Xin giới thiệu gương thương - bệnh binh như thế ở xã Đông Tảo (Khoái Châu - Hưng Yên).
Vượt lên số phận
Đến thôn Đông Tảo Nam (xã Đông Tảo) hỏi về thương binh Nguyễn Văn Khanh thì ai cũng biết và chỉ đến tận nhà. Anh không chỉ là cán bộ thôn được bà con tin yêu, quý mến mà còn là người làm kinh tế giỏi trên địa bàn.
Tôi đến thăm anh Khanh khi cái nắng mùa hè 39 độ như muốn đốt cháy tất cả mọi vật. Thật lạ, bước chân vào nhà, cái nóng oi bức dường như dịu lại trước sự râm mát của vườn cây xung quanh nhà anh. Nhấp chén trà anh vừa pha, chúng tôi được anh chia sẻ về những năm tháng tham gia chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cùng cả nước làm nên chiến thắng lịch sử ngày 30/4/1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Anh Khanh kể, năm 1974, anh cùng nhiều thanh niên trai tráng của xã Đông Tảo nô nức lên đường tòng quân, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Ngay sau khi huấn luyện, đơn vị của anh được lệnh hành quân vào chiến trường miền Nam, trong lúc cuộc chiến tranh giành độc lập, thống nhất đất nước đang ở giai đoạn ác liệt. Trận đánh mà anh cùng đồng đội tham gia là trận đánh trước cửa ngõ thành phố Huế, đây là trận đánh trong Chiến dịch Huế - Đà Nẵng của bộ đội ta. Trong trận này, bom đạn của kẻ thù đã làm cho anh phải chịu thương tật suốt đời (hạng 4/4).
Tháng 10/1975, anh rời quân ngũ, trở về địa phương sinh sống. Với người bình thường, cuộc sống thời kỳ đó rất khó khăn, vất vả; với thương binh như anh khó khăn, vất vả đó tăng lên gấp bội. Không chịu bó tay trước thương tật, anh làm đủ mọi công việc của nhà nông. Lúc nông nhàn, anh lại tham gia đội thợ xây, vất vả là thế nhưng cũng không thể làm cho anh chùn bước. Với tinh thần của người lính, anh đã vượt qua tất cả để có cuộc sống sung túc như ngày hôm nay.
Anh Khanh kể, những ngày đầu trở về địa phương, nhiều lúc muốn buông xuôi bởi một phần do ảnh hưởng của vết thương, nhất là lúc trái gió trở trời; một phần vì thời gian đó cả xã hội khó khăn chứ đâu chỉ riêng mình, làm quần quật mà vẫn không đủ ăn. Nhưng mình nghĩ, chiến tranh gian khổ như thế mà mình còn vượt qua, cái sống, cái chết chỉ có cách nhau gang tấc mà còn không sợ, sao phải sợ cái đói, cái nghèo, cái khổ? Mình còn may mắn hơn nhiều đồng đội ra đi mà không có ngày trở về.
Làm giàu trên mảnh đất quê hương
Chỉ cho tôi vườn bưởi Diễn sai trĩu quả, anh Khanh cho biết: Tất cả nhà cửa, ti vi, xe máy, điều hòa... đều từ những cây bưởi này mà ra đấy, em ạ.
Quê hương anh nổi tiếng bởi giống gà Đông Tảo, nhiều người làm giàu từ chăn nuôi giống gà quý này, nhưng anh lại lựa chọn cho mình hướng đi khác. Nhận thấy vùng đất của quê hương rất trù phú bởi được bồi đắp phù sa từ con sông Hồng hàng nghìn năm, vì vậy, anh lựa chọn phát triển kinh tế gia đình bằng việc trồng cây ăn quả.
Năm 2003, anh về vùng đất Diễn (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), mua giống bưởi nổi tiếng ở đây về trồng bởi giống bưởi này được người tiêu dùng yêu thích và lựa chọn. Sau 5 năm trồng, lứa quả đầu tiên cho gia đình vụ thu hoạch tương đối khá. Với sự phát triển suôn sẻ từ bưởi Diễn, anh mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích.
Sau hơn 10 năm, giờ anh có trên 2ha bưởi Diễn, trừ chi phí, thu lãi 350 - 400 triệu đồng/năm.
Nhấp ngụm trà, anh Khanh cho biết thêm, gia đình có 3 cháu, các cháu đều đã trưởng thành và có gia đình riêng. Các cháu được ăn học chu đáo và trưởng thành đều nhờ vào vườn bưởi Diễn này.
Theo anh, với thu nhập khoảng 400 triệu đồng/năm, với nông dân làm kinh tế vườn ở tại Đông Tảo là khá cao. Ở đây có nhiều thương binh, bệnh binh cũng làm giàu từ việc trồng bưởi Diễn, cuộc sống của anh em cũng khấm khá lên rất nhiều.
Bệnh binh Nguyễn Viết Vọng trong vườn bưởi Diễn.
Anh Khanh kể cho tôi nghe về bệnh binh Nguyễn Viết Vọng cùng thôn: “Anh Vọng nguyên là cán bộ lãnh đạo xã Đông Tảo. Sau khi tham gia quân đội, trở về địa phương là bệnh binh, anh Vọng đã vượt lên mọi khó khăn, vừa tham gia các hoạt động chính quyền địa phương, đồng thời cũng vừa làm kinh tế vườn rất giỏi.
Hiện anh Vọng có trên 2ha bưởi Diễn, thu nhập 400 - 500 triệu đồng/năm. Nhờ trồng bưởi Diễn, gia đình anh Vọng cũng làm được nhà mới, mua sắm được nhiều trang thiết bị sinh hoạt trong gia đình”.
Khi được hỏi về mong muốn của mình, anh Khanh chia sẻ, nhờ được nhân dân trong thôn tín nhiệm, ngay từ khi rời quân ngũ về địa phương tham gia các hoạt động xã hội, tôi luôn được bầu làm lãnh đạo thôn. Đã là lãnh đạo thôn thì mình phải làm được thì mới nói được cho bà con nghe, do vậy, mong muốn của tôi là có sức khỏe, làm giàu được nhiều hơn nữa từ mảnh đất của chính mình.
Chia tay anh, ra về trên con đường làng đã được trải bê tông phẳng lỳ, kết quả của Chương trình xây dựng nông thôn mới tại đây, tôi thầm nghĩ, nếu tất cả thương binh, bệnh binh trên đất nước mình, ai ai cũng có cuộc sống ổn định và làm giàu như anh Khanh, anh Vọng thì hay biết mấy. Các anh thật xứng đáng với lời căn dặn của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”, vươn lên làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội..
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;