Ưu tiên phát triển lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế
Trong lĩnh vực trồng trọt, Quảng Ninh tập trung xây dựng và phát triển các vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung, phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực có lợi thế của tỉnh, gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các giống có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất. Đồng thời khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, tăng hiệu quả sản xuất trên đơn vị diện tích đất nông nghiệp, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường.
Cụ thể, ưu tiên phát triển những sản phẩm rau, hoa cao cấp, cây trồng làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi và những sản phẩm có lợi thế như: Lúa chất lượng, lúa nếp cái hoa vàng, cây ăn quả (na, vải, cam); cây công nghiệp lâu năm (chè), cây dong riềng...đặc biệt đối với những sản phẩm đã được xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý. Tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực gồm: Lúa hàng hoá chất lượng cao, lúa đặc sản, rau củ quả, chè, na dai, vải chín sớm, cam, thanh long, dong riềng...
Cùng với đó, sớm hoàn thành đầu tư xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Hồng Thái Tây, thị xã Đông Triều. Đồng thời, phát triển vùng sản xuất lúa chất lượng cao cánh đồng mẫu lớn tại các địa phương như: Thị xã Đông Triều (2.008 ha), thị xã Quảng Yên (2.200 ha), huyện Hải Hà (520ha).
Đối với lĩnh vực thủy sản, Quảng Ninh tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch, tập trung vào các đối tượng nuôi chủ lực, đặc biệt nuôi trồng hải sản trên biển, bền vững, gắn với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Từng bước dịch chuyển dần từ phương thức nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến, bán thâm canh sang nuôi thâm canh hay công nghiệp. Đồng thời tổ chức lại sản xuất theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm và thân thiện với môi trường.
Tập trung phát triển mở rộng diện tích nuôi trên nước mặn, lợ, phấn đấu đạt khoảng 17.600 ha vào năm 2020, đầu tư hạ tầng các vùng nuôi tập trung theo hình thức nuôi: thâm canh, bán thâm canh, quảng canh cải tiến, với những loài như: Tôm chân trắng, tôm sú, nhuyễn thể, cá biển, cua biển...tại các địa phương như: Quảng Yên, Móng Cái, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Uông Bí... Toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2020, diện tích nuôi nước ngọt trên địa bàn tỉnh đạt 3.120 ha, sản lượng đạt trên 12.710 tẩn. Hình thành nên những vùng nuôi tập trung cá rô phi đơn tính ở 2 thị xã Đông Triều và Quảng Yên với tổng diện tích trên 2.025 ha.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, Quảng Ninh từng bước chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi, chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại, theo hình thức công nghiệp và công nghệ cao, vừa nâng cao sản lượng cũng như đảm bảo vệ sinh môi trường. Phát triển mạnh công nghiệp chế biến, đa dạng hóa các sản phẩm chăn nuôi để nâng cao giá trị gia tăng, xây dựng cơ sở cung ứng giống vật nuôi đảm bảo theo tiêu chuẩn. Toàn tỉnh phấn đến năm 2020: Đàn lợn đạt từ 0,8 triệu - 1,1 triệu con (nuôi trang trại tập trung chiếm 80%), trong đó đàn lợn thịt chiếm khoảng 56%; Đàn gia cầm đạt từ 4,7 triệu - 5,9 triệu con (nuôi trang trại tập trung chiếm trên 84%); Đàn bò đạt từ 33,6 nghìn con - 44,9 nghìn con (nuôi trang trại tập trung chiếm 70%); Đàn trâu ổn định 49,3 nghìn con.
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường nên đạt kết quả tốt. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2018 đến nay, các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản đều đạt sản lượng, chất lượng được nâng cao so với kế hoạch đề ra. Trong đó, nhiều lĩnh vực tăng so với cùng kỳ năm trước, như chăn nuôi: Tổng đàn trâu hiện có 47.589 con bằng 101,2%; Đàn bò hiện có 25.491 con bằng 106,5%; Đàn lợn hiện có 394.632 con bằng 101,5%; Đàn gia cầm hiện có 2,984 triệu con bằng 102,7%; Tổng sản lượng đánh bắt nuôi trồng thủy sản tháng 7 tháng ước đạt 66.466 tấn, bằng 104,5%...
Triển khai đồng bộ các giải pháp
Với mục tiêu Kế hoạch cơ cấu ngành nông nghiệp đề ra, cụ thể là duy trì tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất tăng bình quân 5-7%/năm. Trong đó thủy sản tăng trường bình quân từ 11,5 - 12,5%/năm; Nông nghiệp tăng trưởng bình quân từ 4,0-5,5%/năm; Lâm nghiệp tăng trưởng khoảng 8,0%/năm.
Để đạt được mục tiêu này, thời gian qua tỉnh Quảng Ninh đã tích cực triển khai nhiều giải pháp quan trọng, ban hành các chính sách, đặc biệt là các chính sách đặc thù của tỉnh để tạo động lực cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Qua đó, tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp và các thành phần kinh tế tiếp cận với đất đai, vốn, khoa học công nghệ... để đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường.
Cùng với đó, tỉnh Quảng Ninh thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm của tỉnh, nhu cầu thị trường và lợi thế vùng miền. Đặc biệt là rà soát, duy trì hợp lý diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ rừng, rừng sản xuất, phát triển vùng trồng rừng nguyên liệu, tập trung gỗ lớn, gỗ nhỏ, lâm đặc sản ngoài gỗ và khai thác rừng một cách có hiệu quả, bền vững. Đồng thời, rà soát, quy hoạch và quản lý vùng nuôi thủy sản tập trung công nghiệp, an toàn thực phẩm, điều tra ngư trường, phân tích nguồn, trữ lượng hải sản và giám sát mức độ đánh bắt, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Triển khai các giải pháp đầu tư, huy động nguồn lực đầu tư phát triển. Bố trí nguồn vốn đầu tư từ ngân sách để thực hiện đầu tư các trung tâm sản xuất giống tập trung, vùng sản xuất tập trung, vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung, hệ thống đê hồ đập, đê biển, cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, công tác thông tin tuyên truyền; công tác ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong xây dựng và nhân rộng mô hình nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng - khai thác thủy sản, chính sách phát triển đội tàu khai thác thuỷ sản xa bờ.
Mặt khác, Quảng Ninh đẩy mạnh công tác đào tạo, thu hút nguồn nhân lực và ứng dụng khoa học công nghệ, hoàn thành đầu tư và đưa vào hoạt động các khu nông nghiệp công nghệ cao tại Thị xã Đông Triều, Trung tâm tâm sản xuất giống thủy sản tại huyện Đầm Hà, Trung tâm sản xuất giống nhuyễn thể tại huyện Vân Đồn. Tập trung ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, quản lý, điều hành ngành Nông nghiệp; ứng dụng khoa học công nghệ trong trông trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, sản xuất giống, ưu tiên loài có giá trị kinh tế cao; chế biến theo quy trình sản xuất mới gắn với hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến.
Đồng thời, huy động các nguồn lực xã hội, thúc đẩy hoạt động đầu tư theo hình thức đối tác công tư để phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn ngày càng hiện đại, đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Cùng với đó, tăng cường năng lực phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu và xây dựng nông thôn mới theo hướng thân thiện với môi trường.
Tác giả bài viết: Phạm Hoạch
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã