Xã Thái Bình, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang là nơi có khu di tích lịch sử Bộ Canh nông, nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đây là nơi được Bộ NN-PTNT quan tâm, hỗ trợ các mô hình, dự án về cây con giống, khoa học kỹ thuật giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Đến thời điểm này, xã Thái Bình đạt 15/18 tiêu chí của Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao của tỉnh và còn 3 tiêu chí chưa đạt là giao thông, trường học và thu nhập. Các tiêu chí này đang được xã bổ sung, củng cố, phấn đấu hoàn thành vào cuối năm 2020.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc xã Thái Bình trong thực hiện các tiêu chí nông thôn mới.
Từ các nguồn vốn được hỗ trợ, người dân xã đã xây dựng các mô hình kinh tế, kết cấu hạ tầng nông thôn, nhất là hệ thống đường giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội phát triển, nâng cao đời sống nhân dân.
Hiện nay, xã có 31 km đường giao thông nông thôn được bê tông hóa, không còn nhà tạm dột nát, 100% người dân trong độ tuổi lao động có việc làm với thu nhập bình quân đầu người đạt 39,6 triệu đồng/người/năm và hơn 90% người dân được tham gia bảo hiểm y tế.
Xã cũng thúc đẩy các tổ chức, cá nhân phát triển ngành nghề có lợi thế. Đặc biệt, nhiều hộ dân đăng ký tham gia thực hiện mô hình vườn kiểu mẫu, xây dựng thôn Chanh 1, thôn 3 và thôn 6 của xã trở thôn kiểu mẫu.
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, xã huy động mọi nguồn lực đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia hiến công, hiến đất để mở rộng các tuyến đường, triển khai trồng cây xanh, chỉnh trang khuôn viên, các trục đường chính.
Ông Nguyễn Văn Hùng, xóm 9, xã Thái Bình đã hiến 50 m2 đất để làm cầu phục vụ nhu cầu đi lại của bà con trong thôn. Mỗi gia đình, mỗi người dân trong xã đều có tinh thần ủng hộ chủ trương xây dựng nông thôn mới của địa phương.
"Trong việc nâng cấp hạ tầng cơ sở tại xã Thái Bình, người dân chúng tôi thấy có sự phát triển rõ rệt. Bà con nhận biết được nhiều thông tin, có mạng, có đèn cao áp, có nhiều thứ không kém ngoài thành phố, thị xã. Con em chúng tôi đi học cũng rất thuận tiện vì đường sá được nâng cấp", ông Hùng cho biết.
Trong khi đó, gia đình ông Nguyễn Tiến Hưng, thôn 4, xã Thái Bình là 1 trong 12 hộ đầu tiên tại xã xây dựng vườn mẫu. Trước đây, việc bố trí vườn cây, chuồng trại còn chưa được hợp lý, sau khi xây dựng vườn mẫu, chuồng trại được quy hoạch lại.
Việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi của gia đình được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia giúp đỡ, hỗ trợ, từ đó, hiệu quả kinh tế đạt cao hơn. Trước đây, thu nhập khoảng 5 triệu/tháng nhưng từ khi xây dựng vườn mẫu thu nhập đã đạt khoảng 10 triệu/tháng.
"Nhà tôi có diện tích vườn mẫu khoảng 5.000m2, cây trồng chủ yếu là nhãn, quất, bưởi và nhiều loại rau và hơn 100 con gà lông màu. Trước đó, gia đình được Trung tâm Khuyến nông và Phòng nông nghiệp huyện hỗ trợ 500 con gà 7 ngày tuổi và 20 thùng ong, nhờ đó kinh tế gia đình phát triển rất tốt", ông Hưng chia sẻ thêm.
Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, xã Thái Bình huy động được trên 46,7 tỷ đồng, trong đó vốn hỗ trợ của Bộ NN-PTNT là hơn 13,1 tỷ đồng, vốn nguồn ngân sách tỉnh là trên 16,9 tỷ đồng còn lại là từ các nguồn vốn khác và huy động trong dân.
Ngoài ra, còn nhiều chương trình hỗ trợ xã của Bộ NN-PTNT như trao tặng 50 con bò giống, đến nay có 43 con được phối giống, sinh sản được 25 bê con. Hay chương trình hỗ trợ 2.000 gà giống cùng 1 tấn thức ăn cho 12 hộ dân, 200 cây nhãn giống và 3,8 tấn phân cho các gia đình thực hiện dự án ghép cải tạo vườn nhãn. Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến nông Quốc cũng giúp đỡ xây dựng mô hình gà thả vườn an toàn sinh học.
Cụ thể hơn về vấn đề này, theo ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, để hỗ trợ cho xã Thái Bình, Trung tâm xây dựng một dự án khuyến nông đặc thù và giao trực tiếp cho Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang thực hiện, đó là hướng dẫn nuôi gà lông màu cho các hộ dân trong xã.
"Trong giai đoạn đầu, Trung tâm hỗ trợ 15 hộ gia đình với quy mô 5.000 con gà lông màu và thức ăn. Đến nay, các lứa gà đầu cấp cho các hộ phát triển rất tốt và trở thành phong trào, nhân rộng ra gần 50 hộ trên toàn xã", ông Thanh chia sẻ thêm và cho rằng đây là một sinh kế rất tốt cho các nông dân ở xã Thái Bình.
Ngoài gà lông màu, cây nhãn của Thái Bình cũng nhận được một dự án của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia là ghép cải tạo, nâng cao năng suất và chất lượng.
Trước đây, các vườn nhãn ở xã vừa già cỗi vừa có chất lượng không được tốt. Cùng với nhiều địa phương miền núi phía Bắc khác, bà con xã Thái Bình được khuyến nông trung ương hỗ trợ ghép cải tạo. Toàn bộ vườn nhãn đã được ghép giống mới, năng suất, chất lượng hơn.
"Từ việc triển khai một số mô hình khuyến nông tại xã, tôi cho rằng việc lấy kinh tế hộ làm trọng điểm, phát huy lợi thế từng vùng để trở thành hàng hóa như bà con nông dân ở xã Thái Bình rất hiệu quả và phù hợp với các hộ gia đình làm nông nghiệp ở khu vực miền núi phía Bắc", ông Lê Quốc Thanh nhận định.
Về chăn nuôi, Bộ NN-PTNT kết hợp với Bộ KH-CN đang triển khai chương trình nâng cấp, cải biến giống trâu ngố ở Chiêm Hóa, Tuyên Quang.
Cụ thể, ông Nguyễn Văn Trọng, Cục phó Cục Chăn nuôi cho biết, Bộ NN-PTNT đang phối hợp với tỉnh Tuyên Quang, triển khai đề tài cấp quốc gia để chọn ra được giống trâu lai giữa trâu Thái và trâu ngố, là giống trâu địa phương có thể trạng tốt nhưng đang dần bị suy thoái vì không được chọn lọc thường xuyên.
Không chỉ trâu, gà màu cũng là đối tượng chăn nuôi tiềm năng đối với Tuyên Quang vì các hộ thí điểm nuôi mô hình sau khi nhận được sự hỗ trợ từ Bộ NN-PTNT, Cục Chăn nuôi hay Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đều đạt được hiệu quả.
Để phát triển kinh tế chăn nuôi, ông Trọng cho rằng tỉnh cần hướng đến việc phát triển chăn nuôi an toàn sinh học trên cả đàn gia súc và gia cầm. Ngoài ra, tỉnh cần tăng cường khả năng sản xuất giống tại chỗ để người chăn nuôi vừa chủ động về con giống vừa đảm bảo được an toàn dịch bệnh.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Tuyên Quang đang là mô hình khai thác kinh tế rừng, kinh tế gò đồi, đặc biệt là tái cơ cấu kinh tế nông thôn gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới rất tốt.
Đến cuối năm 2020, Tuyên Quang có thể đạt được 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới trong tổng số 124 xã trên toàn tỉnh, có những xã như xã Thái Bình vốn những năm trước có tỷ lệ nghèo đói khá cao, đến nay cũng đã đạt chuẩn nông thôn mới.
Cách làm của Tuyên Quang là chăm lo đồng bộ các tiêu chí, kể cả thiết chế hạ tầng, nhưng quan trọng nhất là tái sản xuất cơ cấu nông nghiệp gắn với cải thiện đời sống nhân dân. Vì vậy, năm 2019 tỉnh Tuyên Quang đã nâng lên xấp xỉ 40 triệu đồng/người ở vùng nông thôn.
"Chúng tôi đánh giá rất cao Tuyên Quang vì khai thác được thế mạnh của rừng với tổng diện tích khoảng 460.000 ha. Hiện nay đã tập trung khai thác 250.000 ha rừng kinh tế, thu hút được nhiều doanh nghiệp chế biến sâu về gỗ và lâm sản", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Đối với vùng kinh tế đồi gò, tỉnh Tuyên Quang tập trung phát triển cây ăn quả, cây công nghiệp, đặc biệt là cây chè. Cùng với đó là khai thác diện tích mặt nước, phát triển thủy sản.
"Những năm vừa qua, tỉnh Tuyên Quang nói riêng và các tỉnh miền núi phía Bắc nói riêng đã khắc phục khó khăn, phát huy lợi thế, khai thác thế mạnh của rừng, vùng đồi, đa dạng sinh học từ cây trồng, vật nuôi cho đến nét đẹp văn hóa để phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu nông nghiệp rất tốt", người đứng đầu ngành Nông nghiệp chia sẻ thêm.
Khi đến thăm mô hình kiểu mẫu tại xã Thái Bình, phát triển với sự hỗ trợ, giúp đỡ từ Bộ NN-PTNT, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, hạt nhân trong tái cơ cấu nông nghiệp hiện nay vẫn là các hộ sản xuất, các hộ này phải gắn với nhau để tạo thành hợp tác xã kiểu mới và liên kết với các doanh nghiệp để tạo ra chuỗi giá trị khép kín từ khâu sản xuất nguyên liệu đến khâu chế biến và thương mại.
Ông đặc biệt khuyến khích các hộ khai thác tiềm năng lợi thế dư địa của chính địa phương mình như là cây, vật nuôi. "Mô hình vườn kiểu mẫu của ông Nguyễn Tiến Hưng, thôn 4, xã Thái Bình có quy mô gần 5.000m2 đã tận dụng rất tốt những giống cây ăn quả bản địa, đàn gà, cây cảnh, cây hoa phối kết hợp tạo ra một hệ sinh thái sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao", Bộ trưởng nhận định.
Qua đây có thể thấy người nông dân Việt Nam biết tận dụng rất tốt tiềm năng, thế mạnh về đất đai, tài nguyên của địa phương nhưng quan trọng nhất là văn hóa và đa dạng sinh học để làm nên các loại nông sản không chỉ nhiều về số lượng mà còn cho giá trị cao, an toàn phục vụ cho thị trường.
"Cách làm đó sẽ nâng cao đời sống nhân dân theo đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước là tái cơ cấu kinh tế vùng nông thôn theo hướng hiện đại nhưng giữ được bản sắc dân tộc. Đây là các làm mà tỉnh Tuyên Quang nói chung và xã Thái Bình nói riêng đang làm rất tốt", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định thêm.
Tùng Đinh - Quang Dũng - Đào Thanh/ https://nongnghiep.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã