Từ bao đời nay, người Mông luôn sinh sống trên những rẻo cao, làm ruộng nương trên những sườn núi, trên những mỏm đá tai mèo dựng đứng. Bởi vậy, để canh tác trên những địa hình khó khăn như vậy, người Mông đã chế tác ra những cái dao, cái cày, cái cuốc... vừa bền, vừa sắc bén, đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp.
Người Mông rất coi trọng những công cụ lao động của mình bởi theo họ, con dao, lưỡi cày hay cái cuốc như là người bạn không thể thiếu, giúp họ làm nên những vụ mùa bội thu.
Tiếng máy cắt, tiếng búa, tiếng mài luôn rộn rã trong những xưởng rèn truyền thống của người Mông ở Mù Cang Chải (Yên Bái).
Qua hàng trăm năm, bằng sự cha truyền con nối, từ thế hệ này sang thế hệ khác, nghề rèn truyền thống của người Mông vẫn được bảo tồn và duy trì. Nghề rèn truyền thống hiện không còn mang tính tự cung tự cấp, mà ngày càng phát triển nhờ gắn liền với du lịch. Các nông cụ của đồng bào Mông ở Mù Cang Chải không những bán cho người dân địa phương mà còn bán cho du khách trong mỗi mùa du lịch.
Hờ A Giàng, chủ xưởng rèn này lúc nào cũng bận bịu, tất bật, từ chỉ đạo thợ phụ, rồi đứng máy làm những công việc chính.
Ngày nào cũng vậy, xưởng rèn ở bản Giề Thàng (xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) của ông Hờ A Giàng luôn đỏ lửa. Tiếng búa tiếng đe, xen lẫn tiếng máy mài khiến công việc rèn của những nghệ nhân người Mông thêm bận rộn. Đã nhiều năm nay, xưởng rèn này không chỉ là nơi sản xuất nông cụ mà còn là nơi truyền dạy cho nhiều bà con về nghề truyền thống.
Ông Hờ A Giàng cho biết: “Nhờ trang bị thêm máy dập, công việc rèn cũng đỡ vất hơn trước. Để làm ra những con dao, cái cuốc, lưỡi cày, cũng có những bí quyết riêng được truyền từ đời ông cha, vì thế sản phẩm làm ra đến đâu đều được khách hàng đến mua".
Máy móc đã giúp nghề rèn tăng năng suất lên rất nhiều.
Ông Hờ Chứ Ly vốn được cha ông truyền lại nghề rèn. Từ khi ở Mù Cang Chải phát triển du lịch, ông mở xưởng ngay sát đường, thu nhập tăng lên đáng kể bởi sản phẩm không chỉ bán cho người dân mà còn bán cho du khách.
“Trước đây do không có máy móc nên một ngày chỉ làm được 1 đến 2 con dao, nhưng giờ áp dụng máy móc vào làm một ngày tăng lên 4 con dao. Mỗi con dao sau khi đánh xong phải mang đi tôi bằng thân cây chuối để vừa đảm bảo độ dẻo, độ cứng vừa đủ, để khi sử dụng không bị sứt mẻ hay gãy vụn. Cái này được tổ tiên truyền lại nên mình rất quý và phát triển nó, giờ còn bán được cho bà con dưới xuôi nữa, mình cũng rất thích”, ông Hờ Chứ Ly chia sẻ.
Những người nghệ nhân đồng bào dân tộc Mông mài dao để tạo ra những con dao vừa đẹp vừa sắc bén.
Chuôi dao được đẽo từ thân cây gỗ chắc.
Nghề rèn truyền thống không chỉ là một phần không thể thiếu trong văn hóa của người Mông mà giờ đây, nghề rèn còn được gắn liền trong chuỗi phát triển du lịch địa phương, quảng bá hình ảnh của địa phương đến du khách cả nước và quốc tế, đa dạng sản phẩm du lịch, nâng cao thu nhập cho người dân.
Các sản phẩm từ nghề rèn truyền thống của đồng bào Mông ở Mù Cang Chải không những bán cho người dân địa phương mà còn bán cho du khách trong mỗi mùa du lịch.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Sùng A Chua, Trưởng Phòng KT - HT huyện Mù Cang Chải cho biết: “Các sản phẩm từ nghề rèn của đồng bào Mông hiện nay không những bán cho người địa phương, mà còn có một lượng lớn sản phầm được bán cho du khách. Hiện tại nghề rèn là một trong những nghề có cơ hội phát triển tốt nhất, hằng năm số lượng cơ sở cũng như sản lượng đều tăng từ 7% đến 10%”.
Tháng 12/2019, UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành quyết định công nhận nghề truyền thống rèn, đúc các xã: Nậm Khắt, Dế Xu Phình, Chế Cu Nha và Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải. Theo quyết định, nghề truyền thống rèn, đúc được UBND tỉnh Yên Bái cấp bằng công nhận nghề truyền thống, được hưởng các chính sách ưu đãi về phát triển ngành nghề nông thôn theo quy định tại Nghị định số 52/2018/NĐ-CP của Chính phủ và các quy định hiện hành. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã