Chúng tôi đến thăm gia đình ông Lẩu vào một ngày nắng nóng cao điểm trung tuần tháng 7 khi ông đang chăm sóc vườn bưởi Diễn.
Niềm nở đón tiếp chúng tôi, ông Lẩu cho biết: Năm 1976, theo tiếng gọi của Tổ quốc, tôi viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ. Sau 5 năm hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về quê hương, tôi trở lại với công việc quen thuộc của nhà nông như: chăn gà, lợn, làm ruộng… Nghề nông lao động vất vả mà thu nhập lại không cao. Bởi vậy, ông quyết định tìm hiểu chuyển hướng làm giàu với cây ăn quả.
Năm 1988, ông trồng thử 100 cây mận lai táo, sau vài năm, cây mận phát triển tốt và gia đình có thêm khoản thu nhập khá. Đến năm 1994, ông quyết định mua 300 cây quýt Bắc Sơn về trồng và tận dụng khoảng đất trống trồng xen 5.000 cây dứa để lấy ngắn nuôi dài. Sau 4 năm trồng và chăm sóc, quýt bắt đầu cho thu hoạch. Tuy nhiên, sau 2 năm cho thu hoạch, cây quýt bắt đầu bị bệnh vàng lá và chết dần dù ông tìm đủ mọi cách chữa trị .
Năm 2004, ông mua hơn 150 cây hồng không hạt Bảo Lâm và hồng vành khuyên về trồng. Do hợp đất và khí hậu nên hồng phát phát triển tốt, mỗi năm cho thu hoạch 2 - 3 tấn quả, mang lại khoản thu nhập trên 40 triệu đồng.
Năm 2009, ông đầu tư trồng thêm 100 cây bưởi Diễn. Đến nay, có cây bưởi cho thu hoạch hơn 100 quả, giá bán 10.000 đồng/quả, mang lại nguồn thu lớn cho gia đình ông.
Đến nay, ông đã mở rộng diện tích trồng dứa lên 2ha, mỗi năm cho thu hoạch khoảng 5.000 - 8.000 quả. Do dứa được chăm sóc tốt nên quả to, đẹp mã, ngọt thơm, được thị trường ưa chuộng, lại lệch thời vụ thu hoạch dứa với các địa phương khác khoảng 1 tháng nên thương lái đến tận vườn mua với giá 7.000 - 8.000 đồng/quả.
Không dừng lại ở đó, ông còn ươm và ghép cây giống để cung cấp cho bà con trồng. Trung bình mỗi năm, ông ghép được 3 đến 5 vạn cây giống các loại như: mận, đào, hồng, bán với giá trung bình khoảng 8.000 đồng/cây.
Từ mô hình trồng các loại cây ăn quả, ươm ghép cây giống bán, mỗi năm, trừ chi phí, ông Lẩu có thu nhập trên 150 triệu đồng. Sau nhiều năm tích góp, năm 2019, ông đã xây dựng được ngôi nhà 4 tầng khang trang với tổng diện tích trên 400m2, trị giá gần 3 tỷ đồng.
Ông Lẩu chia sẻ: Do gắn bó với nghề trồng cây và ghép cây giống trên 20 năm nên tôi có kinh nghiệm chăm sóc cây ăn quả. Tuy nhiên, một điều quan trọng là, người làm nông nghiệp khi thất bại không được nản chí mà cần chịu khó học hỏi, tìm tòi áp dụng kỹ thuật để chăm sóc cây. Đồng thời, không nên chỉ trồng một loại cây duy nhất mà hãy trồng mỗi loại một ít để đề phòng năm nay cây này mất mùa, mất giá còn có cây khác kéo lại.
Ông Lương Văn Lành, Phó chủ tịch Hội CCB xã Yên Trạch, cho biết: CCB Vi Văn Lẩu là tấm gương tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế ở địa phương. Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông còn thường xuyên giúp đỡ, chia sẻ kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả cho gia đình hội viên CCB và người dân trong thôn, giúp họ từng bước phát triển kinh tế, vươn lên ổn định cuộc sống.
Với những thành tích trên, CCB Vi Văn Lẩu được Hội CCB tỉnh Lạng Sơn tặng Bằng khen về thành tích hộ gia đình sản xuất giỏi và nhiều Giấy khen của các cấp, ngành.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã