“Ra quân” từ 5h sáng để tránh nắng, sau 1 tiếng đồng hồ, chị Cảnh cùng với 4 lao động khác đã thu hoạch được 1 tấn mía.
Công nhân thu hoạch mía tại ruộng của chị Lê Thị Cảnh.
Đặt bó mía vàng óng xuống nơi tập kết, chị Lê Thị Cảnh (45 tuổi) vui vẻ cho biết: “Mía năm nay ít sâu bệnh, thời tiết nắng nhiều nên năng suất cao và rất ngọt. Gần 1 tháng nay, chúng tôi tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Trong đó, 10 ngày nắng nóng cao điểm gần đây, mỗi ngày xuất bán được 2 - 2,5 tấn. Giá bán mía tươi tại ruộng hiện nay là 3 triệu đồng/tấn, thu về từ 6 - 7,5 triệu đồng”.
Dịp này, mỗi ngày chị Lê Thị Cảnh (Thạch Kênh, Thạch Hà) thu nhập từ 6 - 7,5 triệu đồng.
Với gần 35 sào diện tích trồng mía, năng suất đạt khoảng 3 tấn/sào, vụ mía xuân hè 2020 này (thu hoạch 2 đợt: đợt 1 từ tháng 5 - 6, đợt 2 tháng 7 - 8), sản lượng mía của gia đình chị Cảnh ước đạt 100 tấn, thu về khoảng 300 triệu đồng.
Đây là một con số đáng mơ ước của nhiều mô hình nông nghiệp trên cùng đơn vị diện tích. Tuy nhiên, để đạt được điều này, gia đình chị Lê Thị Cảnh đã trải qua quá trình nỗ lực và cố gắng tìm hướng đi trong sản xuất nông nghiệp.
Mỗi ngày, tại ruộng mía chị Lê Thị Cảnh có 4 - 5 công nhân làm việc.
Chị Cảnh kể: Năm 2013, gia đình thuê 2,5 ha đất ven sông của xã để trồng lúa. Do đất ở đây là đất sét lại nhiễm phèn nên công sức bỏ ra nhiều mà hiệu quả không đáng là bao. Năm 2015, anh Lê Duy Hải, chồng chị quyết định chuyển sang trồng mía đường. Bởi, theo anh Hải, trước đây, người dân Thạch Kênh có truyền thống trồng mía trên đất phèn, đạt năng suất cao. Sau 1 vụ trồng thử trên diện tích 5 sào cho hiệu quả kinh tế khá, anh chị đã tiến hành phủ kín cây mía trên phần đất còn lại.
Nhờ xác định đúng hướng, cây mía đem lại thu nhập cao cho gia đình chị Lê Thị Cảnh.
Đến nay, sau 5 năm trồng mía, mỗi năm 1 vụ (trồng vào cuối tháng 8, thu hoạch bắt đầu từ tháng 5), vợ chồng chị Lê Thị Cảnh và anh Lê Duy Hải đã khẳng định được hướng đi của mình là đúng.
Khác với nhiều nơi trồng mía để nhập cho nhà máy đường, hoặc ép nấu mật vào tháng 12 âm lịch, chị Cảnh xác định, sản phẩm vụ xuân hè phục vụ cho ép nước giải khát, vì vậy, gia đình đầu tư chăm sóc diện tích mía khá kỹ lưỡng.
Cây mía ở Thạch Kênh được khách hàng ưa chuộng bởi nhiều nước, độ đường cao.
Ngoài công việc làm cỏ, bón phân thì khi cây mía lên 3 - 4 đốt, chị đã bắt đầu vệ sinh tỉa lá và thăm khám sâu bệnh để xử lý kịp thời. Những công đoạn này chị đều thuê công nhân, là các chị em trong làng.
Trong những ngày này, chị Lê Thị Cảnh huy động từ 4 - 5 chị em ra đồng thu hoạch mía từ sáng sớm để kịp bán cho tiểu thương đến thu mua tận ruộng.
Mía được thương lái đến tận ruộng trực tiếp thu mua
Anh Trần Đình Tuấn, 37 tuổi, thương lái thu mua mía ở Đồng Lộc (Can Lộc) chia sẻ: “Mía Thạch Kênh được khách hàng rất ưa chuộng vì nhiều nước, độ đường cao, cây khá đẹp, ít sâu. Mặt khác, so với lấy mía ở các tỉnh khác, nhập hàng ngay trên địa bàn tỉnh giúp tôi tiết kiệm chi phí vận chuyển. Để duy trì mối hàng, tôi đặt hàng chị Cảnh từ đầu vụ”.
Từ cánh đồng nhiễm phèn, trồng lúa kém hiệu quả, gia đình chị Lê Thị Cảnh đã biến thành cánh đồng mía thu nhập trên 300 triệu đồng/năm
Được biết, số mía này, sẽ được anh Tuấn phân phối đi các thị trường trong tỉnh như: Can Lộc, TX Hồng Lĩnh và Đức Thọ...
Từ ngày chuyển sang trồng mía, gia đình chị Lê Thị Cảnh còn khai thác phụ phẩm từ mía để chăn nuôi thêm lợn rừng. Hiện gia đình chị tận dụng thức ăn từ ngọn mía để nuôi 100 con lợn rừng nái.
Bên cạnh đó, tận dụng mặt nước ao hồ và phần đất nhà trại để nuôi 1.000 con vịt trời, 1.000 con gà... Tổng thu nhập từ mô hình trang trại tổng hợp đem về cho gia đình chị Cảnh hơn 500 triệu đồng/năm.
Nhờ phụ phẩm từ mía, chị Cảnh kết hợp nuôi 100 con lợn rừng nái để tăng thu nhập...
Thạch Kênh là xã có truyền thống trồng mía, nấu mật nổi tiếng lâu đời. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, từ nhiều năm trước, cây mía không còn là cây trồng chủ lực của xã. Gần đây, một số hộ gia đình đã quay lại với cây mía thu được hiệu quả kinh tế cao. Hiện tại, diện tích trồng mía toàn xã đạt khoảng 3ha. Chúng tôi đang khuyến khích bà con chuyển đổi 30ha trồng lúa kém hiệu quả sang trồng loại cây này. Đồng thời xã cũng đang xây dựng đề án sản phẩm mật mía Thạch Kênh trở thành sản phẩm OCOP trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Thiện Chung - Chủ tịch UBND xã Thạch Kênh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã