Những năm gần đây, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp của thành phố có bước chuyển biến rõ rệt. Chỉ tính riêng năm 2017, tổng diện tích nông nghiệp chuyển đổi sang trồng các loại rau ăn lá, ăn quả, trồng lan ứng dụng công nghệ cao lên đến gần 400 ha, tăng 385% so với năm 2016. Trong đó, có nhiều mô hình mang lại giá trị kinh tế cao, lợi nhuận từ 30 đến 40%. Điển hình là các mô hình nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) trồng rau ăn lá có doanh thu bình quân khoảng 1 đến 1,4 tỷ đồng/ha/năm; hoa lan gần 2 tỷ đồng/ha/năm; nuôi tôm siêu thâm canh 2,7 đến 3 tỷ đồng/ha/năm; cá cảnh 10 đến 12 tỷ đồng/ha/năm… Tính theo giá trị bình quân sản xuất nông nghiệp trên địa bàn toàn thành phố, hiện đạt 450 triệu đồng/ha/năm. Với diện tích 10 nghìn m2 trồng lan Mokara, bà Nguyễn Thị Bé (xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi) mỗi tuần cung ứng cho thị trường từ bốn đến sáu nghìn cành lan, thu nhập mỗi tháng khoảng 70 triệu đồng. Bà Bé cho hay: Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng lan cho thu nhập cao hơn nhiều lần so với cách trồng thông thường. Do áp dụng hệ thống tự động, vừa tiết kiệm được nhân công, vừa tưới nước theo chu kỳ phát triển của cây lan, cho nên chất lượng ra hoa của lan Mokara rất tốt. Thay vì phải nhập cây giống từ Thái-lan giá cao như trước đây, hiện nay, vườn lan của bà Bé đã áp dụng các kỹ thuật cao để sản xuất giống lan Mokara với giá thành thấp hơn so với nhập khẩu. Đây là hướng đi phù hợp với chủ trương của thành phố là phát triển ngành nông nghiệp trở thành trung tâm sản xuất giống cung cấp cho thị trường phía nam. Năm 2015, anh Nguyễn Lê Cẩm Tú đã mạnh dạn thuê đất, xây dựng nhà màng, mở trang trại trồng dưa lưới công nghệ cao. Đến nay, trang trại của anh mở rộng lên 8.000 m2, mỗi năm thu về hơn 1,5 tỷ đồng. Anh Tú cho biết, trang trại của anh áp dụng công nghệ cao của I-xra-en. Mặc dù, chi phí đầu tư ban đầu cao nhưng với công nghệ mới có thể kiểm soát dịch bệnh, môi trường và cây được tưới từ động hoàn toàn. Nhờ đó, năng suất tăng lên gấp 1,5 lần và chất lượng vượt trội so với các vườn trồng dưa lưới chưa áp dụng công nghệ cao của I-xra-en. Tiền đề để NNCNC trên địa bàn thành phố phát triển phải kể đến sức lan tỏa từ Khu NNCNC TP Hồ Chí Minh. Theo ông Đinh Minh Hiệp, Trưởng ban Quản lý Khu NNCNC, nhiều tiến bộ kỹ thuật của khu đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN - PTNT) công nhận là tiến bộ kỹ thuật quốc gia, đã được triển khai, nhân rộng cho nông dân, chủ trang trại, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, các tỉnh lân cận. Tiếp nối những thành quả trên, Khu NNCNC đang triển khai và xây dựng hai đề án: Quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và liên kết Khu NNCNC thành phố với các khu NNCNC các địa phương khác. Qua đó, sẽ tạo thành chuỗi liên kết các ngành hàng chủ lực, chuyển giao các tiến bộ, thành tựu mới cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu trong thời gian tới. Để tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, Sở NN - PTNT thành phố đang triển khai Chương trình phát triển nông nghiệp giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025. Trong đó, tập trung vào việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển NNCNC, nhất là các sản phẩm chủ lực của thành phố. Đồng thời, xây dựng các chính sách ưu đãi đối với các hộ cá thể, doanh nghiệp, hợp tác xã tập trung sản xuất những cây con chủ lực để ứng dụng NNCNC. Theo ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở NN - PTNT thành phố, ngành nông nghiệp xác định phát triển giống cây trồng, vật nuôi là vấn đề then chốt, là ngành kinh tế đặc thù. Do đó, nông nghiệp của thành phố sẽ định hình là trung tâm sản xuất giống không chỉ cung cấp cho cả khu vực phía nam mà còn tiến đến xuất khẩu sang các nước trong khu vực. Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận, việc ứng dụng NNCNC vào sản xuất tuy đã có những chuyển biến tích cực nhưng nhìn chung hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao. Nếu so sánh với những quốc gia khác trong khu vực, ngành nông nghiệp thành phố vẫn chưa ngang tầm. Một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tồn tại trên là do nguồn nhân lực chất lượng cao thuộc lĩnh vực NNCNC còn thiếu, chưa tạo được đòn bẩy cho NNCNC phát triển. Khắc phục tình trạng này, UBND TP Hồ Chí Minh vừa phê duyệt kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao giai đoạn 2018 đến 2020. Theo đó, thành phố sẽ cử 20 nhân sự đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ tại các học viện trong nước và các nước có nền NNCNC tiên tiến như: Nhật Bản, I-xra-en, Ca-na-đa... ở các lĩnh vực công nghệ sinh học, chăn nuôi trồng trọt, di truyền giống, di truyền phân tử, quản lý sản xuất giống... Ngoài ra, thành phố cũng triển khai các lớp ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp cho gần 1.800 cán bộ quản lý khoa học và công nghệ, cán bộ nghiên cứu, kỹ thuật... trên địa bàn thành phố.
| |
THEO KHÁNH TRÌNH/ BÁO NHÂN DÂN |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã