Vụ lúa thu đông năm 2021, ông Trương Văn Tặng ở xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai (TP Cần Thơ) xuống giống 9 công lúa, giống OM 5451, hiện đã được 35 ngày tuổi. Hiện lúa phát triển tốt, chỉ phun 2 lần thuốc BVTV và bón 3 lần phân với số lượng khá hạn chế ở mức khoảng 45kg/công, thay vì hè thu rồi phải bón từ 55-60kg/công.
Ông Tặng đánh giá sản xuất lúa thu đông năm nay khá thuận lợi cả về điều kiện thời tiết và nguồn nước. Tuy hiện nay đang thực hiện giãn cách xã hội, việc chăm sóc ra đồng ruộng cũng không khó khăn lắm. Vì diện tích đất của gia đình nằm phía sau nhà nên cứ ra đồng chăm sóc lúa cũng phải tuân thủ đeo khẩu trang, đặc biệt không tiếp xúc bất kỳ ai.
"Nguồn nước phục vụ sản xuất lúa khá thuận lợi vì đã được Nhà nước đầu tư các hệ thống đê bao và công trình thủy lợi chủ động được nước tưới tiêu. Hiện giá vật tư đều tăng cao. Hi vọng 2 tháng nữa lúa thu hoạch, lúc đó dịch bệnh qua đi, giá lúa tăng trở lại', ông Tặng cho biết.
Theo Sở NN-PTNT TP Cần Thơ, đến nay toàn Thành phố đã xuống giống lúa vụ thu đông 2021 được 58.923 ha, đạt 101% so với kế hoạch. Lúa thu đông chủ yếu đang trong giai đoạn mạ đến đẻ nhánh, phát triển khá tốt và ít sâu bệnh. Một số đối tượng dịch hại như ốc bươu vàng, chuột, rầy nâu, bọ trĩ, sâu cuốn lá, bệnh đạo ôn lá... chỉ xuất hiện mật số thấp, gây hại rải rác.
Hiện nay đang trong thời điểm giãn cách xã hội, thực hiện Chỉ thị 16 nên ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân trong canh tác lúa thu đông phải đảm bảo biện pháp 5K để phòng chống dịch bệnh hiệu quả.
Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ cho biết, trước dự báo tình hình dịch bệnh Covid-19 sẽ còn diễn biến phức tạp, ngành nông nghiệp Cần Thơ xem đây là cơ hội để nông dân thúc đẩy tiếp cận công nghệ thông tin vào trong sản xuất.
Thay vì chuyển giao khoa học kỹ thuật đến bà con nông dân bằng hình thức trực tiếp thông qua các lớp tập huấn, hội thảo đấu bờ, hiện nay do ảnh hưởng dịch bệnh không tập trung đông người, ngành nông nghiệp đã giao cho Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP Cần Thơ đẩy mạnh công tác khuyến cáo sản xuất cho bà con theo từng thời điểm thông qua đài truyền thanh, mạng xã hội zalo, facebook đến từng nông dân hay các tổ hợp tác, HTX để người dân nắm rõ tình hình sản xuất của từng thời điểm, có phương án phòng né sâu bệnh, hạn mặn một cách hiệu quả.
Tại Kiên Giang, ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết đến nay, nông dân đã thụ hoạch lúa hè thu đạt 102.000/280.000ha tổng diện tích xuống giống của tỉnh, năng suất bình quân 5.44 tấn/ha. Sản lượng đã thu hoạt đạt 553.000 tấn (cả vụ dự kiến sản lượng thu hoạch đạt gần 1,54 triệu tấn).
Hiện nhiều trà lúa đang vào giai đoạn trỗ, chín, trong tháng 8 này thu hoạch khoảng 45.000 ha, sản lượng 247.000 tấn. Số lượng máy gặt đập liên hợp, nhân công thu hoạch đáp ứng được nhu cầu thu hoạch lúa của bà con nông dân.
Vừa xuống giống xong diện tích lúa thu đông của gia đình, anh Đỗ Anh Tuấn, ở ấp Kênh 5B, xã Tân An, Tân Hiệp, Kiên Giang cho biết, tuy địa phương đang giãn cách xã hội và phòng chống dịch Covid-19, nhưng cũng không gây trở ngại nhiều cho bà con nông dân ra đồng. Nhờ diện tích canh tác liền canh liền cư, nông dân không phải di chuyển đi xa hay qua các chốt kiểm soát. Việc mua lúa giống, vật tư phân bón đã có đại lý tại địa phương, cung ứng tận nhà cho bà con.
Cái khó hiện nay làm cho nông dân lo lắng chính là giá nhiều loại vật tư đầu vào phục vụ sản xuất đã tăng mạnh, đặc biệt là giá nhiều loại phân bón đã tăng từ 250.000 - 270.000 đồng/bao (50kg) so với cùng kỳ và đang ở mức rất cao.
Nhiều loại Urê đang ở mức 600.000 - 620.000 đồng/bao, DAP 850.000 - 870.000 đồng/bao. Do đó, anh Tuấn phải hạn chế bón phân cho lúa và đẩy mạnh áp dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp nhằm giảm chi phí sản xuất.
"Vụ hè thu rồi, mỗi công lúa tôi sử dụng tới 50kg phân bón các loại nhưng vụ này tôi dự kiến giảm còn 35-40 kg/công", anh Tuấn cho biết.
Từ đầu năm 2021 đến nay, ngành nông nghiệp Cần Thơ đẩy mạnh từ phương thức tập huấn nông dân trực tiếp sang các hình thức hướng dẫn bằng các video hay clip theo từng các chuyên đề cụ thể gửi đến cổng thông tin điện tử của từng đơn vị hay lên các trang mạng xã hội bằng hình thức chính thống.
Ví dụ, thay vì trước đây tổ chức tập huấn kỹ thuật hướng dẫn cho nhóm nông dân trồng lúa trong thời điểm phòng ngừa sâu bệnh chỉ khoảng 30-50 nông dân tiếp cận, nay áp dụng công nghệ 4.0 nên lượng phổ rộng sẽ lớn hơn rất nhiều.
Hiện nay, ngành nông nghiệp Cần Thơ cũng đang kết hợp với một doanh nghiệp công nghệ để áp dụng nền tảng số theo ứng dụng trên app điện thoại di động nhằm để giải quyết những vướng mắc trong sản xuất hay nhu cầu tiêu thụ nông sản của bà con thông qua ứng dụng công nghệ này để kết nối.
Đối với cây trồng hay vật nuôi khi có dịch bệnh gì, nông dân dùng điện thoại chụp hình lại đưa lên app điện thoại, từ đó app sẽ phản hồi lại cho bà con nông dân.
LÊ HOÀNG VŨ – ĐÀO TRUNG CHÁNH/https://nongnghiep.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã