Nhớ thời "cân chè, cân đạm", lá chè nhỏ như lá rau má
Năm 1992, chị Tống Thị Kim Thoa (Giám đốc HTX chè Kim Thoa, xã Phúc Xuân, Thành phố Thái Nguyên) xây dựng gia đình với anh Trần Duy Hưng. Hai vợ chồng, người Tân Cương, người Phúc Xuân đều là địa danh tiêu biểu trong chỉ dẫn địa lý vùng chè nổi tiếng nên theo cha ông mà khởi nghiệp từ chè.
Trong câu chuyện, anh Hưng chỉ ra trước ngõ căn nhà khang trang của anh chị được chọn làm trụ sở HTX để giới thiệu về cây chè Trung du anh trồng kỷ niệm ngày chị về làm dâu.
Cây chè hơn 3 thập kỷ cao chừng 4 mét, chứng kiến những gian lao của gia đình anh chị. Hai vợ chồng tần tảo với 3 sào chè lận lưng. Chăm chỉ làm lụng, có chút lưng vốn, anh chị tích lũy thêm được 3.000 m2 đất làm chè.
Nhớ lại những ngày đầu làm riêng, anh chị đều ám ảnh bởi cách nghĩ, cách làm khi ấy, sao mà dại, mà khổ đến vậy. Sau mỗi lứa chè là các loại phân bón đổ lên nương chè. Thấy chè bị sâu là phun. Phun đủ các chủng loại thuốc, chừng nào thấy sâu chết thì thôi. Kể cả những loại thuốc độc hại như Monitor đến Triozan, thậm chí dùng cả thuốc diệt cỏ...
Nương chè không có một con giun, cũng chẳng thể tìm được một con nhái. Cây chè còi cọc lại, rễ cây cằn khô, lá chè chứa đầy chất dinh dưỡng hóa học và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vô tội vạ. Thế nên một thời, dân trồng chè mới có câu "cân chè cân đạm, lá chè nhỏ như lá má (rau má)".
Năng suất chè sụt giảm thảm hại. Tỉnh Thái Nguyên khi ấy khởi động chương trình thực hiện Đề án cải tạo, phát triển chè với mục tiêu thâm canh, chuyển đổi giống và kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến chè.
Năm 1997, gia đình anh chị Hưng Thoa theo học lớp IPM cho cây chè. "Kỹ thuật được thực hiện như thế nào?", tôi hỏi. Hai vợ chồng anh gần như đồng thanh trả lời, rồi anh dừng lại, nhường lời cho vợ nói.
Chị Thoa kể như một chuyên gia về bảo vệ thực vật thực thụ: Người làm chè phải biết đến các loại sâu chính hại chè, biết tuổi sâu, biết kiểm tra các loại như nhện, bọ dày, mật độ gây hại, ngưỡng gây hại... Theo quy trình mới, anh chị thực hiện nghiêm ngặt với khẩu hiệu “Bảo tồn thiên địch, trồng cây khỏe, thường xuyên thăm đồng, nông dân là chuyên gia”.
Chị Thoa kể, năm 2018, trong một buổi tập huấn kỹ thuật về định hướng sản xuất chè theo hướng hữu cơ tại xã Phúc Xuân, sau bài giảng, ông Vũ Công Định (Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Thành phố Thái Nguyên) đã hỏi bà con có quyết tâm làm chè theo hướng hữu cơ hay không?
Chị Thoa cùng vài người nữa giơ tay và nói “quyết tâm”. Ngay sau đó, HTX chè Kim Thoa được chọn để triển khai mô hình. Có 8 thành viên của HTX viết đơn tham gia mô hình với quy mô 5 ha chè được hỗ trợ thực hiện.
Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Thành phố Thái Nguyên đã phối hợp với Viện Khoa học Nông lâm nghiệp Miền núi phía Bắc tổ chức tập huấn, hướng dẫn các hộ dân nhận thức rõ tầm quan trọng của sản xuất hữu cơ và nắm được các nguyên tắc cơ bản trong quy trình chăm sóc. Đồng thời, triển khai cơ chế hỗ trợ 40% chi phí vật tư, bao gồm phân bón hữu cơ vi sinh, chế phẩm sinh học EM và thuốc trừ sâu sinh học thảo mộc.
Bắt tay vào thực hiện mô hình, việc chuyển hướng đầu tiên được xác định là cải tạo đất. Nếu chè đang được trồng và chăm sóc theo phương pháp truyền thống lâu năm, phun tưới phân bón, thuốc BVTV hóa học thì dư lượng hóa chất còn tồn đọng nhiều trong đất. Trong khi đó, các chất dinh dưỡng trong đất bị hạn chế, đất trở nên khô cứng làm quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng của chè bị kém.
Quá trình cải tạo thực chất là bổ sung các chất dinh dưỡng hữu cơ vào đất, cho cây. Người làm chè hữu cơ cũng được hướng dẫn thực hiện kỹ thuật ủ và sử dụng phân hữu cơ vi sinh với chế phẩm EM; kỹ thuật phun thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học thảo mộc...
Mất ít, được nhiều
Đánh giá của cơ quan chuyên môn, cách làm mới sản xuất chè theo hướng hữu cơ khiến năng suất chè khô giảm từ 25 - 30%. Tuy nhiên, năng suất đã nhích dần qua các lứa. Qua năm thứ hai thực hiện, năng suất lại tăng từ 10 - 15% so với trước.
Tương tự, chất lượng chè khi mới bắt đầu triển khai theo hướng hữu cơ cũng kém hẳn cả về mã cũng như về vị. Lá chè cứng, vị chát, pha nước vàng đỏ, hương khé, không thanh mát. Đến giờ thì chè hữu cơ đã khẳng định được chất lượng và không có đủ hàng để cung ứng. Theo đó, giá chè búp khô của thành viên tổ hợp tác hiện dao động từ 350 đến 400 nghìn đồng/kg, cao hơn 150 - 200 nghìn đồng/kg so với trước đây, thị trường tiêu thụ chè cũng ngày càng được mở rộng.
Từ việc tuân thủ quy trình sản xuất hữu cơ, chị Đàm Thị Thanh Huyền (một thành viên HTX) đã sáng chế ra chiếc máy phun thuốc trừ sâu sinh học từ một chiếc máy bơm nước. Sau khi đưa vào sử dụng, chiếc máy đã giúp giảm sức lao động, hạn chế thất thoát, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Theo chị Huyền, cây chè nhờ được chăm sóc tốt nên sinh trưởng phát triển khỏe mạnh. Trung bình 1 mẫu chè của gia đình chị thường cho thu hoạch 10 lứa/năm. Thu nhập từ bán chè tươi đạt bình quân 24 - 27 triệu đồng/lứa.
Bà Ngô Thị Mai Hương, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Thành phố Thái Nguyên cho biết, qua hạch toán kinh tế, chúng tôi thấy sản xuất chè hữu cơ lợi nhuận không thấp hơn so với sản xuất thông thường mà giá trị lớn nhất là tạo được sản phẩm thực sự an toàn, nâng cao giá trị sản phẩm, đem lại sức khỏe cho người sản xuất và người tiêu dùng.
Ngoài sản phẩm chè búp tươi thu được, chè hữu cơ còn thu được các sản phẩm như lá bánh tẻ, lá già để chế biến ra các dòng sản phẩm khác nên giá trị sẽ cao hơn nhiều so với sản xuất thông thường.
Hiện, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Thành phố Thái Nguyên đang đẩy mạnh tuyên truyền, phối hợp với các hợp tác xã sản xuất chè để nhân rộng vùng sản xuất chè theo hướng hữu cơ nhằm làm bước đệm cho việc xây dựng vùng chè sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam (TCVN 11041-2:2017), ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất chè.
Bên cạnh đó, các cấp, ngành của Thành phố Thái Nguyên cũng tích cực xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm trà sạch, an toàn, có nguồn gốc rõ ràng… Từ đó, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm và thu nhập của người sản xuất tăng từ 10% trở lên. Đồng thời, nhân rộng sản xuất hữu cơ giúp người dân có một phương thức sản xuất nông nghiệp mới thân thiện với tự nhiên và môi trường, góp phần bảo vệ sức khỏe của người sản xuất và người tiêu dùng.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã