Đầu tháng 6, như mọi năm, đất miền Đông đã hứng những cơn mưa dầm, nhưng thay vào đó là cái nắng hanh hao vẫn đổ xuống hừng hực. Xế trưa, chúng tôi mới đến được trang trại của ông Lê Văn Phấn (Chín Phấn), xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng. Khi mới gặp, ông Chín Phấn đã cuốn hút mọi người từ phong thái đến cách nói chuyện...
Từ miền Tây sông nước lên miền Đông khai phá
Trong triết lý của người phương Đông có câu, “hạ trữ áo bông, đông trữ áo hè”. Mùa hạ sao phải mua áo ấm - nghe có vẻ vô lý nhưng ngẫm thật chí lý. Bởi thế, người giỏi kinh doanh bao giờ cũng đi trước, đón đầu, biết nắm bắt thời cơ nên thành công. Ông Chín Phấn quả là một con người như vậy.
Ông Phấn sinh ra và lớn lên ở Long An, vùng ven Đồng Tháp Mười trù phú nông sản. Ông kể rằng, lúc lớn lên ông đã say mê với nghề nông. Ban đầu là cuốc đất trồng lúa kiếm sống qua ngày. Quanh năm lam lũ nhưng đói nghèo vẫn bám riết. Thế rồi, trong một lần ông được nghe cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói: Việt Nam phải sản xuất được mỗi năm một triệu tấn đường. Chính câu nói của cố Thủ tướng đã làm thay đổi cuộc đời ông Chín Phấn. “Được lời như cởi tấm lòng”, không một chút do dự, ông lập tức bỏ lúa chuyển qua trồng mía và trồng bạt ngàn.
Mô hình trồng quýt đường áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP và công nghệ tưới phun tự động của ông Lê Văn Phấn (xã Trừ Văn Thố) cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Ảnh: HOÀNG PHẠM.
Thấy ông “làm liều” nhiều người tặc lưỡi, “cha này khùng”! Thế nhưng sự đầu tư đúng hướng bao giờ cũng mang lại hiệu quả. Từ cây mía phát triển tốt ở đất Long An, Chín Phấn đã nghĩ ngay đến việc chế biến đường và đã mang lại thành công ngoài mong đợi. Đầu thập niên 80, mỗi ngày ông Phấn đã sản xuất được 2 tấn đường. Từ đây, người ta không còn gọi ông là “khùng” nữa mà thay vào câu từ rất kiêu hãnh: “tỷ phú giữa đồng bưng”.
Luôn luôn suy nghĩ, tìm tòi cách làm mới có lẽ là phẩm chất thường trực ở người nông dân. Trong căn nhà ông treo nhiều bằng khen nhưng nhiều hơn vẫn là sách vở. Chúng tôi thán phục ông, khi tuổi đã cao, sự nghiệp đã thành nhưng không lúc nào ông ngơi nghỉ tìm hiểu các kiến thức khoa học nông nghiệp. Ông nói: Muốn làm giàu bằng nghề nông thì phải học.
Đó là chìa khóa đầu tiên trước khi đụng vào đất đai. Không học tập kiến thức, thấy ai trồng gì trồng theo để rồi cứ lẩn quẩn hết chặt rồi trồng, trồng rồi lại chặt. Cây điều, cây tiêu một thời đã diễn ra như vậy, gây bao khốn đốn cho nông dân.
Ông Lê Văn Phấn (bìa trái): Có kiến thức, có kỹ thuật thì sẽ cho những mùa sai quả... Ảnh: ĐÌNH HẬU.
Cuối thập niên 90, nhận thấy lĩnh vực mía đường không còn “hot” như trước đây, sau nhiều lần tìm hiểu, năm 1998 ông Phấn đã lên Bình Dương lập nghiệp, vẫn bằng nghề nông. Thời điểm đó, vùng đất Trừ Văn Thố còn vắng người, đất đai thì rộng. Nhiều người khi đến đây đã bỏ về, bởi hoang vu quá, cây cối rậm rạp, ở làm chi nơi đèo heo gió hú này.
Nhưng Chín Phấn thì suy nghĩ hoàn toàn khác. Họ về còn ông thì dấn vô. Việc đầu tiên ông “tậu” ngay 4 ha đất và trồng đủ loại cây xoài, nhãn…
Chúng tôi hỏi, người ta chê đất Trừ Văn Thố không ở, còn ông suy nghĩ khác vì lý do gì? Thật bất ngờ, ông Phấn đã phân tích cho chúng tôi những thông tin rất thuyết phục và đầy trí tuệ. Ông nói: “So với đồng bằng sông Cửu Long thì đất miền Đông không nhiều phù sa bằng. Nhưng đất miền Đông là đất phù sa cổ. Gần đồi núi thì có đất bazan pha sỏi, gần sông nhiều phù sa, nước lại ngọt, mạch nước ngầm rất tốt nên phù hợp trồng các cây đặc sản. Bởi vậy, không phải ngẫu nhiên mà các loại cây có múi ở Bình Dương ngon hơn vùng khác”. |
Vậy là ông đã nghiên cứu rất kỹ rồi - chúng tôi nghĩ thầm! Vậy tại sao ban đầu ông lại trồng “tùm lum” loại cây, điều này không hợp lý lắm? Trồng như vậy để thử nghiệm - ông Phấn trả lời dứt khoát.
Sau những năm đầu say sưa với công cuộc mở đất ở vùng quê mới, ông Phấn đã đi đến kết luận: Chỉ có trồng cây có múi mới thắng được, đặc biệt là cây quýt đường. Vậy là, ông lập tức chặt bỏ tất cả các cây trồng thử nghiệm như xoài, nhãn, sầu riêng…để trồng bưởi và quýt. Một lần nữa người dân Trừ Văn Thố lại đồn thổi “cha miền Tây này lạ quá”.
Rồi người ta lại ngạc nhiên hơn, không hiểu vì sao mà sinh viên nông nghiệp lại kéo về trang trại của ông để cùng trồng quýt. Thì ra, mọi người không thể biết sau khi đã chọn cây quýt đường, ông Phấn đã đến các trường đại học mời sinh viên về thực tập. Sinh viên nông lâm về tức là mang theo cả kiến thức về. Sự thành công của ông Chín Phấn sau này cũng xuất phát từ những suy nghĩ rất trí tuệ đó...
Vua quýt Bình Dương
Hôm nay đến Bàu Bàng, nhắc tên Chín Phấn ai cũng trầm trồ thán phục. Từ 4 ha ban đầu, hiện nay, Chín Phấn là chủ của trang trại rộng hơn 70 ha trồng cây có múi, trong đó chủ yếu là cây quýt đường. Mỗi năm doanh thu lên đến 15 tỷ đồng. Ban đầu người ta gọi ông là “khùng”, “lạ quá” thì nay tên tuổi của ông đã nổi tiếng khắp nơi, với biệt danh “vua quýt Bình Dương”. Qua câu chuyện của ông Chín Phấn, chúng tôi lại nhớ đến một câu thơ: Con sông xưa vẫn bến cũ con đò/ mà cuộc đời đã bao lần thay đổi. Cuộc đời vốn công bằng nhưng cũng lắm thị phi, âu đó cũng là lẽ thường ở đời.
Ông Lê Văn Phấn bên vườn quýt - Ảnh: Huy Anh
Đi giữa vườn quýt sum suê trĩu quả, chúng tôi từ ngạc nhiên đến thán phục lão nông Chín Phấn. Mùa quýt đang chín, thương lái từ Hà Nội đã vào tận nơi gom hết. Mùa thu hoạch trang trại rộn ràng tiếng cười vui của những công nhân lao động, chúng tôi cũng cảm thấy vui mừng khi được ông cho biết, trang trại đã tạo công ăn việc làm cho hơn trăm người với tổng chi phí tiền lương mỗi tháng lên đến 500 triệu đồng. Một câu chuyện vượt sức tưởng tượng ở vùng đất miền xa.
Tiễn chúng tôi ra về, ông Chín Phấn tâm sự rằng, kinh doanh là để tạo ra lợi nhuận và sản phẩm nhưng suy cho đến tận cùng, kinh doanh cũng là để tạo ra con người. Chúng tôi hiểu ông đang nói câu này ở phạm vi nghĩa rộng trong xã hội và cả của gia đình ông. Hôm nay thế hệ thứ hai, các con cháu trong gia đình của ông cũng đang kế thừa nghề nông nhưng họ không phải chỉ là những nông dân cần cù, hăng say lao động mà là những kỹ sư có bằng cấp, có kiến thức khoa học hẳn hoi.
Ông Chín Phấn cho rằng, giống quýt đường trồng trên đất miền Đông cho quả đẹp, vỏ mỏng, nhiều nước và ngọt mát.
Chúng tôi biết rằng, ước vọng của gia đình ông Chín Phấn không chỉ là những vườn cây trái cung cấp cho thị trường trong nước mà còn ấp ủ những ước mơ hoài bão đưa hàng nông sản Việt Nam vượt đại dương ra thế giới.
Kinh doanh là để tạo ra con người. Trên đường về, chúng tôi cứ suy nghĩ mãi về câu nói đầy triết lý của ông Chín Phấn. Chúng tôi biết rằng, đây là câu nói được đúc kết trong tác phẩm truyền hình trứ danh mang tên “Thương gia” của điện ảnh Hàn Quốc. Quả thật, Chín Phấn không chỉ là một lão nông chất phác, một doanh nhân năng động mà còn là một con người rất thú vị, trí thức. Tạm biệt lão nông Chín Phấn, chúng tôi hẹn sẽ trở lại thăm trang trại ông khi những khát vọng, hoài bão mà ông đang ấp ủ sẽ thành hiện thực.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;