Ở biển nhiều hơn đất liền
Sau năm lần, bảy lượt gọi điện và đến tận nhà vẫn không gặp được anh Phan Thanh Tỉnh, chúng tôi tình cờ gặp anh trong buổi lễ nhận bằng khen của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vì “Đã có thành tích trong lao động sản xuất từ năm 2011- 2015, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội vào bảo vệ Tổ quốc”.
Ngư dân Phan Thanh Tỉnh trong một lần hiếm hoi ở nhà. Ảnh: Dũ Tuấn
Anh Tỉnh chia sẻ: “Tôi sống chủ yếu ở vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa. Chỉ về đất liền thăm nhà vài ba ngày lại lên tàu đi ngay vì ở lâu ngứa tay, chân lắm”.
Năm 14 tuổi, chàng trai làng chài Thanh Tỉnh đã leo lên chiếc tàu nhỏ tuềnh toàng, lênh đênh trên biển kiếm sống với vai trò là ngư dân. Nhà nghèo, đông anh em nhưng chỉ trông chờ vào vài con tôm, cá… gần bờ nên gia đình anh phải chạy ăn từng bữa.
“Năm 2009, sau khi tích góp được chút vốn và vay mượn khắp nơi, tôi mới đóng con tàu BĐ 91063, 410 CV. Ăn nên làm ra, đầu năm 2015, tôi đầu tư hơn 4 tỷ đồng đóng mới con tàu BĐ 91359, 810 CV”- anh Tỉnh cho hay.
Ngoài ra, anh Tỉnh còn đầu tư vốn với các anh chị em trong gia đình sở hữu 3 con tàu với công suất 1230 CV. Nhờ đánh bắt hiệu quả, 9 tháng đầu năm nay, sau khi trừ chi phí anh Tỉnh thu về hơn 2 tỷ đồng, 30 lao động tham gia trên thuyền anh, mỗi người cầm chắc hơn 100 triệu đồng. Không chỉ làm giàu từ nghề đánh bắt thủy sản, gia đình anh Tỉnh còn sở hữu 1 xưởng đá cây cung cấp cho tàu cá với tổng số vốn đầu tư hơn 1,6 tỷ đồng. Mới đây, anh chi 2,5 tỷ đồng mua 2 chiếc xe ôtô 7 chỗ để cho thuê tự lái.
Sát cánh cùng thuyền viên
Sinh ra và lớn lên nhờ vị mặn “lộc biển” nên lúc nghèo nàn hay sung túc, anh Tỉnh đều sẻ chia cùng biển.
“Ngư dân chúng tôi coi vậy thôi chứ cực khổ nhiều lắm, nỗi lo đầy rẫy trên biển. Vì vậy, ngoài sự chuẩn bị tàu cá hiện đại, an toàn, anh em chúng tôi đã cùng nhau xây dựng “Tổ đoàn kết đánh bắt trên biển”, hỗ trợ nhau lúc khó khăn. Riêng tổ của chúng tôi có 5 tàu công suất lớn đều của anh em trong gia đình nên rất thuận lợi”- anh Tỉnh lý giải.
Để thành lập tổ đánh bắt này, anh Tỉnh chính là người khởi xướng và vận động nhiều ngư dân tham gia. Từ khi tổ đoàn kết ra đời, tình ngư dân trên biển được gắn chặt hơn và họ đã giúp nhau vượt qua những tai nạn bất ngờ trên biển. Anh Tỉnh bộc bạch: “Với chúng tôi, biển cả, ngư trường là nhà. Tôi luôn quan tâm đến cách làm mới và hiệu quả hơn để nâng cao thu nhập cho anh em bạn thuyền”.
Bà Lê Thị Kim Mai- Chủ tịch Hội Nông dân Bình Định cho hay: “Ngư dân Phan Thanh Tỉnh làm giàu từ việc dám nghĩ, dám làm, vươn khơi đánh bắt tại các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa và tạo được công ăn việc làm cho nhiều ngư dân. Đây là gương mặt “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2016 của Bình Định”.
Tác giả bài viết: Dũ Tuấn
Nguồn tin: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;