Đi chơi ngày Lễ Quốc khánh. Ảnh minh họa từ internet
Đã gọi là tết thì phải là dịp trọng đại lắm - không chỉ với người lớn mà với lũ trẻ con chúng tôi nữa. Trong kí ức của tôi, Tết Độc lập tràn đầy niềm vui, hào hứng và phấn khích. Trước ngày 2/9, loa phát thanh của xóm đã rộn ràng không khí với những bài ca ca ngợi Đảng, Bác Hồ, mừng đất nước; tiếng ông trưởng thôn nhắc các gia đình treo cờ Tổ quốc, dọn dẹp đường làng ngõ xóm.
Nghe tiếng loa, bố í ới gọi bác Lân hàng xóm ra giúp giữ thang để bố trèo lên cây nhãn trước nhà treo cờ. Anh trai tôi tham gia đội bóng của xóm, đang hùng hục cùng cả đội tập luyện để chuẩn bị cho trận tranh tài vào dịp 2/9; chị gái thì tập văn nghệ ở hội quán… Không khí chuẩn bị rộn ràng khắp xóm thôn, bọn trẻ con chúng tôi lòng phấn chấn lạ kỳ.
Sáng mùng 2, chẳng cần mẹ khản giọng như mọi ngày, đứa nào cũng tự giác dậy sớm, ăn sáng rồi mặc bộ quần áo tươm tất nhất, thường thì đó là chiếc áo sơmi trắng, quần xanh tím than mà mẹ đã mua để chuẩn bị cho năm học mới được khai giảng sau đó ít ngày. Lũ chúng tôi được bố mẹ, anh chị đèo trên những chiếc xe đạp cà tàng đi theo đường cái quan lên sân vận động của xã. Khác với mọi ngày, thị tứ hôm ấy rực rỡ cờ hoa, biểu ngữ, rộn ràng tiếng loa. Chỗ này là các chị, các cô xúng xính váy áo đủ màu diễn các tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn”. Góc kia náo nhiệt trong tiếng hò reo cổ vũ của đám trai tráng trước những pha bóng kịch tính giữa các đội. Nhưng thứ hấp dẫn bọn trẻ con chúng tôi nhất vẫn là những hàng quán bán bánh kẹo, đồ chơi, bóng bay...
Đi chơi lễ 2/9 không thể thiếu trên tay quả bóng bay xanh đỏ, gói kẹo Hải Châu hay quả hồng chưa kịp ngâm hết vị chát. Có lẽ, với trẻ con ở quê tôi thời đó, thế đã là một một cái Tết tươm tất lắm rồi.
Tôi còn nhớ, có năm vào dịp Tết Độc lập, hai chị em tôi được bố chở lên thị xã chơi. Tuy chỉ cách hơn 10 cây số, nhưng ngày đó, muốn lên thị xã, người dân quê tôi phải đi đò qua sông nên việc đi lại rất hạn chế. Thị xã với chị em tôi là một cái gì đó rất xa xỉ, lạ lẫm. Ngày ấy, thị xã cũng nghèo nàn, lạc hậu nhưng lần đầu tiên được lên phố, chị em tôi vẫn “choáng ngợp” với những xe cộ, nhà cửa, đèn màu lấp lánh…thứ mà ở quê tôi không có. Bố còn cho hai chị em chụp một bức ảnh ở công viên Lý Tự Trọng. Đó là niềm tự hào, là “vật làm chứng” của chị em tôi để nhận lấy những lời trầm trồ, ánh mắt nhìn ngưỡng mộ của lũ bạn ở quê.
Tuổi thơ của chúng tôi tuy còn thiếu thốn nhiều nhưng cái ăn cũng đã đủ, không còn đói khổ như thời bố mẹ mình. Bố kể, thời bố còn nhỏ, điều được ngóng chờ nhất trong ngày tết Độc lập là những lạng thịt, bao thuốc lá, gói trà… được chia theo nhân khẩu. Bữa cơm ngày Tết thức ăn tuy chẳng nhiều nhặn gì nhưng sao đầm ấm, nặng nghiã tình.
Bây giờ, chẳng còn mấy ai gọi ngày này là Tết Độc lập nữa mà chỉ gọi là ngày Quốc khánh – ngày mà công nhân, viên chức, lao động được nghỉ ngơi sau một thời gian làm việc vất vả. Ý nghĩa của một cái tết đặc biệt dường như không còn đậm sâu như xưa. Dạo quanh một vòng thành phố trong buổi sáng mùa thu này, không có quá nhiều những hoạt động chào mừng. Những người trẻ thay vì tham gia các hoạt động vui chơi tập thể thì thường chỉ tụ tập nhóm trong các quán caphe, quán nhậu. Thậm chí, một bộ phận còn đón mừng Quốc khánh trên facebook.
Mỗi dịp Quốc khánh, tôi vẫn bồi hồi nhớ về tuổi thơ với bao kỷ niệm, xúc cảm và dư vị của những cái Tết Độc lập ngày xưa ấy...
Theo Báo Hà Tĩnh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã