Vùng chè xuất khẩu. Ảnh: TTXVN
Lũy kế xuất khẩu chè 8 tháng năm 2018 ước đạt 81.000 tấn và 133 triệu USD, giảm 10,1% về khối lượng và giảm 7,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Giá chè xuất khẩu bình quân 8 tháng năm 2018 ước đạt 1.642 USD/tấn, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2017.
Các thị trường xuất khẩu chính của chè Việt Nam trong 7 tháng qua tiếp tục là Pakistan với 37,3 triệu USD, chiếm 33,6%; Đài Loan (Trung Quốc) với 15,6 triệu USD, chiếm 14,0%; Nga với 12,8 triệu USD, chiếm 11,5%; Trung Quốc với 9,5 triệu USD, chiếm 8,5%; Indonesia với 5,4 triệu USD, chiếm 4,8% và Mỹ với 4,3 triệu USD, chiếm 3,8%.
Điểm nhấn của xuất khẩu chè trong 7 tháng qua là sự tăng trưởng của thị trường Pakistan, với tổng khối lượng tăng 1.500 tấn (tương đương 9,7%) so với cùng kỳ năm 2017.
Các thị trường có mức tăng trưởng tiếp theo là Đài Loan (Trung Quốc) tăng 457 tấn (tương đương 4,8%), Trung Quốc tăng 400 tấn (tương đương 6,1%), Malaysia tăng 314 tấn (tương đương 16,2%) và Hoa Kỳ tăng 248 tấn (tương đương 7,1%).
Tuy nhiên, lượng xuất khẩu chè của Việt Nam lại giảm mạnh ở 2 thị trường lớn là Nga với mức giảm 1.300 tấn (tương đương 13,2%) và Tiểu Vương Quốc Ả Rập thống nhất giảm gần 2.000 tấn (tương đương 60,9%) khiến cho tổng lượng xuất khẩu chè của Việt Nam giảm.
Tại thị trường trong nước, giá chè tháng 8/2018 tiếp tục giữ ở mức ổn định. Cụ thể, tại Thái Nguyên, giá chè xanh búp khô là 105.000 đồng/kg; chè cành chất lượng cao có giá 200.000 đồng/kg.
Tại Lâm Đồng, chè nguyên liệu (búp tươi) sản xuất chè xanh loại 1 có giá 9.000 đồng/kg và 6.000 đồng/kg đối với chè nguyên liệu sản xuất chè đen.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản dự báo, giá chè trong nước sẽ tiếp tục giữ ở mức ổn định như hiện tại trong các tháng cuối năm 2018.
Trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ - Trung đang căng thẳng, thì ngày càng xuất hiện nhiều doanh nghiệp Việt Nam nhưng do người Trung Quốc làm chủ, cạnh tranh quyết liệt với các doanh nghiệp chè trong nước trong việc thu mua nguyên liệu.
Điều này khiến cho các doanh nghiệp trong nước gặp không ít khó khăn, đặc biệt là trong giai đoạn lượng xuất khẩu đang có xu hướng giảm như hiện nay.
Do đó, cần có chính sách hỗ trợ vốn và công nghệ các doanh nghiệp chè trong đầu tư chế biến sâu các sản phẩm chè. Bên cạnh đó, cần có cơ chế thích hợp để ngăn chặn việc các doanh nghiệp Trung Quốc làm giá trên thị trường chè, gây ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp Việt Nam.
Bên cạnh đó, để thúc đẩy sự phát triển của ngành hàng chè, ngoài việc nâng cao chất lượng chè thì ngành hàng chè cần có biện pháp khuyến khích tăng tiêu dùng chè trong nước; đặc biệt là trong bối cảnh lượng xuất khẩu đang có xu hướng giảm như hiện nay.
Đồng thời, cũng cần đa dạng hóa các sản phẩm vào các phân khúc như chè hữu cơ, chè đặc sản để nâng cao giá trị gia tăng cho chè./.
Thành Trung/TTXVN
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã