Thực hiện Đề án, hàng loạt thể chế, chính sách về nông nghiệp được xây dựng, sửa đổi, bổ sung phù hợp và hiệu quả hơn như chính sách chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, dồn điền đổi thửa, hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ.... Trong 05 năm, ngành nông nghiệp đã tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành 07 chính sách phù hợp với cơ chế thị trường, tạo thuận lợi thúc đẩy cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Nhờ các chính sách này, đã thu hút được 65 dự án đầu tư phát triển sản xuất, chế biến nông lâm thủy sản, với tổng số vốn đăng ký trên 3.300 tỷ đồng.
Trong lĩnh vực trồng trọt, trong 5 năm, các địa phương đã triển khai xây dựng gần 400 cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích hơn 7.400 ha, dồn điền đổi thửa được 8.200 ha, chuyển gần 5.240 ha đất lúa kém hiệu quả sang các cây trồng cạn…; từng bước hình thành vùng sản xuất chuyên canh tập trung; kêu gọi doanh nghiệp liên kết với nông dân sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị,...
Lĩnh vực chăn nuôi chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang quy mô công nghiệp, trang trại, ứng dụng công nghệ cao. Hiện nay, ngoài một số trang trại tự đầu tư vốn kinh doanh và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm thì có nhiều trang trại chăn nuôi heo thịt và gà thịt ký hợp đồng nuôi gia công. Nhờ vậy, sản lượng thịt hơi các loại ước tăng 6,7% so với năm 2015, đạt 100% so với Đề án; tỷ lệ đàn bò lai ước đạt 71%, tăng 6% so với Đề án.
Lĩnh vực lâm nghiệp từng bước cải thiện năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng; chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn; phát triển chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao trong khâu giống và chế biến. Đổi mới, sắp xếp, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty lâm nghiệp; phát triển mạnh dịch vụ môi trường rừng. Đến năm 2020, diện tích rừng hiện có khoảng 340.126 ha, tăng 18,3% so với Đề án; tỷ lệ độ che phủ rừng ước đạt 50%, đạt 100% so với chỉ tiêu Đề án; sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng ước đạt 2.100.000 m3, tăng 2,6 lần so với chỉ tiêu Đề án.
Khai thác thủy sản là một trong những thế mạnh của tỉnh; khai thác theo quy định và từng bước hiện đại để theo kịp hội nhập kinh tế và cạnh tranh hiện nay. Dự kiến sản lượng thủy sản khai thác năm 2020 ước đạt 209.500 tấn, tăng 1,7% so với chỉ tiêu Đề án. Ngoài ra, trong nuôi trồng thủy sản, một số đối tượng có giá trị kinh tế đã được đưa vào nuôi thành công; nghề nuôi thủy sản biển phát triển, một số mô hình nuôi ghép tôm – cá hay tôm với các đối tượng khác mang lại hiệu quả thiết thực, nâng cao sản lượng thu hoạch trên cùng một đơn vị diện tích.
Kết quả đạt được trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Theo kế hoạch đến cuối năm 2020, Quảng Ngãi sẽ hoàn thành chỉ tiêu đề ra theo Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ (60% tổng số xã).
Bước vào giai đoạn mới, tỉnh tiếp tục xác định việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp là nhiệm vụ hết sức quan trọng; cần sự chủ động, tích cực của mỗi người nông dân, doanh nghiệp trong việc mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ. Chú trọng phát triển các mô hình sản xuất theo chương trình VietGAP, phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ để nâng cao giá trị sản phẩm và khả năng cạnh tranh trên thị trường. Làm tốt công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm gắn với xây dựng thương hiệu, xúc tiến tiêu thụ các nông sản đặc trưng, chủ lực của tỉnh.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;