Ảnh minh họa |
Cách ly toàn xã hội từ 0 giờ ngày 1/4 trên phạm vi toàn quốc
Ngày 31/3/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1/4/2020 trên phạm vi toàn quốc theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định. Yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác; thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.
Hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg về cách ly xã hội
Các ngành, các cấp, các địa phương đã nghiêm túc triển khai theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng tại Chỉ thị 16/CT-TTg. Tuy nhiên, một số nội dung của Chỉ thị còn chưa được hiểu và thực hiện thống nhất. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu:
Thực hiện nghiêm việc cách ly xã hội theo đúng yêu cầu của Chỉ thị số 16/CT-TTg, bảo đảm giãn cách xã hội, giữ khoảng cách giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng. Nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cộng đồng, yêu cầu người dân ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài, trừ các trường hợp thật sự cần thiết: a) Mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác; b) Các trường hợp khẩn cấp như: cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn,…; c) Làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước, lực lượng vũ trang, cơ quan ngoại giao và tại các cơ sở nêu tại mục 2 văn bản này. Trường hợp ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; không tập trung quá 2 người trở lên tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và phải giữ khoảng cách tối thiểu 2m.
Nhà máy, cơ sở sản xuất; công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (như: lương thực, thực phẩm, dược phẩm; xăng, dầu; điện; nước; nhiên liệu,…); cơ sở giáo dục, ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm...), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ... được tiếp tục hoạt động. Người đứng đầu các cơ sở nêu trên chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn tuyệt đối và thực hiện đầy đủ các biện pháp chống dịch. Trường hợp không bảo đảm các yêu cầu nêu trên thì phải dừng hoạt động. Cơ quan y tế địa phương hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc phòng, chống dịch tại các cơ sở nêu trên.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định và công bố công khai loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh, công trình phải tạm đình chỉ hoạt động.
Công bố dịch COVID-19 toàn quốc
Ngày 1/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 447/QĐ-TTg về việc công bố dịch truyền nhiễm tại Việt Nam.
Tên dịch bệnh: COVID-19 (dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra).
Thời gian xảy ra dịch: Từ ngày 23/1/2020 (thời điểm xác định trường hợp đầu tiên mắc ca bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra.
Địa điểm và quy mô xảy ra dịch: Toàn quốc.
Chuẩn bị mọi điều kiện sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh trên diện rộngTại Thông báo 133/TB-VPCP ngày 29/3/2020 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp với 5 thành phố trực thuộc Trung ương về phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các ngành, các cấp trong cả nước nhất là 5 thành phố trực thuộc Trung ương tập trung cao độ, thần tốc hơn nữa, tranh thủ từng giờ, từng phút thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch đã đề ra; đồng thời tích cực chuẩn bị mọi điều kiện về nhân lực, vật chất sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh trên diện rộng bảo đảm phương châm 4 tại chỗ.
Một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19
Cũng trong ngày 29/3/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 37/NQ-CP về một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19, trong đó quy định về tiền ăn của người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế; chế độ phụ cấp chống dịch cho cán bộ y tế, người lao động tham gia phòng, chống dịch; chế độ đối với người tham gia thường trực chống dịch 24/24 giờ; chế độ bồi dưỡng đối với cộng tác viên, tình nguyện viên tham gia chống dịch trong thời gian có dịch COVID-19.
Hỗ trợ ngân sách địa phương phòng, chống dịch COVID-19
Ngày 30/3/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 437/QĐ-TTg về nguyên tắc hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương trong phòng, chống dịch COVID-19.
*Thủ tướng Chính phủ cũng đã gửi thư khen, động viên các thầy thuốc, cán bộ, nhân viên ngành y tế; cán bộ, chiến sĩ lực lượng Quân đội nhân dân; cán bộ, chiến sĩ lực lượng Công an nhân dân trong phòng, chống dịch COVID-19.
Đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất máy thở trong nước
Trong Thông báo số 141/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về phương án sản xuất máy thở phục vụ phòng, chống dịch COVID-19, Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ động phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp sản xuất máy thở trong nước để chủ động trong nghiên cứu và sản xuất; nghiên cứu kiến nghị của các doanh nghiệp để đẩy nhanh tiến độ sản xuất máy thở trong nước như ban hành tiêu chuẩn về máy thở, hỗ trợ thiết bị đo lường, thực hiện thủ tục thông quan và miễn thuế nhập khẩu đối với các nguyên liệu để sản xuất máy thở.
Việc xuất khẩu gạo cần phải xem xét kỹ lưỡng, thận trọng
Văn phòng Chính phủ đã ban hành văn bản 140/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch bệnh và hạn hán, xâm nhập mặn.
Thông báo nêu rõ: Việc xuất khẩu gạo trong bối cảnh hiện nay cần phải xem xét kỹ lưỡng, thận trọng; trước hết phải bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đồng thời giảm thiểu việc gián đoạn chuỗi sản xuất lúa gạo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người nông dân và các tổ chức kinh doanh có liên quan.
Thủ tướng giao Bộ Công Thương lấy ý kiến các Bộ: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan về việc xuất khẩu gạo trong bối cảnh hiện nay. Yêu cầu các Bộ: Nông nghiệp và Phát triên nông thôn, Tài chính và các cơ quan liên quan có ý kiến chính thức bằng văn bản gửi Bộ Công Thương trước ngày 5/4/2020. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương hoàn thiện phương án đề xuất, ký văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 6/4/2020, bảo đảm nguyên tắc đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng gạo trong nước trong mọi tình huống, tuyệt đối không để xảy ra thiếu gạo, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu và tình hình dịch bệnh COVID–19.
Đẩy mạnh các giải pháp đưa giá lợn hơi về mức bình thường
Theo Thông báo 132/TB-VPCP ngày 29/3/2020 kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 20/3/2020 về giải pháp bình ổn giá thịt lợn, thúc đẩy sản xuất và chế biến nông sản, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các địa phương, cơ quan liên quan kiên quyết đẩy mạnh triển khai các giải pháp để ngay trong tháng 4 năm 2020 đưa giá lợn hơi về mức bình thường như trước khi có dịch bệnh tả lợn Châu Phi, khoảng 60 nghìn đồng/kg bằng các biện pháp phù hợp.
Điều kiện cấp phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài
Chính phủ đã ban hành Nghị định 38/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong đó nêu rõ điều kiện cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Cụ thể, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (doanh nghiệp dịch vụ) là công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần và công ty hợp danh được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, đáp ứng các điều kiện sau đây về vốn: Vốn pháp định không thấp hơn 5 tỷ Việt Nam đồng; có chủ sở hữu, tất cả các thành viên, cổ đông là nhà đầu tư trong nước theo quy định của Luật Đầu tư.
Theo Nghị định, doanh nghiệp dịch vụ phải có Đề án hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Nội dung của Đề án hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và nước tiếp nhận lao động, được thực hiện theo Mẫu số 02 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.
Bổ sung ngành nghề ưu đãi đầu tư
Chính phủ ban hành Nghị định 37/2020/NĐ-CP bổ sung Danh mục ngành, nghề ưu đãi đầu tư ban hành kèm theo Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.
Theo đó, bổ sung khoản 2 vào Mục V Phần B Phụ lục I về Danh mục ngành, nghề ưu đãi đầu tư ban hành kèm theo Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.
Cụ thể bổ sung ngành nghề khác được ưu đãi đầu tư: Hoạt động đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; gồm: Đầu tư kinh doanh chuỗi phân phối sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa; đầu tư kinh doanh cơ sở ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa; đầu tư kinh doanh cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; đầu tư kinh doanh khu làm việc chung cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo.
Thí điểm ký quỹ đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 12/2020/QĐ-TTg thực hiện thí điểm ký quỹ đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc.
Quyết định nêu rõ: Người lao động trước khi đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (Chương trình EPS), phải ký quỹ để bảo đảm thực hiện đúng hợp đồng, về nước đúng thời hạn sau khi chấm dứt Hợp đồng lao động. Mức tiền ký quỹ là 100 triệu đồng.
Quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu
Tại Quyết định 431/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu với mục tiêu xây dựng một hệ thống để tiếp nhận, xử lý thông tin liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch thương mại điện tử trên nền cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN, tạo điều kiện thuận lợi trong việc kiểm soát giao dịch, tăng tốc độ thông quan hàng hóa do có đầy đủ cơ sở dữ liệu.
Một trong các giải pháp quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là giải pháp về hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan đến hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ xã hội cơ bản
Tại Thông báo 134/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp về sơ kết thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, thời gian tới cần phát triển và nâng cao số lượng, chất lượng dịch vụ xã hội cơ bản như: thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế toàn dân; giải quyết vấn đề suy dinh dưỡng trẻ em, hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở; xây dựng xã hội học tập…
Kế hoạch thực hiện Khung trình độ quốc gia giáo dục đại học
Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 436/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ của giáo dục đại học, giai đoạn 2020 - 2025.
Kế hoạch nhằm mục đích triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ của giáo dục đại học để xây dựng, phê duyệt chuẩn chương trình đào tạo cho các ngành, khối ngành của từng lĩnh vực giáo dục đại học nhằm đổi mới hoạt động đào tạo gắn với bảo đảm, nâng cao chất lượng của giáo dục đại học Việt Nam; thiết lập mối quan hệ với khung trình độ quốc gia của các nước trong khu vực và trên thế giới; tạo ra cơ chế liên thông giữa các trình độ đào tạo; xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời.
Biểu dương tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp vào hoạt động thư viện cộng đồng
Hoạt động thư viện cộng đồng, thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng đã và đang có bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua, tác động tích cực tới phát triển sự nghiệp thư viện, góp phần nâng cao dân trí, văn hóa đọc trong nhân dân.
Để tiếp tục thúc đẩy hoạt động này, trong đó huy động sự tham gia rộng rãi hơn nữa của các tổ chức, cá nhân, tại văn bản 2462/VPCP-KGVX, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch rà soát, đánh giá và có hình thức ghi nhận, biểu dương kịp thời, đầy đủ đối với các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp vào hoạt động thư viện cộng đồng, thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng; tiếp tục tổ chức triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của nhà nước đối với hoạt động này.
Minh Hiển/ chinhphu.vn/Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã