Học tập đạo đức HCM

Diện mạo mới huyện vùng cao An Lão

Thứ tư - 04/08/2021 06:09
Huyện vùng cao An Lão giờ đã ‘thay da đổi thịt’ nhờ người dân đã biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số…
Trong cộng đồng người đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện An Lão đã xuất nhiều mô hình chăn nuôi tiên tiến. Ảnh: Đình Thung.

Trong cộng đồng người đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện An Lão đã xuất nhiều mô hình chăn nuôi tiên tiến. Ảnh: Đình Thung.

Thay đổi tư duy sản xuất

Về An Lão, huyện vùng cao của tỉnh Bình Định vào 1 ngày trung tuần tháng 7, dưới cái nắng hè rực rỡ, An Lão hiện ra trước mắt chúng tôi một diện mạo mới.

Dân số huyện An Lão có hơn 24.000 nhân khẩu, chiếm 40% trong đó là đồng bào 2 dân tộc thiểu số Bana và Hrê cư trú tại 7 xã vùng cao. Điều làm chúng tôi ngạc nhiên nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở An Lão đã thoát khỏi cách sống thụ động, cứ mong ngóng sự hỗ trợ của Nhà nước, mà đã biết tự lực trong cuộc sống.

Ở các làng vùng sâu, vùng xa mà chúng tôi đã thấy nhiều mô hình nuôi gà ta thả đồi, trồng bưởi da xanh, nuôi heo đen. Những hộ trồng rừng sản xuất thì đã biết sử dụng giống cây lâm nghiệp mới, chất lượng cao.

Đặc biệt, tại xã vùng cao An Toàn đã hình thành nhiều vùng cây ăn quả có giá trị, trong đó nổi bật nhất là cây dứa. Đặc biệt, từ nhiều năm nay, đồng bào ở đây đã đưa giống lúa lai vào sản xuất, nâng năng suất lúa của những thửa ruộng bậc thang ở những vùng sâu vùng xa lên cao chẳng kém cạnh những cánh đồng ở đồng bằng.

Theo anh Lê Minh Tín, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Toàn, phần lớn đất sản xuất ở địa phương này là đất đồi, trước đây bà con chủ yếu trồng lúa rẫy, bắp, mì… Thời gian gần đây, nhờ những chương trình khuyến nông được triển khai hàng năm và sự khuyến khích của chính quyền, nhiều hộ dân ở đây đã chuyển đổi sang trồng dứa, mô hình này bước đầu đã cho thấy hiệu quả kinh tế khá.

Hiện cây dứa An Toàn đang cho thu hoạch, trên gương mặt những chủ rẫy dứa rạng rỡ những nụ cưới roi rói. “Năm 2018, tôi trồng thử 2 sào dứa, sau hơn 1 năm chăm sóc, dứa bắt đầu thu hoạch. Thấy cây dứa mang lại hiệu quả kinh tế nên tôi mở rộng diện tích. Đến nay, tôi trồng được hơn 10.000 gốc dứa trên diện tích hơn 1ha, vụ thu hoạch vừa rồi đạt 10 tấn. So với các cây trồng khác thì trồng dứa đầu tư ít nhưng lợi nhuận cao hơn”, ông Đinh Văn Lớ, ở thôn 3 (xã Vĩnh Sơn) cho hay.

Hiện cả xã An Toàn đang có gần 7ha dứa với 40 hộ dân tham gia, nhà trồng ít thì vài sào (500m2/sào), nhà trồng nhiều đến 1-2 ha. Theo ông Đinh Văn Đang, Chủ tịch UBND xã An Toàn, địa phương này đang còn rất nhiều diện tích đất triền đồi, rất phù hợp để trồng dứa. Trước mắt, chính quyền xã khuyến khích bà con chuyển đổi trồng dứa trên những chân đất xấu, thiếu nước tưới hoặc những vùng đất còn bỏ hoang để khai thác hết tiềm năng của đất.

Theo ông Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão, trong giai đoạn vừa qua, nhờ chính sách của Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện An Lão đã có điều kiện tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhất là biết sử dụng giống lúa lai vào sản xuất.

“Sản xuất giống lúa lai bà con có thu nhập tăng thêm trên cùng 1 đơn vị diện tích canh tác, ngoài ra, sản xuất lúa lai còn giải quyết tốt vấn đề lương thực tại chỗ, góp phần ngăn chặn nạn phát rừng làm nương rẫy. Việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thâm canh lúa nước còn giúp đồng bào dân tộc thiểu số từng bước thay đổi nhận thức, tập quán canh tác, từ đó tạo sinh kế giúp người dân vùng cao có cuộc sống ổn định hơn”, ông Lâm chia sẻ.

Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện An Lão đã được nâng cao. Ảnh: Lê Khánh.

Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện An Lão đã được nâng cao. Ảnh: Lê Khánh.

Bà con đã có đời sống ấm no

Cũng theo ông Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão, 1 cái “rất mới” của đồng bào dân tộc thiểu số ở đây là không còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước như trước đây. Ví như trong chăn nuôi, nếu trước đây Nhà nước không cấp con giống thì bà con cũng “bình chân như vại”, có thì nuôi không có thì thôi. Thậm chí có nhiều trường hợp được cấp bò giống để nuôi, khi bò lớn lên cứ “thoải mái” mổ thịt ăn mà không chút ái ngại.

Bây giờ, ý thức tự lực vươn lên của đồng bào thiểu số ở An Lão đã được nâng cao. Để có con giống phát triển chăn nuôi, họ sẵn sàng góp vốn đối ứng để mua bò, heo về nuôi. Khi trong con vật nuôi có đồng vốn của gia đình góp vào, họ chăm sóc con heo, con bò tốt hơn nên hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn.

Năm 2020, UBND tỉnh Bình Định đã dừng thực hiện chính sách hỗ trợ giống lúa lai cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, tuy nhiên, hiện các huyện miền núi vẫn tiếp tục duy trì bởi lợi ích mang lại cho thấy hiệu quả thiết thực. Huyện An Lão hiện vẫn tiếp tục hỗ trợ giống lúa lai cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn trong chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, theo hình thức ngân sách huyện chi một nửa, người dân đối ứng một nửa vốn.

An Lão bây giờ đã có nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả được nhân rộng, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 5-7%/năm. Ví như trang trại tổng hợp của gia đình bà Nguyễn Thị Vân ở thôn 2, thị trấn An Lão rộng hơn 4ha, trên diện tích này bà Vân trồng keo lai và kết hợp chăn nuôi heo rừng, gà.

Nhờ áp dụng tốt các kỹ thuật tiên tiến vào chăn nuôi, canh tác và thực hiện nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, nên trang trại của gia đình bà Vân phát triển ổn định, thu nhập hằng năm trên 200 triệu đồng. Gia đình bà được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về thành tích trong việc phát triển mô hình sản xuất hiệu quả và ổn định.

Hoặc như mô hình nuôi gà an toàn sinh học của gia đình anh Đinh Văn Thảo, dân tộc H’rê ở thôn 2 (xã An Hưng). Trong vườn nhà, anh Thảo nuôi 200 con gà ta thả vườn. “Được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật nuôi gà an toàn sinh học, tôi an tâm nuôi. Quy trình nuôi không khó, đàn gà ít dịch bệnh, tỷ lệ gà nuôi sống đạt 98% nên cho hiệu quả cao. Tôi tận dụng phụ phẩm nông nghiệp như lúa, bắp và rau xanh bổ sung thêm thức ăn nên gà mau lớn”, anh Thảo chia sẻ.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão Đỗ Tùng Lâm, trong thời gian tới, địa phương này sẽ tập trung phát triển du lịch dựa trên những lợi thế sẵn có. An Lão có nhiều sông ngòi, thác nước rất đẹp, nhiều diện tích rừng, nhất là khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn nằm trên địa bàn xã An Toàn. Thêm vào đó, 2 dân tộc Bana và Hrê đang lưu giữ nhiều di sản văn hóa truyền thống đặc sắc.

Đặc biệt, An Lão hiện đang sở hữu 2 đồi sim ở xã An Toàn và xã An Quang có tổng diện tích gần 500ha và rừng chè cổ thụ 1.340 cây có từ thời Gia Long, hiện Ban quản lý rừng đặc dụng An Toàn đã di thực cây chè trong rừng về trồng đông đặc được 2ha. Khí hậu ở xã vùng cao An Toàn thì vô cùng lý tưởng, nhiệt độ bình quân hàng năm từ 17 đến dưới 27 độ. Đó là những lợi thế để An Lão phát triển du lịch sinh thái.

ĐÌNH THUNG-LÊ KHÁNH
https://nongnghiep.vn/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập166
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm165
  • Hôm nay10,507
  • Tháng hiện tại345,248
  • Tổng lượt truy cập92,722,912
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây