Có những loài cây sống gần nhau thân mới thẳng…”. Và cũng có những loài cây mang sẵn trong mình giá trị, sống bên cạnh con người để gia tăng giá trị bản thân. Trong mối tương quan này, cây nha đam và doanh nhân Nguyễn Văn Thứ, Giám đốc Công ty GC Food đã “sống gần nhau” để mang lại giá trị cho nhau. Ông “trùm” nha đam Nguyễn Văn Thứ cũng chính là người chuyên cung cấp nguyên liệu nha đam cho các công ty sản xuất sữa và nước giải khát lớn của Việt Nam.
Câu chuyện người và cây
Nghe ông Thứ say sưa nói về sự hữu dụng của cây nha đam, giống như đang nghe ông kể về một người bạn thân thiết đã thấu hiểu về nhau từ rất lâu. Theo ông, nha đam là một loài cây cho rất nhiều nhưng nhận chẳng bao nhiêu.
“Cây có khả năng tự bảo vệ mình trước sự tấn công của sâu bệnh bằng cách tự tạo ra chất axit ở lớp bên ngoài của bẹ lá và thân cây, sâu bệnh không thể xâm hại được. Cây nha đam còn đem lại giá trị cho cuộc sống rất cao như làm mát cơ thể, chữa bệnh và có công dụng làm đẹp…làm trong lành không khí. Cây chịu được khô cằn, nhu cầu về thổ nhưỡng rất thấp, không phải bón phân nhiều. Chính vì thế, tôi đã chọn phát triển vùng nguyên liệu nha đam tại Phan Rang (Ninh Thuận), nơi đất khô cằn và khí hậu thuộc dạng khắc nghiệt nhất Việt Nam”, ông Thứ chia sẻ.
Hiện tại, GC Food đang hướng dẫn các hộ gia đình trồng nha đam theo một quy trình chặt chẽ để có được nguyên liệu đạt chất lượng chuẩn từ khâu trồng, chăm sóc và thu hoạch. Nha đam trồng từ 6 tháng đến 1 năm là có thể thu hoạch, kéo dài trong thời gian 5 - 6 năm. Một tháng thu hoạch một lần, mỗi sào thu được khoảng 3 tấn (bán trên dưới 1 triệu đồng/tấn). Theo ông Thứ, mỗi hộ trồng từ 3 - 5 sào nên đảm bảo thu nhập khá ổn định.
Tuy nhiên, thời gian đầu, nông dân từ chối cung cấp hàng cho GC Food vì chê thu mua ít mà đòi hỏi nhiều. “Tôi phải đến tận nơi đặt hàng và hướng dẫn nông dân trồng nha đam theo quy trình mới, ít bón phân và không phun thuốc nhưng vẫn đạt năng suất cao. Nhờ vậy, GC Food đã phát triển được vùng nguyên liệu hơn 30 ha nha đam theo quy trình VietGAP. Các hộ nông dân cũng đã tin vào doanh nghiệp, tin vào khả năng của một loài cây, gắn bó với cây nha đam và đảm bảo cho doanh nghiệp không bao giờ đứt nguồn nguyên liệu”, ông Thứ nói.
Thực tế, mối dây liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn còn không ít vấn đề. Chẳng hạn như tình trạng nông dân đốt mía, đổ sữa ra đường, hay đem thanh long và dưa hấu cho bò ăn… Với nha đam, ông Thứ đang cố gắng để không rơi vào những vết xe đổ như thế.
Hiện tại, GC Food kết hợp cùng nông dân tạo ra nguồn nguyên liệu khoảng 1.000 tấn nha đam/tháng. Ðây là thứ nguyên liệu có tiền muốn mua nhiều, trên thị trường cũng không có để bán. Để có nguyên liệu nha đam, phải được chuẩn bị trước ít nhất là 6 tháng. Trước tiên, GC Food sẽ làm việc với khách hàng. Sau khi có đơn hàng, Công ty làm việc với các hộ gia đình để phát triển thêm vùng nguyên liệu cho phù hợp với nhu cầu nhằm đảm bảo đầu ra cho nông dân. “Tôi không thể đặt người nông dân vào tình trạng dứt tình với cây trồng vật nuôi được”, ông Thứ khẳng định.
Theo vị đại diện GC Food, nhờ làm việc theo quy trình cụ thể với hộ gia đình về kế hoạch sản xuất bám sát kế hoạch của doanh nghiệp nên mối quan hệ doanh nghiệp - nông dân ngày càng gắn bó. Không chỉ có vậy, dù thị trường chưa có đơn vị nào chế biến nha đam số lượng lớn như GC Food, nhưng không vì thế mà Công ty ép nông dân về giá.
”Phải đảm bảo đời sống cho nông dân. Quan điểm của tôi phải là xem họ như nhân viên trong doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp và nông dân bàn chuyện làm ăn lâu dài trên cơ sở phát triển sản phẩm nông nghiệp bền vững, thì tình người và cây sẽ bền chặt và mãi nở hoa cho đời”, ông chiêm nghiệm.
Bí quyết Nâng giá trị
Lợi thế cạnh tranh của GC Food không chỉ đến từ việc tổ chức được vùng nguyên liệu, mà còn nhờ vào hiệu quả của quy trình sản xuất. Ông Thứ tính toán, 1 bẹ nha đam nguyên liệu bị gãy thì tỷ lệ khấu hao tăng, công nhân cũng phải thao tác gấp đôi. Chính vì vậy, ở mọi công đoạn từ kiểm soát nguồn nguyên liệu đầu vào cho đến các khâu chế biến đều phải xây dựng thành quy trình chặt chẽ. GC Food cũng đưa ra phương châm “Hãy làm việc thông minh hơn thay vì làm việc vất vả hơn” và luôn tính toán đến từng chi tiết nhỏ để công nhân không có thao tác thừa trong suốt quá trình sản xuất.
Theo ông Thứ, nhà máy của GC Food luôn mở rộng cửa cho khách hàng đến tham quan, tìm hiểu về chất lượng sản phẩm. Ðó cũng là dịp để các tập đoàn, công ty lớn đặt ra những yêu cầu hơn cho GC Food, giúp Công ty tự hoàn thiện. “Ở đây, sự chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ, công nhân lao động đóng vai trò rất quan trọng. GC Food cũng đầu tư rất nhiều cho đội ngũ cán bộ học về quản lý sản xuất tinh gọn”, ông tiết lộ.
Mỗi ngày, GC Food sản xuất khoảng 50 tấn nguyên liệu nha đam, xuất khẩu và cung cấp cho các công ty sữa - nước giải khát như Vinamilk, Dalatmilk... Hiện nay, sản phẩm nước giải khát nha đam của GC Food do Công ty Cổ phần Fesdy chịu trách nhiệm xây dựng thương hiệu và tổ chức hệ thống phân phối. Sản phẩm nước giải khát nha đam Fesdy đã có mặt tại một số hệ thống siêu thị và xây dựng được mạng lưới tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Hiện tại, GC Food đã xuất khẩu sang một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… Đây tuy đều là những thị trường khó tính, nhưng lại rất chuộng dòng sản phẩm từ nha đam.
Tại Việt Nam, GC Food hiện là nguồn cung lớn nhất về nha đam tinh chế; có nguồn nguyên liệu lớn nhất và quy trình chế biến quy mô, hiện đại. Ngoài ra, theo ông Thứ, người tiêu dùng ngày càng biết được giá trị của nha đam nên việc sử dụng trong đời sống hàng ngày sẽ phổ biến. “Ðó là cơ hội lớn nhất mà GC Food đang nắm trong tay”, ông nói.
Theo nhipcaudautu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã