạch.
Trồng táo trong nhà lưới được thương lái thu mua cao hơn
Ông Đỗ Văn Thảo, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận), một trong những hộ ứng dụng thành công kỹ thuật bao lưới cho gần 1 ha táo chia sẻ, những năm trước, tình trạng ruồi vàng đục quả cùng với côn trùng phá hoại, khiến sản lượng táo thu hoạch thấp, có thời điểm 1 tấn táo có khi phải bỏ 3 - 4 tạ vì trái bị hư.
Sau khi tìm hiểu biện pháp hạn chế ruồi vàng, sâu đục quả, đầu năm 2017, ông mạnh dạn bao lưới cho toàn bộ giàn táo, nhờ đó tỷ lệ táo ra hoa, đậu quả cao hơn, ruồi vàng đục quả giảm đi rất nhiều, táo loại thải không đáng kể. Việc bao lưới giúp bà con yên tâm để táo chín lâu hơn, không lo ruồi vàng phá hoại, chất lượng táo ngon hơn, giá bán cũng cao hơn.
Cách đó không xa, ông Đỗ Thành Thanh cũng đang áp dụng bao lưới cho toàn bộ vườn táo 3 sào. Theo ông Thanh, ruồi vàng là loại côn trùng nguy hiểm cho cây táo, khi ruồi chích vào trái, sinh trứng và nở ra ấu trùng sống bên trong khiến trái thối, rụng. Để hạn chế thiệt hại, bà con thường sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Tuy nhiên, thời gian gần đây ruồi vàng sinh sản rất nhiều, phun thuốc cũng không thể tiêu diệt triệt để. Thay vì dùng tiền mua thuốc bảo vệ thực vật, tôi quyết định mua lưới bao giàn táo, vừa tránh ruồi vàng, côn trùng, vừa giúp đảm bảo sức khỏe, vì không phải xịt thuốc, đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất sạch nên giá táo cũng cao hơn.
Theo đó, chi phí lắp đặt lưới trùm chỉ khoảng 12 - 20 triệu đồng/sào táo, thời gian sử dụng lưới có thể kéo dài từ 3 - 5 năm tùy theo chất lượng lưới, nhiệt độ của môi trường và chi phí thiết kế thi công.
So sánh vườn táo đối chứng (không có lưới) năng suất bình quân từ 35 – 40 tấn/ha/năm, nếu áp dụng phương pháp bao trùm lưới, năng suất có thể đạt 70 – 80 tấn/ha/năm.
Ông Phạm Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt Ninh Thuận cho biết, bao lưới trùm cho giàn táo vừa giúp bảo vệ, vừa tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giá bán cũng nâng cao. Hiện, đơn vị đang phối hợp các địa phương khuyến khích, nghiên cứu nhân rộng mô hình sản xuất bao giàn lưới, tư vấn kỹ thuật lắp đặt. Ngoài làm nhà lưới, bà con có thể bao lưới cho một số cây trồng khác, để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tăng thu nhập.