Ngày 8/1, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Gia Lai về công tác phòng, chống dịch bệnh động vật; xây dựng chuỗi, vùng chăn nuôi ăn toàn dịch bệnh; tình hình triển khai Luật chăn nuôi và các văn bản hướng dẫn.
Tại buổi làm việc, ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai đã báo cáo về tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Gia Lai hiện có tổng đàn gia súc, gia cầm tương đối lớn so với các địa phương khác của cả nước. Cụ thể, đàn bò với 417.000 con (đứng thứ nhất khu vực Tây Nguyên, đứng thứ 2 cả nước), đàn trâu 14.140 con, đàn lợn 425.250 con, đàn gia cầm 3.469.000 con.
Ngành chăn nuôi của tỉnh Gia Lai cũng đang chuyển dịch theo hướng từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang quy mô lớn, chăn nuôi trang trại theo chuỗi khép kín, an toàn sinh học. Cụ thể, tỉnh Gia Lai đã có 404 hộ nâng quy mô chăn nuôi lên thành chăn nuôi trang trại gồm: 125 trại bò với hơn 8.000 con, 204 trại lợn với hơn 85.000 con, 75 trại gà với 743.000 con.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều công ty liên kết chăn nuôi theo chuỗi giá trị như: Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam, Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam, Công ty TNHH MTV chăn nuôi Bình Minh, Công ty Cổ phần chăn nuôi Trung Nguyên... Trong đó, người chăn nuôi đầu tư về cơ sở vật chất (đất đai, chuồng trại, trang thiết bị nuôi, nhân công lao động) còn Công ty đầu tư về con giống, thuốc thú y, thức ăn, kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm.
Về tình hình dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh thời gian qua tương đối ổn định và được kiểm soát tốt, không xảy ra các loại dịch bệnh truyền nhiễm trên đàn vật nuôi như: Lở mồm long móng, Cúm gia cầm,Tai xanh, Viêm da nổi cục trâu, bò...
Riêng đối với bệnh dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện trên địa bàn tỉnh từ tháng 5/2019-4/2020 với tổng số lợn bị mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 30.594 con. Bệnh dịch tả lợn Châu Phi tiếp tục xuất hiện trở lại trên địa bàn tỉnh từ tháng 6-10/2020 làm mắc bệnh chết, tiêu hủy 239 con.
Để hỗ trợ phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi, tỉnh Gia Lai đã thực hiện chi ngân sách nhà nước hơn 52 tỷ đồng trong năm 2019. Cụ thể, kinh phí hỗ trợ chăn nuôi để khôi phục sản xuất hơn 41 tỷ đồng; chi hỗ trợ ngày công lao động cho cán bộ thú ý và những người trực tiếp tham gia phòng chống dịch hơn 7 tỷ đồng; kinh phí tiêu hủy, tuyên truyền, mua sắm thiết bị, vật dụng hơn 3 tỷ đồng.
Hiện nay, tỉnh đang chỉ đạo chăn nuôi theo chuỗi nhằm đảm bảo kiểm soát tốt dịch bệnh và an toàn thực phẩm. Toàn tỉnh đã xây dựng, duy trì được 7 cơ sở chăn nuôi được chứng nhận an toàn dịch bệnh.
Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục chỉ đạo việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh; tuyên truyền, vận động xây dựng chuỗi chăn nuôi an toàn dịch bệnh, tập trung các đối tượng là các doanh nghiệp chăn nuôi đang chăn nuôi theo chuỗi, xây dựng để được công nhận chuỗi chăn nuôi an toàn dịch bệnh; duy trì và xây dựng thêm các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá rất cao chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Gia Lai trong thời gian qua. Tuy nhiên, quy mô phát triển chăn nuôi của tỉnh vẫn còn nhỏ lẻ. Trong đó, phát triển bò lai ở Gia Lai mới đạt được 32%, chỉ bằng một nửa so với cả nước. Còn đàn lợn được xem là lớn nhất Tây Nguyên với 425.000 con, nhưng nếu so với tỉnh Đồng Nai với 2,5 triệu con thì còn rất nhỏ.
“Để phát triển quy mô lớn, Gia Lai cần phải hướng đến ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi”, Thứ trưởng khẳng định và cho biết, dư địa về đất đai của Gia Lai còn rất lớn để phát triển chăn nuôi trong tương lai.
Về lĩnh vực thú y, thời gian qua dịch bệnh diễn ra trên động vật hết sức nguy hiểm. Riêng bệnh dịch tả lợn Châu Phi vừa qua đã phải tiêu hủy hơn 6 triệu con. Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, với quy mô phát triển ngành chăn nuôi ngày càng lớn, nếu không có giải pháp tổng thể sẽ khó kiểm soát được tình hình dịch bệnh.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, cần phải sớm xây dựng lại dự thảo luật thú y để trình Chính phủ ra quyết định, khi đó chúng ta yên tâm sẽ có hệ thống thú y đủ mạnh để thực hành. “Chúng ta phải đảm bảo có một môi trường thuận lợi, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho các doanh nghiệp vào đầu tư quy mô lớn”, Thứ trưởng cho biết.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, việc xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn vẫn là biện pháp hiệu quả nhất để phòng, chống dịch bệnh.
Trước đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cùng đoàn công tác đã đi khảo sát thực tế về tình hình đất đai tại huyện Đăk Đoa và Phú Thiện về các dự án đầu tư xây dựng chăn nuôi công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Tuấn Anh/https://nongnghiep.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã