Khác với những năm trước, năm nay công tác tiêm phòng trên đàn vật nuôi đã gặp không ít khó khăn. Đó là dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp, cụ thể ngay từ những tháng đầu năm, dịch Viêm da nổi cục (VDNC) đã xảy ra làm lây lan trên diện rộng. Vì thế, công tác tiêm phòng được ưu tiên phòng chống dịch VDNC trên đàn trâu, bò. Càng khó khăn hơn khi dịch VDNC vừa được không chế thì dịch Covid-19 lại xảy ra, làm gián đoạn đợt tiêm phòng mở rộng trên toàn bộ đàn vật nuôi. Tuy vậy, với sự chỉ đạo của các cấp, sở, ngành cùng với sự chủ động, linh hoạt trong cách làm từ cơ sở, nên hiện nay, công tác tiêm phòng các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi như: Lỡ mồm long móng, dịch tai xanh, cúm gia cầm và dại chó đang được các địa phương tập trung triển khai nhằm kết thúc trong thời gian sớm nhất và đạt tỷ lệ cao.
Hiện nay, công tác tiêm phòng trên đàn vật nuôi đang được các địa phương trong tỉnh triển khai
Để tiêm hết số lượng vắc xin đã tiếp nhận từ huyện, đồng thời đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch Covid -19, xã Hương Xuân (huyện Hương khê) đã tổ chức tiêm phòng tập trung đối với đàn trâu bò theo hình thức cuốn chiếu. Sau khi tiêm dứt điểm thôn này mới chuyển sang tiêm ở thôn khác. Ở những điểm tiêm tập trung cho đàn trâu bò, các thôn tổ chức tiêm từ 5 giờ sáng để vừa tránh nắng nóng, vừa giãn số lượng trâu bò lùa đến một lúc, qua đó tránh tụ tập đông người. Cũng trong đợt này, kết hợp việc ra soát tiêm phòng trên đàn trâu bò thì cán bộ thú y đã xuống tận hộ để tiêm luôn đàn lợn và đàn chó tại hộ. Với sự chỉ đạo quyết liệt, nên chỉ sau một tuần, xã Hương Xuân đã triển khai tiêm được 8/9 thôn, đạt tỷ lệ trên 90% tổng đàn gia súc và hiện đang tiếp tục tổ chức tiêm phòng cho đàn gia cầm.
Còn tại xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê, do có đàn gia súc, gia cầm khá lớn, với 1,026 con trâu bò, 1.020 con lợn, 65.000 con gia cầm và 650 con chó chủ yếu nuôi trong các hộ dân. Đặc biệt, đàn trâu bò chủ yếu nuôi nhốt tại hộ, nên xã không tổ chức tiêm tập trung mà cử cán bộ thú y trực tiếp xuống tận hộ để tiêm cho trâu bò kết hợp tiêm cho lợn và chó.Với việc chủ động số lượng vật nuôi tại các hộ và thông báo kịp thời cho từng hộ lịch tiêm cụ thể nên ngay khi cán bộ thú y xuống từng hộ luôn có người ở nhà để triển khai tiêm nhanh chóng, thuận lợi. Với cách làm này được người dân ủng hộ và chấp hành nghiêm túc.
Trong công tác tiêm phòng, Hương Khê là một trong những địa phương tổ chức tiêm sớm hơn so với các địa phương khác. Trước đó, vào đầu tháng 4-2021, huyện Hương Khê đã tổ chức tiêm phòng thành công 12.000 liều vắc xin viêm da nổi cục cho đàn trâu bò, qua đó đã khống chế được dịch bệnh. Huyện cũng đã tăng cường chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm như: bệnh lở mồm long móng; dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm và dại chó nhằm đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi trên địa bàn.
Ông Trần Hoài Sơn - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT&BVCTVN huyện Hương Khê cho biết:Đến nay, toàn huyện đã tiêm được hơn 20.000 con trâu bò, đạt tỉ lệ gần 87%, đàn lợn hơn 4.000 con, đạt tỉ lệ 45% và tiêm dại chó được hơn 10.500 con, đạt tỉ lệ gần 70%. Hiện Trung tâm đang tổ chức theo dõi sức khỏe đàn gia súc sau tiêm. Nếu phát hiện những biểu hiện bất thường về sức khỏe thì sẽ có hướng xử lý.
Còn tại huyện Nghi Xuân, các xã và thị trấn cũng đã tổ chức tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm theo thứ tự những xã có số lượng lớn tiêm trước, để tổ chức rút kinh nghiệm cho các xã triển khai tiếp theo. Để hoàn thành chỉ tiêu, huyện Nghi Xuân đã phân công cán bộ tuyên truyền, đôn đốc các hộ dân tiến hành tiêm phòng cho đàn vật nuôi; chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, dụng cụ, vật tư, hóa chất phục vụ công tác tiêm phòng.
Là một xã có đàn vật nuôi khá lớn của huyện Nghi Xuân và đang được triển khai tiêm trong đợt này, nên ngay từ đầu tháng 7, xã Xuân Yên đã rà soát kỹ tổng đàn và có kế hoạch tiêm cụ thể theo từng giai đoạn phù hợp với các đối tượng vật nuôi. Tuy xã có đàn trâu bò 300 con, đàn lợn 200 con, nhưng xã Xuân Yên (huyện Nghi Xuân) có đàn chó khá lớn với 850 con nuôi tại các hộ dân. Vì hiện đang là mùa nắng nóng, bệnh dại trên đàn chó thường dễ xảy ra đe dọa đến sự an toàn của người dân vì thế, xã Xuân Yên đã ưu tiên tổ chức tiêm phòng dại cho đàn chó trước, sau đó mới tiêm phòng cho đàn trâu, bò, lợn và gia cầm.
Chị Phan Thị Nga - Cán bộ thú y xã Xuân Yên, huyện Nghi Xuân chia sẽ: “Để thực hiện hiệu quả công tác tiêm phòng dại, xã Xuân Yên đã bố trí điểm tiêm cố định tại hội quán các thôn hoặc tổ chức đội tiêm phòng lưu động phục vụ người dân tận nhà; các cán bộ thú y được tập huấn kỹ trước khi thực hiện công tác tiêm phòng, đảm bảo tiêm đúng kỹ thuật và an toàn cho người đi tiêm, trang bị đầy đủ thùng lạnh để bảo quản vắc xin để tiêm đạt hiệu quả cao nhất”.
Trước những nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh trên đàn vật nuôi, UBND tỉnh đã có công điện về việc chủ động triển khai, thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh cúm gia cầm, và các loại dịch bệnh trên đàn gia súc trong đó khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm bảo đảm đạt tỷ lệ tối thiểu trên 80% tổng đàn có nguy cơ và thuộc đối tượng tiêm được tiêm phòng.
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nên việc triển khai kế hoạch tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm tại nhiều nơi đã phần nào bị ảnh hưởng. Đến nay, toàn tỉnh mới chỉ có 2 huyện Hương Khê và Nghi Xuân tổ chức triển khai tiêm sớm. Còn các địa phương khác đang trong giai đoạn điều tra tổng đàn để xây dựng kế hoạch tiêm. Quan điểm chỉ đạo của tỉnh là sẽ hoàn thành toàn bộ kế hoạch tiêm ngay trong tháng 8. Do vậy ngoài sự nỗ lực từ phía chính quyền, cơ quan chuyên môn và lực lượng thú y, thì các hộ chăn nuôi cũng cần phải nêu cao tinh thần tự giác, tiến hành tiêm phòng đầy đủ theo quy định. Đấy là cách tốt nhất để bảo vệ sản xuất, bảo vệ tài sản cho gia đình và cộng đồng./.
Nguyễn Hoàn/http://sonongnghiep.hatinh.gov.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;