Tháo “nút thắt” đất đai
Nói tới chính sách thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, điển hình nhất phải kể tới Nghị định 210/2013/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (NĐ 210). Tuy nhiên, sau gần 4 năm triển khai, NĐ 210 bộc lộ khá nhiều hạn chế, DN khó tiếp cận.
Nhiều chuyên gia đánh giá: Một trong những khó khăn điển hình của DN khi đầu tư vào nông nghiệp là đất đai. Trên thực tế hiện nay, đất công không còn. Khi có nhu cầu sử dụng, Nhà nước hay DN đều phải “mua” lại quyền sử dụng đất của người dân nhưng lại né tránh khi dùng cụm từ “đền bù, bồi thường”. Chính sự “lửng lơ” này đã khiến cho việc tích tụ, tập trung đất đai gặp trở ngại. Để đẩy mạnh tích tụ và tập trung đất đai, cần để mọi thứ diễn ra một cách tự nhiên, đảm bảo quyền lợi của tất cả các bên liên quan, theo đúng quy luật kinh tế thị trường. Đáng chú ý, có vị chuyên gia nhấn mạnh: “Rào cản về pháp lý đã trói buộc khiến DN không được chuyển nhượng đất nông nghiệp. Do vậy, cần phải cho DN quyền chuyển nhượng, quyền sử dụng đất gồm cả đất lúa và nên xóa bỏ hạn điền. Thay vào đó, Chính phủ sẽ quy định việc thu thuế đất nông nghiệp tăng dần theo quy mô tích tụ ruộng đất”.
Đứng từ góc độ DN, ông Dương Văn Chín, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành (Tập đoàn Lộc Trời) cho biết: Trong vấn đề đất đai, DN mong muốn những hỗ trợ thiết thực, cụ thể hơn. Điển hình như, nếu DN có nhu cầu sở hữu đất đai ở nông thôn để xây dựng nhà máy hoặc tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn của riêng mình thì nhà nước nên cho vay tiền với lãi suất bằng 0% trong vòng 20 năm (nhà nước lấy tiền ngân sách để chuyển trả phần lãi suất này cho ngân hàng thương mại) để DN thuê đất của các nông dân liền kề nhằm hình thành cánh đồng lớn đúng nghĩa. Bên cạnh đó, DN cần đất để lập nhà máy tại nông thôn thì nhà nước miễn 100% phí chuyển nhượng đất đai phải nộp cho nhà nước. DN chỉ phải trả một lần tiền mua đất cho nông dân.
Đại diện một số DN cho rằng, Việt Nam nên học tập Nhật Bản và Hàn Quốc, phân công cho cấp tỉnh lập ra Cơ quan quản lý và môi giới đất nông nghiệp nhằm xúc tiến việc chuyển nhượng, buôn bán, tích lũy đất đai tại nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho DN.
Giảm tối đa thủ tục hành chính
Theo ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT kiểm Tổng giám đốc Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình: Trong sửa đổi NĐ 210 nói riêng hay các chính sách hỗ trợ DN nông nghiệp nói chung, quan trọng nhất là phải tạo ra cơ chế để thúc đẩy DN chứ không phải lấy tiền ra cho DN. “Hiện nay, cả nước có khoảng gần 5.000 DN đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp. Nếu mỗi DN chỉ cần lập một dự án đề nghị nhà nước hỗ trợ 5 tỷ đồng thôi thì nhân lên tổng số cũng mất 25.000 tỷ đồng. Ngân sách hạn hẹp nên không thể triển khai như vậy được”, ông Báo nói.
Một trong những lĩnh vực quan trọng mà hầu hết DN đầu tư vào nông nghiệp đều mong muốn được hỗ trợ là thuế. Theo ông Nguyễn Khắc Hải, Tổng giám đốc Tập đoàn PAN Group: Muốn thu hút DN đầu tư nông nghiệp, cần tập trung vào các chính sách ưu đãi, nhất là chính sách thuế. Bởi chính sách này khuyến khích các DN tập trung vào các dự án có hiệu quả. DN liên doanh liên kết sử dụng những nguồn lực của nhau để sản xuất ra những sản phẩm chất lượng, giá trị kinh tế cao.
Liên quan tới nội dung này, ông Trần Mạnh Báo đưa ra những đề xuất cụ thể: “DN đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ chiếm chưa tới 1% tổng số DN cả nước. Muốn thu hút hơn nữa các DN tham gia vào lĩnh vực phải đối mặt với nhiều rủi ro này nên miễn các loại thuế cho DN. Điển hình như, miễn thuế Giá trị gia tăng cho toàn bộ các mặt hàng nông sản mà DN tiêu thụ trong nước; miễn thuế XK cho mọi loại nông sản, đồng thời miễn thuế NK cho tất cả các thiết bị phục vụ chế biến mặt hàng nông nghiệp… Thực tế, việc thu thuế của 1% DN cũng không được bao nhiêu. Trong khi, miễn thuế lại tạo thêm nhiều động lực để DN tham gia đầu tư”, ông Báo phân tích.
Đại diện một số DN nông nghiệp khác cho hay: Ngoài đất đai, thuế, cũng cần có chính sách tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, xóa bỏ cơ chế xin-cho, đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính. Hiện nay, theo dự thảo Nghị định mới nhất sửa đổi NĐ 210, DN để tiếp cận được chính sách vẫn phải thực hiện khoảng 16 bước (có khoảng 40 văn bản có liên quan, nhất là các thủ tục liên quan đến công tác công nhận phân bón mới, thuốc thú ý, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, thức ăn chăn nuôi…-PV). Để triển khai dự án đầu tư và nhận hỗ trợ, DN còn phải đối mặt với thủ tục hành chính phức tạp như xin chủ trương đầu tư, cấp phép xây dựng, thực hiện quy hoạch tỷ lệ 1/500… Do vậy, các DN kỳ vọng, thủ tục hành chính trong thực hiện chính sách hỗ trợ, chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn sẽ giảm tối đa theo cả 3 hướng là giảm số thủ tục, giảm chi phí cũng như thời gian thực hiện.
Theo baohaiquan.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;