Học tập đạo đức HCM

Hoạt động nổi bật của Lãnh đạo Bộ và Bộ Công Thương trong tuần từ ngày 26/7- 01/8/2021

Thứ hai - 02/08/2021 06:28
Tuần từ ngày 26/7-01/8/2021, ghi nhận dấu ấn đậm nét các hoạt động của ngành Công Thương, với những văn bản hoả tốc, các đề xuất, kiến nghị đầy tính nhân văn, trách nhiệm, sáng tạo và hiệu quả của lãnh đạo Bộ Công Thương với Chính phủ, nhằm gỡ khó cho người dân, doanh nghiệp...

Cổng Thông tin điện tử Bộ tổng hợp và xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc!

Tuần của những văn bản hoả tốc

Việc một số địa phương áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ thiếu thống nhất đã gây nguy cơ làm đứt gãy chuỗi cung ứng, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân trong việc tiếp cận nguồn hàng thiết yếu. Trong một ngày, Bộ Công Thương đã phải liên tiếp ra các văn bản hướng dẫn để giải quyết khó khăn trước mắt, đồng thời kiến nghị khẩn lên Chính phủ cho phép được áp dụng một giải pháp đồng bộ và lâu dài.

Văn bản số 4481 về danh mục hàng hoá thiết yếu được phép lưu thông được ban hành hoả tốc vào tối 27/7/2021 gửi tới các địa phương được dư luận, người dân đánh giá là rất kịp thời, giải quyết được ngay trước mắt những tranh cãi đang xuất hiện ở nhiều địa phương với câu hỏi: Thế nào mới là hàng hoá thiết yếu? Và tại sao bánh mì, rồi bỉm, tả của trẻ em… đã bị ách tắc tại các chốt kiểm tra, các cửa ngõ lưu thông và không vào được thành phố.

 

Thế nhưng, ngay cả khi có danh mục hàng hoá thiết yếu rồi, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng xác định chỉ là “những việc cần làm ngay để giải quyết khó khăn trước mắt”  chứ chưa thể giải quyết dứt điểm các vấn đề phát sinh trong quá trình lưu thông hàng hóa. Bởi, những gì người dân cần đều là thiết yếu cả, nếu mà kể hết, liệt kê đủ, có khi vài trăm trang giấy cũng vẫn thiếu. Do vậy, chiều tối cùng ngày (27/7), Bộ Công Thương có văn bản hoả tốc số 4482, khẩn thiết đề nghị Chính phủ thay vì đưa ra danh mục hàng hoá thiết yếu thì xây dựng danh mục hàng hoá cấm được lưu thông. Với kiến nghị này, Bộ Công Thương đã đưa vấn đề từ chỗ phức tạp về đơn giản hóa, để bất cứ địa phương nào thực thi nhiệm vụ cũng chỉ cần loại trừ hàng hoá, dịch vụ cấm, còn lại tất cả đều là thiết yếu, đều được lưu thông.

 

Trên cơ sở đề xuất của Bộ Công Thương, hai ngày sau vào chiều 29/7, Văn phòng Chính phủ có công văn chính thức truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đồng ý: Từ 0 giờ ngày 30/7/2021: Xe chở hàng hoá phục vụ xây dựng, sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, xuất nhập khẩu có mã QR Code sẽ không bị kiểm tra. Đồng thời nhất quán quan điểm trừ các hàng hóa, dịch vụ cấm, còn lại tất cả các sản phẩm, hàng hóa khác đều được “tạo luồng xanh” di chuyển vào thành phố, tới các điểm nằm trong diện giãn cách xã hội… Điều kiện đi kèm là phải tuân thủ các quy định về phòng chống dịch bệnh.

 

Tuần của những quyết định giảm giá - an sinh

Giá bán lẻ xăng dầu nhiều năm nay đã được “thả” theo cơ chế thị trường theo hướng bắt nhịp với giá thế giới, có lên – có xuống. Tuy nhiên, để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19, thay vì bổ sung quỹ bình ổn, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã quyết định từ 15h00 ngày 27/7/2021, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau: xăng E5RON92 giảm 112 đồng/lít; xăng RON95-III giảm 102 đồng/lít; dầu diesel 0.05S giảm 162 đồng/lít; dầu hỏa giảm 105 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S giảm 148 đồng/kg so với giá hiện hành.

Không chỉ xăng dầu được điều chỉnh giảm, nhằm hỗ trợ các khách hàng sử dụng điện khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của COVID-19, Ngày 30 tháng 7 năm 2021, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký Văn bản số 453/BC-BCT đề xuất với Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện hỗ trợ giảm tiền điện đợt 4.

Đề xuất này của Bộ Công Thương đã nhanh chóng được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đồng ý vào ngày 31/7/2021 và được thể hiện qua nghị quyết của Chính phủ.

Tuần của những hoạt động tri ân

Nhân kỷ niệm 74 năm ngày Thương binh, Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2021), thay mặt Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đặng Hoàng An đã đến thăm, tặng quà Trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công tỉnh Thái Bình.

Trong mạch nguồn các hoạt động của Tháng tri ân, Công đoàn Bộ Công Thương đã gửi thư hỏi thăm và tặng quà Trung tâm điều dưỡng thương binh Duy Tiên (Hà Nam). Ngoài ra, Công đoàn Bộ cũng tặng 20 suất quà cho đối tượng chính sách là thương binh, thân nhân gia đình liệt sĩ hiện đang công tác tại các đơn vị trực thuộc và Ban Liên lạc thương binh Cơ quan Bộ.

Cùng với các hoạt động tri ân của Bộ Công Thương, Công đoàn Công Thương Việt Nam và các công đoàn trực thuộc, trong tuần qua, Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Hoá chất Việt Nam, Công đoàn Công Thương các địa phương, Công đoàn các Trường Đại học, Cao đẳng, các Viện… thuộc Bộ đã có rất nhiều hoạt động tri ân, thể hiện qua các chuyến đi về nguồn; dâng hương tưởng niệm các liệt sỹ; thăm hỏi, tặng quà thân nhân các gia đình liệt sỹ, các thương binh, bệnh binh trong các Trung tâm điều dưỡng hoặc tại gia đình…

 

Một tuần của những quyết sách và hành động cụ thể

Không dừng ở chỗ đề xuất mở cửa chợ truyền thống với các điều kiện đi kèm như phát phiếu, đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh, tuần qua, Tổ công tác đặc biệt, Bộ Công Thương liên tiếp có các cuộc họp, các chương trình hướng dẫn cho người dân công tác phòng chống dịch bệnh tại chợ.

Cụ thể, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến phổ biến, tập huấn Hướng dẫn Phòng, chống dịch COVID-19 tại chợ sáng 29/7/2021 tại Hà Nội theo hình thức trực tuyến, kết nối tới 63 tỉnh thành phố.

Theo đó, có 17 nguyên tắc phòng chống dịch bệnh được hướng dẫn và áp dụng cho các Ban Quản lý chợ; 8 nguyên tắc vàng áp dụng cho các hộ kinh doanh; 6 quy định áp dụng đối với khách hàng, người lao động, người dân ra vào chợ và 7 nguyên tắc áp dụng cho UBND các cấp.

Dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, các địa phương tiếp tục kéo dài thời gian áp dụng các biên pháp phòng chống theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, câu hỏi đặt ra là: việc tiêu thụ nông sản cho người dân sẽ được thực hiện như thế nào. Trong bối cảnh khó khăn như vậy, cách nào để kết nối cho người dân đưa hàng hoá lên các sàn thương mại điện tử

Để giải quyết những vướng mắc nêu trên, chiều 27/7, tại trụ sở Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã có buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn để bàn về các giải pháp hỗ trợ lưu thông, cung ứng hàng hóa cho các địa phương vùng dịch, đồng thời, có phương án hỗ trợ các hộ nông dân phân phối nông sản, hàng hoá đặc sản địa phương lên các sàn thương mại điện tử.

Tại cuộc họp, Hai Bộ thống nhất duy trì đội ngũ giao hàng shipper, đồng thời giao cho Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số làm đầu mối, phối hợp với các đơn vị của Bộ và Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để có phương án hỗ trợ các hộ nông dân tổ chức phân phối nông sản, đặc sản địa phương trên các sàn thương mại điện tử cũng như từng bước tổ chức các hoạt động thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá qua thương mại điện tử xuyên biên giới. Cùng với đó, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải tạo “luồng xanh” để các sàn thương mại điện tử cũng được đưa hàng hóa ngay vào tâm dịch, các địa phương đang triển khai Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Khẩn thiết “cứu chuỗi cung ứng trước nguy cơ bị đứt gãy”

Khẳng định trong mọi tình huống phải đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân, không để xảy ra tình trạng đứt gãy sản xuất, đứt gãy nguồn cung ứng, Bộ Công Thương đã liên tiếp có những đề xuất “cần ưu tiên” tiêm vaccine cho hệ thống phân phối bán lẻ, ưu tiên tiêm vaccine cho lực lượng tuyến đầu… Trên tinh thần nhất quán quan điểm này, ngày 30/7, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã ký văn bản hoả tốc số 4580/BCT-CN đề nghị các địa phương ưu tiên tiêm vaccine cho lái xe, người lao động ngành vận tải và logistics nhằm không để đứt gãy chuỗi sản xuất.

Trước mắt cần ưu tiên cho đội ngũ tài xế, phụ xe thực hiện vận tải liên tỉnh và lao động trong các ngành logistics phục vụ lưu thông hàng hóa tại các cảng biển, cửa khẩu...

 

Thống nhất với quan điểm trên, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng chính thức có các đề nghị các Bộ, ngành, các địa phương để sớm cho hoạt động và duy trì trở lại phương thức giao nhận thương mại điện tử, trong đó có shipper. Bởi, việc hạn chế nhân viên giao nhận hàng hóa thương mại điện tử đã ảnh hưởng đến chuỗi lưu thông từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng, khiến người dân phải đến các siêu thị, chợ truyền thống, ra đường gây nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

 

Trước đó, ngày 23/7/2021, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã có công văn số 757/TMĐT-TTCNS gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn logistic thương mại điện tử, đảm bảo lưu thông hàng hoá khi dịch COVID- 19 diễn biến phức tạp, từ đó, đề nghị đề nghị duy trì đội ngũ shipper có điều kiện.

 

Một số hoạt động quan trọng khác của Lãnh đạo Bộ Công Thương

Bên cạnh các hoạt động nổi bật nêu trên, trong tuần từ ngày 26/7 đến ngày 01/8/2021 còn có một số hoạt động quan trọng khác của Lãnh đạo Bộ và Bộ Công Thương như:

Chiều 28/7, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ và bổ nhiệm Bộ trưởng, thành viên khác của Chính phủ. Theo đó, đồng chí Nguyễn Hồng Diên được phê chuẩn bổ nhiệm vị trí Bộ trưởng Bộ Công Thương.

 

 

Ngày 30/7, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải tháp tùng Đoàn công tác của Chủ tịch nước kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Bình Dương. Tại đây,Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi lời thăm hỏi ân cần đến Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Thuận An. Đồng thời, biểu dương cố gắng của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Bình Dương, đặc biệt là TP. Thuận An đã chung sức, chung lòng và có quyết tâm cao trong việc thực hiện các nội dung chỉ đạo của Trung ương và tỉnh Bình Dương trong công tác phòng, chống dịch trong suốt thời gian qua. Thực hiện tốt an sinh xã hội, đảm bảo lương thực thực phẩm, đảm bảo cuộc sống tối thiểu cần thiết cho người dân.

 

Chiều 30/7, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo quốc tế trực tuyến “Phát triển logistics Việt Nam ngang tầm quốc tế”.

Tại Hội Thảo, nhiều ý kiến cho rằng: Dù có nhiều điểm mạnh trong quá trình phát triển, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng, ngành logistics của Việt Nam vẫn còn nhiều điểm hạn chế như: chi phí cao; thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp dịch vụ logistics với nhau và giữa các doanh nghiệp dịch vụ logistics với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh khác… Ngoài ra, quy mô, tiềm lực tài chính của các doanh nghiệp dịch vụ logistics của Việt Nam còn yếu; việc tiến ra thị trường nước ngoài còn chưa đáng kể; nguồn nhân lực làm dịch vụ logistics còn thiếu cả về số lượng, chất lượng cũng như tính chuyên nghiệp.

Do vậy, Quyết định 221 của Thủ tướng Chính phủ với 6 nhóm nhiệm vụ và những giải pháp tổng thể sẽ là kim chỉ nam cho việc phát triển dịch vụ logistics trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp ngày càng quan trọng hơn cho phát triển kinh tế đất nước.

 

Nhằm giải quyết một số vướng mắc trong quá trình thực tiễn thi hành Luật Điện lực (sau 15 năm ban hành), Bộ Công Thương đang xây dựng Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực.

Việc sửa đổi một số điều của Luật sẽ khắc phục những tồn tại của các quy định hiện hành, đồng thời hoàn thiện cơ chế chính sách, theo hướng khuyến khích sử dụng điện an toàn, tiết kiệm hiệu quả, bảo vệ môi trường và phát triển năng lượng bền vững; Đồng thời, hoàn thiện quy định để ràng buộc trách nhiệm của khách hàng sử dụng điện trong quá trình sử dụng điện nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản, giảm thiểu thiệt hại cho gia đình và xã hội.

 


 Nguồn:Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương
https://moit.gov.vn/tin-tuc/hoat-dong/hoat-dong-noi-bat-cua-lanh-dao-bo-va-bo-cong-thuong-trong-tu.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập219
  • Hôm nay14,915
  • Tháng hiện tại349,656
  • Tổng lượt truy cập92,727,320
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây