Học tập đạo đức HCM

Hà Tĩnh: Cả làng đi thụt lùi đãi "lộc trời" trên sông La

Thứ tư - 10/06/2020 22:18
Nép mình bên dòng sông La hơn 300 trăm năm nay, thôn Bến Hến xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) gắn bó với nghề đi thụt lùi, nghề cào hến truyền thống. Hến ở nơi đây không chỉ là món ăn đặc sản, có thương hiệu nổi tiếng khắp cả nước, mà người dân nhờ đó có nguồn thu nhập khá ổn định.
Hà Tĩnh: Cả làng đi thụt lùi đãi 'lộc trời' trên sông La

Làng "đi thụt lùi"

Có mặt tại thôn Bến Hến, chứng kiến cảnh bán mua tấp nập, cạnh đó trong làng, những bếp lò luộc hến khói nghi ngút và mùi thơm từ hến luộc lan tỏa cả một vùng… Hàng ngày, nhờ con hến, cả một khúc sông La ở thôn Bến Hến nhộn nhịp như một khu chợ thu nhỏ.

Hà Tĩnh: Làng “đi thụt lùi” thu tiền triệu mỗi ngày - Ảnh 1.

Cảnh tấp nập ở bến Hến, xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh)

Đang luộc hến trong túp lều, chị Nguyễn Thị Hoa, ở thôn Bến Hến, xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh), cho biết: "Không biết nghề này được hình thành từ lúc nào, chỉ biết rằng các thế hệ người dân ở thôn Bến Hến khi sinh ra, lớn lên đều nối tiếp nhau gắn bó với nghề cào hến, luộc hến. Mọi trang trải trong cuộc sống, xây dựng nhà cửa, mua sắm vật dụng, lo cho con cháu ăn học, đều phụ thuộc vào thu nhập từ nghề làm hến....".

Theo chị Hoa, trước đây, nghề làm hến khó khăn, vất vả lắm, suốt ngày vợ chồng, anh em đều bám mặt xuống sông cũng chỉ lo kiếm đủ ăn, không có dư dả, vì thời điểm đó giá hến quá rẻ. Khoảng 10 năm trở lại đây, khi hến trở thành một loại thực phẩm sạch, một đặc sản được mọi người ưa chuộng, giá bán cao nên nghề làm hến ở Bến Hến đang ngày càng phát triển mạnh và mang lại nguồn thu nhập khá ổn định cho người dân….

Hà Tĩnh: Làng “đi thụt lùi” thu tiền triệu mỗi ngày - Ảnh 2.

Làng "đi thụt lùi" ở xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ đã tồn tại hơn 300 năm. Làng quanh năm chuyên tâm với việc cào hến, luộc hến, đãi hến...

Ông Nguyễn Quang Tuấn, người dân ở Bến Hến kể với phóng viên về quy trình làm hến. Ông nói: "Đàn ông chúng tôi khỏe mạnh thì đi thuyền máy cào hến trên sông, bình quân 2-3 người/thuyền. Còn phụ nữ thì ở nhà ngâm rửa hến, luộc hến, đãi hến sạch... Mỗi ngày, công việc thường bắt đầu từ 2-3 giờ sáng cho đến chiều muộn"

Hà Tĩnh: Làng “đi thụt lùi” thu tiền triệu mỗi ngày - Ảnh 3.

Phụ nữ Bến Hải không theo thuyền ra sông La cào hến mà ở nhà rửa hến, luộc hến và đãi hến...

Do giá trị của con hến cao và hến ở Bến Hến đã khẳng định được thương hiệu, nên nhiều thương lái đã tìm đến tận nơi thu mua với số lượng lớn rồi vận chuyển đi khắp nơi tiêu thụ. Nhờ đó, người làm nghề hến không phải lo lắng đầu ra, cào được bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu. 

Mùa khai thác hến kéo dài gần như quanh năm, nhưng vụ cao điểm và hến nhiều nhất là từ tháng giêng đến tháng 6 âm lịch. 

Mặc dù đỡ vất vả hơn ngày trước, nhưng nghề làm hến đòi hỏi phải có sức khỏe, sự kiên trì, chịu khó. Hến sau khi cào về đều được tận dụng hết, vỏ hến gom lại nung thành vôi phục vụ xây dựng, sản xuất nông nghiệp hoặc xay nhỏ làm thức ăn cho gà, vịt; ruột hến dùng chế biến các món ăn; nước hến dùng để nấu canh...

Hà Tĩnh: Làng “đi thụt lùi” thu tiền triệu mỗi ngày - Ảnh 4.

Sau khi cào hến xong thì những người nông dân sàng hến dưới nước để loại bỏ bùn đất và những con hến bị chết, hư hỏng

Làng Bến Hến hiện có 150 hộ dân sống bằng nghề cào hến - cái nghề "đi thụt lùi", lưng phơi nắng, mặt dúi xuống nước cả ngày, tối về quần quật với việc nhặt, rửa hến. 

Sở dĩ gọi là nghề "đi thụt lùi" bởi ngày trước làm hến không hiện đại như bây giờ, để bắt được hến người dân phải dùng một chiếc cào có máng hình chữ nhật, cán dài 1-1,5m để cào. Người cào vừa đi thụt lùi vừa lắc đều để đãi hến. Còn bây giờ, chỉ cần ngồi trên thuyền máy, cắm cào xuống cát rồi nổ máy chạy dọc trên sông vài vòng là có vài chục kg hến.

Nghề hến hoạt động quanh năm, nhưng cao điểm nhất là 3 tháng mùa hè, mỗi ngày có đến hàng chục lò luộc hến bốc hơi nghi ngút, lan tỏa cái mùi ngai ngái đặc trưng của hến.

Hà Tĩnh: Làng “đi thụt lùi” thu tiền triệu mỗi ngày - Ảnh 5.

Nghề hến hoạt động quanh năm, nhưng cao điểm nhất là 3 tháng mùa hè, mỗi ngày có đến hàng chục lò luộc hến bốc hơi nghi ngút, lan tỏa cái mùi ngai ngái đặc trưng của hến.

Ông Tuấn nói: "Nghề cào hến vất lắm. Mùa hè phải phơi lưng giữa cái nắng cháy da. Còn mùa đông, nằm chưa ấm chỗ đã phải dậy đi cào, nước buốt lạnh nhưng cũng đành cắn răng chịu đựng vì nghề nó nuôi mình mà".

Cả làng giàu lên nhờ hến

Chị Nguyễn Thị Hoa, một người dân ở bến Hến tâm sự: "trước đây mỗi ngày hai vợ chồng tôi chỉ cần đi dọc sông La là cào được mấy tạ hến nhưng bây giờ sản lượng hến ngày càng cạn kiệt nên bà con phải vượt hàng cây số theo sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố hoặc ngược cầu Bến Thủy (TP Vinh) mới có hến mang về.

Chỉ tay xuống sông, chị Hoa nói: "Cô cứ nhìn xem, chỉ một khúc sông thế này mà ngày nào cũng có đến chục cái máy cào, tay cào quần thảo thì lấy đâu ra hến nữa. . Gắn với nghề quen rồi, tuy cực nhưng nó là "cần câu cơm" nên không nghỉ được. Khi vào chính vụ, có ngày gặp may cào được gần tấn hến sống là có tiền triệu giắt túi rồi".

Hà Tĩnh: Làng “đi thụt lùi” thu tiền triệu mỗi ngày - Ảnh 5.

Hến ở Đức Thọ, Hà Tĩnh không chỉ nổi tiếng trong tỉnh mà còn được bán ra tỉnh bạn như Nghệ An, Thanh Hoá

Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, chị Nguyễn Thị Sen gắn bó với nghề này đã lâu nói: "Hến là "lộc trời" ban cho dân làng này, cả nhà tui (tôi-Pv) 4 đời làm nghề cào hến trên sông La rồi. Tôi cũng ăn hến mà lớn lên nên dù vất vả vẫn phải giữ cái nghề truyền thống của làng", chị Sen chia sẻ.

Hà Tĩnh: Làng “đi thụt lùi” thu tiền triệu mỗi ngày - Ảnh 7.

Công việc luộc hến vào mùa hè khá vất vả do phải tiếp xúc với khói lửa trong thời tiết nóng nực...

Ngày nào cũng vậy, công việc của những "phu hến" bắt đầu từ tờ mờ sáng đến tối mịt mới kết thúc. Cứ thuyền cập bến là cả làng từ già, trẻ, lớn, bé đều ùa ra đón, khệ nệ bưng những rổ hến đầy ắp lên bờ; bươi, cào để nhặt rác, cặn ra ngoài. Khi đã đãi sạch thì đem đi ngâm cho ngập nước, nhanh thì một buổi, nhiều thì một đêm để cho hến nhả hết bùn, hết cát.

Hà Tĩnh: Làng “đi thụt lùi” thu tiền triệu mỗi ngày - Ảnh 8.

Hến có 2 loại là hến nước lợ (còn gọi là giắt) kích thước nhỏ, vỏ mỏng, nhiều ruột, giá bán ruột 50.000 - 70.000 đồng/kg, hến nước ngọt kích thước to đẹp, dày vỏ, ruột ít, giá bán ruột 200.000 - 250.000 đồng/kg. Riêng hến sống, nguyên con, giá từ 10.000 - 30.000 đồng/kg tùy loại.

Theo ông Tuấn, vào vụ cao điểm có thuyền cào được hơn 1 tấn hến/ngày, còn lại bình quân từ 300 - 600kg/thuyền. Thu nhập trung bình từ nghề làm hến khoảng 500.000 - 1 triệu đồng/nhà/ngày; thậm chí có nhiều nhà thu nhập hàng triệu đồng/ngày…

Ông Tuấn cũng khẳng định, nhờ có nghề làm hến mà cuộc sống của người dân ở thôn Bến Hến ngày càng sung túc; phong trào khuyến học, khuyến tài được quan tâm nhân rộng, con cháu được đầu tư học hành đến nơi đến chốn (có năm trong thôn hơn 10 học sinh đậu đại học). 

So với các nghề khác, đây là nghề đang mang lại nguồn thu nhập cao nhất, ổn định nhất, giải quyết nhiều việc làm cho người dân... Đặc biệt, hiện nay hến ở đây được xem là đặc sản sạch, giá trị kinh tế cao nên người dân rất yên tâm bám nghề.

Hà Tĩnh: Làng “đi thụt lùi” thu tiền triệu mỗi ngày - Ảnh 7.

Cứ thuyền cập bến là cả làng từ già, trẻ, lớn, bé đều ùa ra đón, khệ nệ bưng những rổ hến đầy ắp lên bờ; bươi, cào để nhặt rác, cặn ra ngoài. Khi đã đãi sạch thì đem đi ngâm cho ngập nước, nhanh thì một buổi, nhiều thì một đêm để cho hến nhả hết bùn, hết cát.

"Giờ đây thôn Bến Hến đã cán đích nông thôn mới và chẳng khác gì là một khu phố nhộn nhịp thu nhỏ bên dòng sông La. Tuy nhiên, điều lo lắng, trăn trở nhất hiện nay là nhiều con em ở thôn lớn lên được cho học hành đỗ đạt cao, học xong ở lại làm việc tại các thành phố lớn; một số thì đi xuất khẩu lao động nước ngoài nên số lượng con em lớp kế cận bám trụ theo nghề làm hến truyền thống này của cha ông đang ngày càng giảm dần, chúng tôi lo lắng nghề này có nguy cơ sẽ mai một...", trưởng thôn bến Hến tâm sự.

Theo Mỹ Hà/ https://danviet.vn/ha-tinh-ca-lang-di-thut-lui-dai-loc-troi-tren-song-la-20200610115645402.htm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập229
  • Hôm nay31,626
  • Tháng hiện tại224,719
  • Tổng lượt truy cập92,602,383
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây