Học tập đạo đức HCM

Tiềm năng lớn từ nông nghiệp hữu cơ

Thứ ba - 21/06/2016 04:24

Tiềm năng lớn từ nông nghiệp hữu cơ

Góp phần cải thiện môi trường và đảm bảo sức khỏe người dùng vì hoàn toàn không dùng thuốc bảo vệ thực vật, nông nghiệp hữu cơ đang là xu hướng mới ở nhiều nước phát triển như Úc, Mỹ, Nhật. Tại Việt Nam, tình hình thực phẩm bẩn tràn lan và chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP không còn đáng tin cậy, người tiêu dùng cũng đang có xu hướng ủng hộ thực phẩm hữu cơ.

Đây sẽ là cơ hội lớn để Việt Nam phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững và mang hiệu quả kinh tế cao hơn cho nông dân.

Những lợi thế của Việt nam

Theo số liệu do Australian Organic Market Report đưa ra, tổng giá trị của thị trường hữu cơ thế giới ước đạt 63 tỷ USD vào năm 2012, con số này chưa đến 5% giá trị của thị trường nông sản chính thống lúc bấy giờ. Tuy nhiên, trước xu hướng người tiêu dùng ngày càng quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe và phát triển bền vững, nhu cầu thực phẩm hữu cơ tại nhiều thị trường được dự báo đang có xu hướng gia tăng.

Tại Úc, dự kiến 11 triệu ha sẽ hướng đến việc canh tác thực phẩm hữu cơ, nhiều nhất là thịt bò, rau, củ, quả. Tại Nhật - đất nước có nền nông nghiệp tương tự Việt Nam, sau nhiều thập niên lạm dụng hóa chất trong sản xuất nông nghiệp, hiện nay, phong trào nông nghiệp hữu cơ nổi lên như một lẽ tự nhiên tất yếu.

Tại Việt Nam, các dự án phát triển nông sản ứng dụng công nghệ cao của các tập đoàn lớn đang góp phần nâng cao giá trị của nông sản Việt trong hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, các dự án này sẽ đẩy nông dân khỏi ruộng vườn và công cụ sinh kế, tạo ra những hệ lụy về an sinh xã hội. Trong khi đó, nông nghiệp hữu cơ với lợi thế sử dụng sức người và áp dụng được cho quy mô nhỏ lẻ sẽ là giải pháp phù hợp cho hiện trạng đất đai manh mún ở Việt Nam.

Theo chị Phạm Phương Thảo - Giám đốc Hệ thống phát triển và phân phối thực phẩm hữu cơ Organica, với 70% dân số ở nông thôn và chi phí nhân công rẻ, Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp hữu cơ so với các nước phát triển. Đây cũng là cơ hội để phát triển các trang trại ở vùng sâu, vùng xa, giúp nông dân và cộng đồng cư dân địa phương tham gia vào chuỗi cung ứng nông sản hữu cơ có giá trị gia tăng cao hơn và tránh được những tổn thương do công nghiệp hóa gây ra.

Tiềm năng là vậy, thế nhưng, nhiều doanh nghiệp vẫn e ngại đầu tư vào lĩnh vực này. Ngoài việc khó tiếp cận quỹ đất; sự quản lý thiếu chặt chẽ, chưa có một chứng nhận đáng tin cậy từ cơ quan quản lý và thị trường vẫn chưa hình thành được chuỗi liên kết sản xuất – phân phối bền vững là những rào cản lớn.

Gần đây, trào lưu đầu tư ồ ạt vào mô hình này đang tạo ra sức nóng cho thị trường, tuy nhiên, liệu thực phẩm hữu cơ có giẫm phải vết xe đổ của nông nghiệp VietGAP hay không cũng khiến nhiều người lo lắng, bởi yếu tố quan trọng nhất để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm chính là niềm tin của người tiêu dùng.

Cần sự quản lý chặt chẽ và liên kết bền vững

Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng hệ thống cửa hàng Organica, chị Phạm Phương Thảo cho biết, từ ý tưởng tạo ra một kênh phân phối thực phẩm hữu cơ chất lượng, tin cậy cho người dùng, chị đã phải mở rộng đầu tư sang trực tiếp sản xuất để đảm bảo chất lượng đầu vào của sản phẩm.

Theo chị Thảo, nông sản hữu cơ tại Việt Nam đang thiếu sự đa dạng và còn rất nhiều tiềm năng để phát triển, tuy nhiên, điểm yếu của các doanh nghiệp là khả năng hợp tác và đảm bảo các cam kết về chất lượng. Việc chưa có một chứng nhận cho nông sản hữu cơ trong nước và sự quản lý chặt chẽ thị trường cũng gây khó cho cả nhà sản xuất, kinh doanh và cả người tiêu dùng.

Hiện nay, thực phẩm dán nhãn “hữu cơ”, “an toàn”, “sạch” nhan nhản trên thị trường nhưng chất lượng không biết ra sao khiến người tiêu dùng hoang mang và ngại trả giá cao hơn cho các sản phẩm thật. Đây sẽ là khó khăn chung của nhiều doanh nghiệp trong việc quảng bá thực phẩm hữu cơ và thuyết phục người tiêu dùng.

Trước khi có sự vào cuộc của các chính sách, nhiều doanh nghiệp làm ăn bài bản đã chọn cách đi đường vòng và rất tốn tiền: lấy được các chứng chỉ quốc tế. Hệ thống Organica sau 3 năm ròng thực hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại trang trại ở Long Thành, Đồng Nai đã đạt được 2 chứng nhận sản phẩm hữu cơ của cả Mỹ và EU cấp; các sản phẩm gạo hữu cơ thương hiệu HoaSuaFoods của Công ty Thương mại và Sản xuất Viễn Phú tại Cà Mau cũng đạt chứng nhận của Hà Lan và Mỹ…

Tuy nhiên, chứng nhận không bảo chứng đầu ra cho sản phẩm, bằng chứng là đã có những doanh nghiệp phải “đứt gánh giữa đường”. Với những doanh nghiệp “siêu nhỏ” hoặc các nông hộ không đủ điều kiện lấy chứng chỉ quốc tế, việc hợp tác với doanh nghiệp lớn hoặc gắn kết với nhau tạo thành một chuỗi liên kết chính là một giải pháp để cùng phát triển và lớn mạnh.

Hệ thống Organica sau khi hoàn thiện quy trình sản xuất các sản phẩm rau quả hữu cơ theo tiêu chuẩn của châu Âu và Mỹ hiện đã tìm đến các hộ nông dân tại nhiều địa phương để bàn chuyện hợp tác sản xuất và bao tiêu sản phẩm.

Theo chị Phạm Phương Thảo, việc các doanh nghiệp hợp tác, chuyển giao công nghệ cho nông dân tại các địa phương sẽ tạo điều kiện phát triển nông nghiệp hữu cơ theo hướng tập trung, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, từ đó giúp giá thành sản phẩm phải chăng hơn.

Gần đây, những mô hình “từ nông trại đến bàn ăn” liên kết nông dân trong chuỗi sản xuất – phân phối cũng chứng minh hiệu quả. Đơn cử, mô hình cửa hàng nông dân liên kết các nông hộ sản xuất các loại nông sản khác nhau triển khai tại Huế đã thành công bước đầu nhờ đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng của sản phẩm và tạo được sự kết nối giữa nông dân với người tiêu dùng.

Tại huyện Bình Đại, Bến Tre, các hoạt động hướng dẫn và khuyến khích nông dân canh tác rau hữu cơ theo hướng bền vững của tổ chức Seed to Table cũng hình thành được sự liên kết vững với những nông hộ sản xuất tiên tiến, lấy được niềm tin của người tiêu dùng.

Bên cạnh việc chuyển giao công nghệ canh tác, tổ chức này còn tạo điều kiện để nông dân tham gia các chợ phiên nông sản để tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, vừa tạo cơ hội để nông dân gặp gỡ trực tiếp người tiêu dùng và quảng bá sản phẩm của mình.

Bằng cách thay đổi nhận thức và cách thức sản xuất của nông dân, những doanh nghiệp, tổ chức hướng đến nền nông nghiệp phát triển bền vững đang gieo những hạt mầm tích cực và giá trị to lớn cho nông nghiệp Việt. Những hạt mầm này rất cần sự thúc đẩy từ các chính sách quản lý để Việt Nam có một nền nông nghiệp hữu cơ bền vững, giúp cải thiện thu nhập cho nông dân và mang lại những giá trị thiết thực cho cộng đồng.
 

Theo Diệp Khánh/doanhnhansaigon.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập293
  • Hôm nay105,091
  • Tháng hiện tại857,779
  • Tổng lượt truy cập93,235,443
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây