Trong những năm qua nghề nuôi trồng thủy sản Hà Tĩnh có những bước phát triển vượt bậc, ngày càng khẳng định được vai trò trong việc phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Năm 2020, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 7.357 ha (Nuôi mặn lợ 2.954 ha; Nuôi nước ngọt 4.403 ha). Tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 15.320 tấn (Nuôi trồng thủy sản mặn lợ đạt: 8.308 tấn; Nuôi trồng thủy sản nước ngọt đạt: 7.012 tấn). Là địa phương có đến 7/13 huyện, thị có diện tích nuôi trồng thủy sản mặn lợ vì thế để phát huy tiềm năng và lợi thế sẵn có thì nghề nuôi tôm được coi là mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, con tôm được xem là đối tượng nuôi chủ lực của tỉnh.
* Tình hình, kết quả sản xuất ngành tôm nước lợ đến năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021.
Tổng diện tích nuôi tôm toàn tỉnh là 2.510 ha. Trong đó: nuôi thâm canh, công nghiệp: 610 ha; nuôi bán thâm canh, quảng canh, quảng canh cải tiến: 1.900 ha.
Sản lượng tôm nuôi đạt 4.605 tấn, đạt 96% so với kế hoạch đề ra, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2019.
- Nuôi tôm thẻ chân trắng: Diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng hiện có 1.998 ha (chiếm 79% tổng diện tích nuôi tôm). Trong đó: Nuôi thâm canh công nghiệp 610 ha (nuôi trên cát 400 ha, Nuôi ao đất thâm canh: 210 ha), nuôi bán thâm canh, nuôi quảng canh cải tiến: 1.380 ha; Lượng giống tôm thẻ thả nuôi trên 500 triệu con. Sản lượng nuôi đạt 4.105 tấn (trong đó sản lượng nuôi trên cát đạt 2.000 tấn, chiếm 44% sản lượng nuôi tôm toàn tỉnh).
- Nuôi tôm sú: Năm 2020, diện tích nuôi tôm sú toàn tỉnh có 512 ha với hình thức nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến, nuôi xen ghép với các đối tượng khác như cá, cua,... (chiếm 21% tổng diện tích nuôi tôm); Sản lượng nuôi đạt 500 tấn (chiếm 10,85% sản lượng tôm nuôi).
- Về sản xuất, ương dưỡng giống tôm: Toàn tỉnh có 2 trại sản xuất, ương dưỡng giống tôm mặn lợ, trong năm đã sản xuất, ương dèo đạt 480 triệu con tôm giống đạt 126% kế hoạch đề ra. Tuy nhiên nguồn giống sản xuất, ương dưỡng tại chỗ chỉ cung cấp cho bà con nông ngư dân trên địa bàn tỉnh khoảng 80 triệu con, chiếm 16% nhu cầu tôm giống.
- Tình hình dịch bệnh năm 2020: Trong năm 2020 dịch bệnh trên tôm cơ bản được phát hiện sớm, báo cáo kịp thời, xử lý ổ dịch khi mới phát sinh, không để lây lan ra diện rộng. Tổng diện tích nuôi tôm bị bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp tính 72,85 ha /16 xã/6 huyện chiếm 2,9% tổng diện tích nuôi, gồm:
+ Bệnh hoại tử gan tụy cấp tính xảy ra với diện tích 10,85ha/7 xã/3 huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Nghi Xuân chiếm 0,4% tổng diện tích nuôi.
* Trong 6 tháng đầu năm 2021, diện tích thả nuôi tôm trên toàn tỉnh đạt 1.967 ha, đạt 78% kế hoạch năm; trong đó, diện tích nuôi tôm thẻ 1.667 ha, đạt 78% kế hoạch, diện tích nuôi tôm sú 300 ha (đạt 75% kế hoạch), diện tích nuôi tôm thâm canh, công nghệ cao đạt 567 ha (đạt 82% kế hoạch, trong đó nuôi tôm thâm canh trên cát đạt 100% kế hoạch).
- Về sản lượng: Sản lượng tôm nuôi 6 tháng đầu năm đạt 1.022 tấn, đạt 20% KH năm, trong đó tôm thẻ đạt 987 tấn (đạt 20% kế hoạch).
- Về sản xuất, ương dưỡng giống tôm: 6 tháng đầu năm 2021, tổng sản lượng giống tôm sản xuất và ương dưỡng trên địa bàn toàn tỉnh đạt 295 triệu con, đạt 59% KH năm, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2020.
- Tình hình dịch bệnh: Trong 6 tháng đầu năm 2021, diện tích nuôi tôm bị thiệt hại là 40,94 ha. Tôm chết ở giai đoạn 30-45 ngày tuổi, tập trung chủ yếu bệnh đốm trắng 1,9% (38,19 ha), bệnh hoại tử gan tụy 0,04% (0,8 ha), Vi bào tử trùng 1,0% (1,95 ha). Ngành chức năng đã cấp 6.850kg Chlorine cho các địa phương để tiến hành dập dịch.
- Về chế biến và tiêu thụ sản phẩm tôm: Trên địa bàn tỉnh hiện chỉ có 01 nhà máy chế biến thủy sản (Nhà máy chế biến xuất khẩu thủy sản Nam Hà Tĩnh) chủ yếu thu mua và chế biến hải sản khai thác biển, tôm nuôi trên địa bàn đa số bán cho các đầu nậu của các tỉnh thu mua bán cho nhà máy đông lạnh, một phần bán tôm sống đi các tỉnh phía Bắc (do ảnh hưởng covid nên thị trường và giá bán tôm sống sụt giảm nghiêm trọng). Điều này làm ảnh hưởng lớn đến việc phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị ngành tôm tại Hà Tĩnh trong thời gian qua.
* Những khó khăn, tồn tại
- Hệ thống cơ sở hạ tầng sản xuất thủy sản bị xuống cấp, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, diện tích nuôi tôm bán thâm canh và quảng canh cải tiến chiếm tỷ lệ lớn nên năng suất, sản lượng đạt thấp.
- Điều kiện thời tiết, khí hậu Hà Tĩnh rất khắc nghiệt, nắng nóng, thường xuyên mưa bão,... gây ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất nuôi tôm (gây khó khăn trong việc kiểm soát môi trường, dịch bệnh; mưa bão gây ngập lụt thiệt hại về đối tượng nuôi, sạt lở, hư hỏng công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất).
- Chất lượng con giống tôm cung ứng trên địa bàn không ổn định, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất của người dân.
- Thủ tục giao và cho thuê đất ổn định, lâu dài cho hộ nuôi tôm gặp nhiều khó khăn, bất cập ảnh hưởng đến việc chuyển đổi đầu tư phát triển sản xuất nuôi tôm theo hướng thâm canh, công nghệ cao.
- Tình hình dịch bệnh nguy hiểm trên tôm thường xuyên xẩy ra, ngày càng khó ứng phó, việc áp dụng các biện pháp phòng trị một số bệnh chưa mang lại hiệu quả.
- Giá vật tư đầu vào như con giống, thức ăn, thuốc hóa chất luôn ở mức cao và tăng mạnh làm tăng giá thành sản xuất trong khi giá bán lại giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid nên hiệu quả đầu tư không cao.
- Dịch bệnh covid - 19 làm cho sản phẩm nuôi trồng khó tiêu thụ, giá thành giảm thấp gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý ngại đầu tư sản xuất của người dân và hiệu quả kinh tế.
- Công tác đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực (cấp giấy xác nhận) theo quy định của Luật Thủy sản 2017 ở các địa phương còn hạn chế. Nguyên nhân: Các cơ sở không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận phần lớn do người nuôi chưa có thủ tục về đất ( hợp đồng thuê đất, thuê mặt nước nuôi/ không có giấy chứng nhận QSD đất, mặt nước nuôi…).
* Đ ịnh hướng phát triển: Phát triển nuôi tôm theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất, sản lượng và giá trị sản phẩm. Phát huy tiềm năng lợi thế về đất đai, mặt nước, điều kiện tự nhiên và nhu cầu thị trường để đảm bảo hiệu quả, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; góp phần tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; giải quyết công ăn việc làm và phát triển kinh tế xã hội khu vực ven biển của tỉnh.
+ Đến năm 2025, quy mô diện tích 2.810ha (thâm canh, bán thâm canh 2.410ha; quảng canh cải tiến 400ha; sản lượng 5.800tấn; Địa điểm tại các huyện, thị ven biển và thành phố Hà Tĩnh.
+ Đến năm 2030, quy mô diện tích 2.830ha; sản lượng 6.700tấn; Địa điểm tại các huyện, thị ven biển và thành phố Hà Tĩnh.
+ Nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao: Tiếp tục phát huy hiệu quả của 01 doanh nghiệp nuôi tôm công nghệ cao đã được chứng nhận, quy mô sản xuất 20ha, tại Thị xã Kỳ Anh; khuyến khích, thúc đẩy một số doanh nghiệp phát triển cơ sở hạ tầng ứng dụng các tiến bộ công nghệ vào sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn để được chứng nhận là doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quy mô sản xuất khoảng 40ha, tại Thị xã Kỳ Anh và huyện Thạch Hà.
* Một số giải pháp thực hiện
(1) Về tổ chức và quản lý sản xuất
- Phát triển các mô hình hợp tác, liên kết dựa trên tổ chức các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, phân tán thành Tổ hợp tác, Hợp tác xã để tạo ra các vùng sản xuất nguyên liệu lớn, tập trung, làm đầu mối liên kết với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, giảm bớt khâu trung gian.
- Kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng con giống, thức ăn, thuốc, hóa chất trong nuôi tôm; quan trắc môi trường và kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại các vùng nuôi tôm tập trung; giám sát chặt chẽ nguồn nước cấp, nước thải tại các cơ sở nuôi.
- Vận động, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, biện pháp quản lý tiên tiến, thân thiện với môi trường tại các vùng nuôi tôm tập trung; thay thế dần từ sử dụng hóa chất sang chế phẩm sinh học; không sử dụng thuốc kháng sinh trong sản xuất tôm.
(2) Giải pháp về sản xuất, ương dưỡng con giống
- Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác giống và nghiên cứu khoa học trong việc chuyển giao, sản xuất, ương dưỡng giống tôm.
- Thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư có tiềm lực và thương hiệu mạnh về sản xuất giống tôm vào đầu tư phát triển sản xuất giống tôm trên địa bàn Hà Tĩnh.
- Rà soát lại hệ thống sản xuất và ương nuôi giống tôm đã có tiếp tục đầu tư, nâng cấp và hoàn thiện các cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống tôm để đáp ứng nhu cầu sản xuất.
- Tăng cường năng lực quản lý, bổ sung lực lượng, phương tiện đủ mạnh để kiểm soát chất lượng giống tôm.
(3). Về khoa học công nghệ và công tác khuyến ngư
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ mang tính đột phá, phù hợp với từng khâu của chuỗi sản xuất từ đầu vào cho đến bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm tôm. Cụ thể:
- Phối hợp với Tổng cục Thủy sản, các viện nghiên cứu, trường Đại học... để triển khai thực hiện chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành thủy sản.
- Chủ động nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới trong sản xuất tôm giống, đảm bảo cung ứng đủ giống tôm tăng trưởng nhanh, kháng một số bệnh thường gặp để chủ động cung cấp, đáp ứng nhu cầu trong tỉnh và xuất bán cho các tỉnh bạn.
- Đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, các giải pháp kỹ thuật nuôi mới (nuôi công nghệ sinh học, nuôi tôm hai giai đoạn, nuôi tuần hoàn ít thay nước...) nhằm nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm tôm.
- Tăng cường chuyển giao, nâng cấp và áp dụng công nghệ tiên tiến trong sơ chế, bảo quản tôm nguyên liệu để nâng cao tỷ trọng hàng giá trị gia tăng, đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng được yêu cầu của các nước nhập khẩu.
- Áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong thực hiện quan trắc, cảnh báo môi trường nước cấp, môi trường ao nuôi tôm.
- Tổ chức tổng kết, đánh giá các mô hình sản xuất tôm hiệu quả để nhân rộng. Thông qua đó để thông tin, tuyên truyền về chủ trương, chính sách của trung ương, của tỉnh về các quy định, chính sách phát triển nuôi tôm nước lợ, đồng thời tuyên truyền vận động người dân dồn ghép, tích tụ đất đai, đầu tư cơ sở nuôi tôm đồng bộ để dễ dàng áp dụng khoa học công nghệ mới.
- Tham quan học tập kinh nghiệm các mô hình điển hình nuôi tôm trong và ngoài tỉnh theo quy trình công nghệ mới để nâng cao năng lực cho cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý và người nuôi tôm trong toàn tỉnh.
(4) Về thị trường
- Thường xuyên cập nhật thông tin về thị trường trong nước và thế giới; thị hiếu tiêu dùng, chủng loại sản phẩm, dung lượng thị trường, mức độ cạnh tranh với các nước xuất khẩu khác để xây dựng kế hoạch sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tôm hiệu quả.
- Tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm tôm.
- Tăng cường quảng bá thương hiệu, xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm tôm ở các thị trường trọng điểm.
- Tuyên truyền, phổ biến các quy định trong các Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới, cũng như các quy định có liên quan tại thị trường nhập khẩu đến các doanh nghiệp, người sản xuất tôm để định hướng xây dựng chiến lược sản xuất, kinh doanh và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm tôm phù hợp. Đồng thời, cập nhật thông tin thị trường, giá cả, đấu tranh, xử lý các vụ kiện chống bán phá giá, các rào cản kỹ thuật, thương mại bất hợp lý, không để bị động về thị trường.
(5) Về ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường
- Nghiên cứu xây dựng các mô hình sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu phù hợp với từng vùng sinh thái; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến rộng rãi các mô hình sản xuất có hiệu quả để người sản xuất áp dụng, vận dụng theo từng điều kiện cụ thể.
- Tăng cường công tác giám sát môi trường dựa vào cộng đồng; áp dụng các biện pháp nuôi an toàn sinh học theo hướng VietGAP.
(6). Về cơ chế chính sách
- Xây dựng chính sách hỗ trợ: đầu tư mới, nâng cấp ao hồ chuyển từ hình thức nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến sang nuôi thâm canh; hỗ trợ cơ sở nuôi áp dụng công nghệ tiên tiến (nhà gièo, ao nuôi có mái che).
- Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, hợp tác với các cơ quan nghiên cứu công lập để tận dụng cơ sở vật chất, nguồn lực nhằm đẩy nhanh tiến độ trong nghiên cứu công nghệ phát triển ngành tôm (đặc biệt trong lĩnh vực chọn tạo giống tôm, sản xuất thức ăn nuôi tôm, thiết bị phục vụ nuôi tôm công nghệ cao).
- Tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách tín dụng hiện hành đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, trong đó có ngành tôm;
- Tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh./.
Sỹ Công/http://sonongnghiep.hatinh.gov.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;