Tài nguyên đất và nước ví như đôi chân kiến tạo và phát triển Đồng bằng sông Cửu Long – Cửa ngõ ra biển Đông của dòng Mê Kông huyền thoại.
Tài nguyên nước phong phú, đất đai phì nhiêu từ miệt vườn, miệt ruộng, miệt bưng, miệt biển với sức sáng tạo của người đồng bằng đã tạo ra vùng kinh tế nông nghiệp, thủy sản trù phú.
Đi cùng là sự phát triển của các ngành công nghiệp chế biến, dịch vụ thương mại với những chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực vùng như lúa gạo, tôm, cá tra, các loại trái cây, tạo ra “vựa lúa, trái cây, thủy sản” nổi tiếng khắp năm châu.
Nhưng “đôi chân” đó đang đứng trước nhiều thách thức liên quan đến việc quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước.
Nếu như trước đây, để thích ứng với tình trạng ngập lũ hàng năm, người đồng bằng đã hiện thực hóa triết lý sống chung với lũ, vượt lên đỉnh lũ để tạo ra kỳ tích lúa gạo, trái cây, thủy sản; thì nay đang đứng trước nhiều thách thức do sự biến mất của mùa lũ, cạn kiệt tài nguyên nước.
Hạn mặn xảy ra khốc liệt và thường xuyên hơn. ĐBSCL vừa trải qua trận hạn mặn năm 2020 gay gắt hơn trận hạn mặn lịch sử năm 2016.
Tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển vì “nước đói” và sụt lún đất, sạt lở bờ sông, bờ biển như kẻ thù giấu mặt dưới đất là thách thức lớn cần được chính trị và thích ứng hiệu quả tài nguyên nước.
Lịch sử hình thành, kiến tạo, phát triển ĐBSCL hàng triệu năm qua là quá trình giao thoa sông – biển, nó vẫn đang tiếp tục diễn ra.
Nước ngọt từ sông mẹ Mê Kông hòa cùng hệ thống sông dài hơn 28.000 cây số của đồng bằng chảy ra biển, làm cho biển mặn vừa phải, nhiệt độ vừa phải, vừa cung chất dinh dưỡng phù sa, tạo môi trường đa dạng sinh học cho nhiều loài thủy sản phát triển.
Quá trình giao thoa sông biển và phát triển đồng bằng đã tạo ra các tiểu vùng sinh thái tự nhiên với sự phân bố hợp lý của tài nguyên nước ngọt, nước mặn, nước lợ.
Đó là các tiểu vùng ven biển Đông, biển Tây, Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, vùng giữa sông Tiền – sông Hậu và bán đảo Cà Mau mà yêu cầu trước tiên của việc khai thác, quản lý, sử dụng tài nguyên nước là thuận theo tự nhiên và điều tiết chủ động, hợp lý.
Tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, khan hiến nước ngọt sông Mê Kông, vừa ngập lụt rồi chuyển sang hạn mặn khốc liệt.
Đã có nhiều ý tưởng đầu tư các công trình thủy lợi lớn như chuyển nước Đông – Tây, xây hệ thống hồ trữ nước ngọt kiên cố, quy mô lớn ở các tiểu vùng bị hạn mặn khốc liệt hoặc khôi phục các túi chứa nước Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên để thích ứng theo tự nhiên cùng với sự chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, các ngành kinh tế khác và sinh hoạt dân cư.
Những ý tưởng hướng đến mục tiêu phát triển đồng bằng đều đáng trân trọng. Trong khi khẳng định những thành tựu to lớn của thủy lợi ĐBSCL, cũng cần rút ra các bài học kinh nghiệm, những mặt trái và sai lầm khi “can thiệp vào tự nhiên”.
Thất bại của việc áp đặt hế thống kênh nổi bê tông vào đồng ruộng ĐBSCL những năm đầu sau giải phóng, tiêu chí “kiên cố hóa kênh mương thủy lợi” trong bộ tiêu chí nông thôn mới không phù hợp với ĐBSCL, mặt trái của hệ thống đê bao ngăn lũ để trồng lúa vụ 3 ở các tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười, những bất cập nổi lên gần đây do sụt lún đất, hạn mặn ở vùng ngọt hóa bán đảo Cà Mau, mặt trái của các cống đập ngăn mặn cửa sông lớn và các công trình hồ trữ ngọt nhiễm mặn… đang đặt ra yêu cầu cẩn trọng, tính toán hiệu quả, đảm bảo nguyên tắc “chi phí – lợi ích” và “không hối tiếc”.
Thực tiễn chính là thước đo và tiêu chuẩn kiểm nghiệm các công trình thủy lợi ngăn mặn, giữ ngọt. Tri thức bản địa đã dạy người đồng bằng bao thế hệ “sống thuận thiên” nương theo quy luật tự nhiên để chủ động thích ứng. Tri thức đó cũng được ghi nhận thành quan điểm, mục tiêu, định hướng, giải pháp trong Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.
So với lưu vực sông Đồng Nai – Sài Gòn, con sông lớn thứ hai ở Nam Bộ cung cấp khoảng 36 tỉ m3 nước/năm cho TP.HCM và các tỉnh miền Đông, thì sông Mê Kông có tổng lượng nước trung bình hàng năm khoảng 450 tỉ m3.
Cho nên, nhiều ý kiến lo ngại tính khả thi của ý tưởng lớn này cũng như việc hàng loạt địa phương đề xuất đầu tư các công trình hồ trữ nước ngọt lớn nếu không có giải pháp tổng thể liên kết các tiểu vùng, liên vùng.
Không thể phủ nhận các giải pháp công trình, nhưng giải pháp phi công trình là rất quan trọng. Miền Tây giữa đôi dòng mặn - ngọt, khi “sông khát, nước đói, sụt lún” làm mất cân bằng hệ thống, thì cần được nhận diện hệ thống với sự tiếp cận đa ngành, tăng cường phối hợp liên ngành, có tính đến điều kiện tự nhiên – xã hội của từng tiểu vùng.
Cần nhận thức đúng tinh thần “thích ứng thuận thiên” của Nghị quyết 120/NQ-CP. Xem nước mặn, nước lợ, nước ngọt đều là tài nguyên và nguồn lực để chủ động thích nghi dài hạn như né hạn, được lợi, nâng cao năng lực hấp thu lũ, mở rộng không gian trữ nước, giải pháp tổng thể cân bằng tài nguyên nước và tuân thủ “nguyên tắc không hối tiếc”, “quyết định đầu tư dựa trên chi phí và lợi ích".
Trần Hữu Hiệp/ https://nongnghiep.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;