Học tập đạo đức HCM

Ước mơ làm giàu từ xơ mướp

Thứ năm - 27/07/2017 11:15
Với người dân quê, xơ mướp là một thứ nguyên liệu bỏ đi sau thu hoạch mùa vụ và chỉ được tận dụng để làm đồ rửa chén, chà xoong, nồi... Thế nhưng với Mạc Như Nhân - chủ thương hiệu xơ mướp Vi Lâm, thứ nguyên liệu bỏ đi đó đã trở thành chất liệu độc đáo, nguồn cảm hứng để anh làm nên những sản phẩm thời trang đẳng cấp...

37 tuổi, độ tuổi "chín mùi" để trở thành một người đàn ông thành đạt và chững chạc, thế nhưng ở Mạc Như Nhân, người ta vẫn thấy được sự hóm hỉnh và cả khát vọng trong đôi mắt của anh khi nói đến... xơ mướp. Anh bảo, có lẽ người ta thường ví thứ gì đó rách nát, nghèo nàn với xơ mướp, nhưng trong mắt anh, đó là một loại nguyên liệu sạch và hoàn hảo để làm nên những sản phẩm thời trang mà chỉ ở Việt Nam mới có.

20 năm - một giấc mơ... xơ mướp

Tình cờ gặp anh Nhân ở một diễn đàn nông nghiệp do Sở NN PTNT TP.Hồ Chí Minh tổ chức, chúng tôi khá bất ngờ khi anh vẫn chỉ vận quần jean, áo thun và... đứng quầy giới thiệu các sản phẩm thời trang làm từ xơ mướp cho các bạn trẻ, dù anh cũng là diễn giả chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp tại diễn đàn. Anh cười xuề xòa bảo: "Đứng quầy để tiếp xúc các bạn trẻ cho quen chứ không lát lên sân khấu mà nói thì... run lắm". Nói là vậy, nhưng khi nhiều bạn trẻ đặt câu hỏi về độ bền của sản phẩm thời trang (giày, túi xách, ví...) làm từ xơ mướp, anh trả lời rất tự tin về sản phẩm của mình. Anh bảo: "Của bền tại người, không thể so những sản phẩm này với nguyên liệu công nghiệp về độ bền nhưng chắc chắn là an toàn cho sức khỏe"...

Như để chứng minh lời nói của mình, anh Nhân cho biết, hiện tại ngoài cửa hàng trưng bày các sản phẩm ở TP.HCM (quận 12), anh đã có cửa hàng ở Hà Nội (quận Đống Đa) và một số tỉnh, thành lớn cũng đang đặt hàng sản phẩm thời trang từ xơ mướp do anh thiết kế.

Anh cho biết, "sự nghiệp xơ mướp" của anh đã có 20 năm, mà cơ duyên đến với nghề này rất tình cờ. Anh kể, ngày bé khi còn sống ở phố núi Gia Lai, mỗi dịp lễ, tết, bạn bè đều chuẩn bị những món quà nhỏ để tặng nhau. Vì nhà nghèo, không có tiền mua những món quà tặng bạn nên anh nghĩ phải tự làm những món quà "độc".

Dĩ nhiên, độc đáo là một chuyện nhưng cũng phải đẹp. Ý tưởng là thế nhưng việc tìm gì để làm nguyên liệu lại là vấn đề khó khiến anh "nhức óc" một thời gian dài. Một buổi sáng vào khoảng năm 1993-1994, khi ấy Nhân đã là cậu trai chừng 13 - 14 tuổi đang phụ mẹ cắt trái mướp khô lấy xơ mướp để rửa chén, khi nhìn các sợi của xơ mướp đan vào nhau rất đều, lại bền khiến anh đưa ra một ý tưởng: Hay là làm một cái kẹp tóc từ xơ mướp để tặng bạn?

Nghĩ là làm, Nhân bắt tay vào "sưu tầm" các trái mướp khô, sau khi lấy xơ ra thì ngâm nước để ép cho thẳng, cắt cho khéo, rồi nhuộm màu. Sau vài lần thất bại, cái kẹp tóc đầu tiên cũng ra đời. Anh kể lại những kỷ niệm với một chút hào hứng: "Cô bạn lần đầu nhận được kẹp tóc bằng xơ mướp thì thích lắm, sau đó có nhiều bạn bè thấy hay hay và đặt tôi làm. Ban đầu là tặng chơi, sau rồi bán...".

Đem xơ mướp đi... xuất khẩu - Ảnh 1.

Anh Mạc Như Nhân đang giới thiệu sản phẩm thời trang bằng xơ mướp cho các bạn trẻ. ảnh: Quốc Hải

Nhìn những sản phẩm thời trang (túi xách, giày...) khá tinh tế và đẹp mắt, ít ai có thể tưởng tượng được rằng người làm ra sản phẩm đó lại chưa từng được học qua trường lớp về thiết kế thời trang nào. Anh Nhân bảo, tất cả đều là do mình tự mày mò học lấy, tự vẽ ra thiết kế rồi bắt tay làm.

"Những ngày đầu, tôi không nhớ đã làm hư bao nhiêu cái xơ mướp, tay thì bị kim đâm tứa máu bao nhiêu lần, thiết kế một mẫu giày thì phải làm sao cho đẹp, hợp xu thế thời trang; vẽ một cái ví cầm tay không biết làm như thế nào để khi may lên cho cân đối... Nhưng rồi, có lẽ nhờ sự kiên trì, chịu khó cùng với một chút "di truyền" nghệ thuật từ ba mẹ (ba mẹ anh Nhân đều làm ở Đoàn Cải lương Hoa Pơ Lang - PV) nên tôi vượt qua được chăng" - anh cười chia sẻ.

Giấc mơ vượt đại dương 

Hiện tại, những sản phẩm từ "nguyên liệu bỏ đi" đó được anh Mạc Như Nhân tận dụng tối đa để làm nên các sản phẩm tiện dụng nhưng lại gần gũi với thiên nhiên. Chẳng hạn, với dòng sản phẩm thời trang, anh có túi đeo, nón, giày dép, kẹp tóc; dòng sản phẩm chăm sóc da thì anh có bộ sản phẩm massage mặt, cọ lưng...

Với dòng sản phẩm đồ gia dụng - lưu niệm - trang trí, anh có các sản phẩm móc khóa, miếng rửa chén, miếng chà chân, tranh, hoa khô, bình cắm hoa...

Anh Nhân cho biết: "Ngoại trừ một số sản phẩm buộc phải dùng keo như giày dép, túi xách, còn lại tôi luôn ưu tiên sử dụng những vật liệu tự nhiên nhất để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Tuy vậy, nếu bảo quản và sử dụng đúng cách thì chắc chắn những sản phẩm này cũng có độ bền khá tốt chứ không chỉ đơn giản chỉ là để trưng bày".

Dù vậy, điều khiến anh Nhân tâm đắc nhất không phải là đã làm ra những sản phẩm đẹp, sản phẩm tiện dụng từ xơ mướp mà công việc của anh đã góp phần nâng cao giá trị của thứ "nguyên liệu nhà nghèo" này, mang lại "đồng vào đồng ra" cho người dân nghèo miền quê. Anh bảo, trước đây ở quê mỗi khi có trái mướp nào già thì đa phần là bỏ đi, chỉ một số ít hộ sử dụng để rửa chén, bát... nhưng bây giờ thì anh đặt mua hết.

"Ba má tôi ở Bình Định, anh em ở Gia Lai cũng làm đại lý thu mua xơ mướp với giá trung bình khoảng 7.000 đồng/trái. Ở đây tôi cũng đặt một số bà con nông dân ở Củ Chi, Long An... nên nguồn nguyên liệu không thiếu. Chỉ đáng tiếc là hiện nay sản phẩm có đầu ra còn khá yếu nên tôi cũng chưa thể mở rộng quy mô sản xuất, tạo công ăn việc làm cho các bạn trẻ muốn học việc" - anh Nhân nói.

"Anh có kế hoạch phát triển sản phẩm ra nước ngoài hay không?" - chúng tôi hỏi. Anh Nhân đắn đo khá lâu: "Đó là ước mơ tôi ấp ủ nhưng chẳng biết có thể thành hiện thực hay không vì đường còn... xa lắm". Hiện tại, những sản phẩm làm từ xơ mướp có những khuyết điểm nhất định như sợi hơi thô, sản phẩm thời trang kén quần áo, sản phẩm ép bằng keo nên khi gặp nước dễ bị hỏng… và anh vẫn đang cố gắng tìm cách khắc phục dần. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là "thái độ" của người tiêu dùng khi còn nghi ngại về chất lượng sản phẩm.

"Dĩ nhiên, với những sản phẩm handmade (thủ công) thì nhiều khi giá thành sẽ cao hơn với những sản phẩm công nghiệp, thêm vào đó là người dùng còn chưa biết nhiều đến sản phẩm do tôi mới chỉ quảng bá qua kênh facebook (fanpage "Xơ Mướp Vi Lâm" - PV) nên thị trường cũng chưa nhiều. Dù vậy, tôi vẫn muốn một ngày nào đó sản phẩm thời trang bằng xơ mướp sẽ vượt ra khỏi đại dương để đến với người tiêu dùng thế giới, bởi xơ mướp vẫn đang là nguyên liệu độc quyền của Việt Nam" - anh Nhân nói. 

Thời gian đầu, tâm lý người tiêu dùng cho rằng xơ mướp là nguyên liệu tầm thường, họ chưa hiểu hết tác dụng của xơ mướp nên doanh thu từ sản phẩm này chỉ đạt trên 10 triệu đồng mỗi tháng. Tuy nhiên, hiện nay nhờ mở rộng thị trường ra miền Bắc, qua kênh facebook... sản phẩm từ xơ mướp đã mang lại mức doanh thu cho gia đình tôi khoảng 600 triệu đồng/năm".

Quốc Hải (Báo Dân Việt)
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập766
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại747,580
  • Tổng lượt truy cập93,125,244
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây