Không phải ngẫu nhiên, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) lần thứ 45 vừa diễn ra tại Davos (Thụy Sĩ) lại đặt vấn đề an ninh lương thực cho hơn 7,2 tỷ dân thế giới lên hàng đầu. Điều đó cho thấy, vai trò của các quốc gia sản xuất, cung ứng lương thực ngày càng lớn. Và Việt Nam hiển nhiên vẫn là một trong số rất ít những nước trên thế giới đóng vai trò cực kỳ quan trọng vào an ninh lương thực.
Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) lần thứ 45 vừa diễn ra tại Davos (Thụy Sĩ) |
Là cường quốc xuất khẩu nông - lâm - thủy sản hàng đầu thế giới, nhưng điểm có thể thấy rõ là gần đây, nông nghiệp Việt Nam bắt đầu bộc lộ điểm yếu như phần lớn sản phẩm xuất khẩu có giá trị thấp, được bán trên phân khúc thị trường rẻ, hiệu quả sử dụng đất đai và tài nguyên thiên nhiên chưa cao, khoảng cách giàu nghèo tăng, đầu tư nông nghiệp còn hạn chế, vệ sinh an toàn thực phẩm còn đáng lo…
Với năng suất, chất lượng nông sản như hiện tại, người nông dân và doanh nghiệp Việt Nam rất khó tận dụng cơ hội vàng đang đến, nếu không cấp bách đổi mới. Như vậy, cơ hội trỗi dậy sẽ vụt qua và Việt Nam vẫn chỉ là nơi cung cấp nguyên liệu thô giá trị thấp.
Trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư từ Hàn Quốc, Australia, Nhật Bản… đang rốt ráo khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư và cũng đã bắt đầu triển khai một số dự án thuê đất sản xuất, chế biến, xuất khẩu tại Việt Nam, nếu chậm chân, để nước ngoài làm chủ, thì nông dân Việt Nam sẽ chỉ là người làm thuê trên mảnh đất của chính mình.
Dĩ nhiên, trong bối cảnh vốn đầu tư vào nông nghiệp hạn chế như hiện nay, sự khởi sắc của dòng vốn FDI vào nông nghiệp là rất đáng quý. Tuy vậy, các doanh nghiệp nội cần tìm cách đón luồng vốn này để hợp tác với doanh nghiệp FDI sản xuất kinh doanh, không chấp nhận trở thành người làm thuê.
Điểm tích cực là thời gian gần đây, một loạt doanh nghiệp lớn trong nhiều lĩnh vực đã chuyển sang đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Những dự án sản xuất nông nghiệp triệu USD, những mô hình nông nghiệp lớn, công nghệ cao… đã xuất hiện nhiều nơi trên cả nước, mang lại hiệu quả cao. Sự chuyển hướng này của các doanh nghiệp chỉ là khởi đầu cho xu hướng đầu tư vào nông nghiệp khi Việt Nam tham gia ngày càng nhiều FTA...
Sự chuyển động khả quan của dòng vốn đầu tư vào nông nghiệp cho thấy, nếu biết cách gọi vốn đầu tư, Việt Nam sẽ không gặp nhiều khó khăn về nguồn lực để tái cơ cấu ngành. Trong cuộc đua này, doanh nghiệp rất cần sự tiếp sức của Chính phủ về cả chính sách ưu đãi đầu tư, đất đai, cơ sở hạ tầng… và đặc biệt là sự làm chủ về công nghệ gen, giống.
Để gọi vốn đầu tư vào nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tích cực bắt tay với các tập đoàn đa quốc gia triển khai mô hình hợp tác công - tư (PPP). Bên cạnh đó, năm 2014, Bộ này cũng đã Dự thảo Chiến lược tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp Việt Nam đến năm 2030 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Nông nghiệp là lợi thế lớn nhất của Việt Nam, tái cơ cấu nông nghiệp, vì thế là vận hội lớn nhất của cả nền kinh tế. Tái cấu trúc thành công không chỉ đưa Việt Nam thành cường quốc nông nghiệp, mà còn thúc đẩy cả ngành công nghiệp và dịch vụ phát triển, góp phần cùng cả nước thực hiện thành công mục tiêu đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp hoá – hiện đại hoá vào năm 2020.
Theo baodautu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã