Tham dự hội nghị có ông Trần Văn Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Uỷ viên thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ TN&MT cùng lãnh đạo các Bộ, Ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng cùng đại diện 41 tỉnh, thành toàn quốc.
Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới (NTM) Trung ương, trong đoạn 2016-2020 có 21 tỉnh đăng ký sử dụng nguồn vốn dự phòng cho thực hiện Đề án thí điểm về hoàn thiện, nhân rộng mô hình bảo vệ môi trường (BVMT) trong xây dựng NTM tại các xã khó khăn, biên giới, hải đảo theo hướng xã hội hóa giai đoạn 2017-2020 (gọi tắt là Đề án 712) với tổng số tiền 123,83 tỉ đồng từ nguồn dự phòng, để thực hiện 32 dự án thí điểm (gồm 9 dự án thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; 3 dự án xử lý chất thải chăn nuôi; 5 dự án về thu gom xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật, 8 dự án cấp nước sinh hoạt tập trung, 7 tỉnh triển khai dự án về cấp nước uống sinh hoạt cho xã đảo).
Qua 3 năm thực hiện Đề án 712, các đơn vị được phân công đã khẩn trương, tích cực triển khai thực hiện. Các nội dung cơ bản đều đã được triển khai thực hiện và bước đầu có những kết quả nhất định, việc rà soát, khảo sát, đánh giá mô hình hiện có thực hiện bám sát theo kế hoạch đã đề ra. Đặc biệt, từ việc triển khai thực hiện Đề án 712 đã tạo sự chuyển biến về nhận thức của cộng đồng dân cư khu vực nông thôn về công tác BVMT.
Cùng với đó, công tác BVMT trong xây dựng NTM đã được thể chế hóa trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các nội dung thực hiện tiêu chí môi trường trong giai đoạn 2021-2025. Nhiều địa phương đã tham gia tích cực vào việc thực hiện các nội dung của đề án, đã chấn chỉnh lại công tác thu gom và xử lý chất thải, tạo nên phong trào BVMT rộng khắp. Sự vào cuộc của các Bộ, ngành để thực hiện tốt các nhiệm vụ được phân công, cùng với sự quan tâm hưởng ứng của các tổ chức chính trị - xã hội từ cấp Trung ương đến địa phương…
Thực hiện Đề án 712 của Thủ tướng Chính phủ, Sóc Trăng được Trung ương đầu tư hỗ trợ hơn 26,1 tỉ đồng xây dựng hệ thống nước uống cho 51 trường học, 11 trạm y tế trên địa bàn các xã đảo thuộc 2 huyện Cù Lao Dung và Kế Sách. Về lĩnh vực môi trường, tỉnh đã ban hành Quyết định số 217 quy định hộ gia đình thực hiện 15 tiêu chí hộ văn hóa nông thôn mới, các ấp thực hiện 7 tiêu chí ấp văn hóa nông thôn mới. Đến nay, có 169.930 hộ (đạt 73,48%) được công nhận đạt chuẩn hộ văn hóa nông thôn mới; có 159 ấp (đạt 27,32%) đạt chuẩn ấp văn hóa nông thôn mới. Ngoài ra, các cấp còn tổ chức hội thi "Tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu" để xây dựng, chỉnh trang bộ mặt nông thôn ngày càng sáng – xanh – sạch – đẹp. Công tác thu gom, xử lý rác thải được quan tâm, hạn chế rác thải ngoài cộng đồng.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Văn Nam cho rằng, Đề án 712 đã huy động được nguồn lực xã hội hóa về BVMT nông thôn theo hướng huy động nguồn lực và sự tham gia của doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, các tổ chức chính trị - xã hội, hợp tác xã... trong quá trình xây dựng, quản lý, vận hành các mô hình BVMT. Trong phạm vi Đề án, đã có 29 dự án thí điểm (thuộc 5 nhóm nội dung khác nhau) đã được thực hiện theo cơ chế huy động nguồn lực của doanh nghiệp, tín dụng, vay ưu đãi... bên cạnh nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước.
Ông Trần Văn Nam, nhấn mạnh: "Thông qua việc thực hiện Đề án 712, công tác BVMT nông thôn đã và đang được toàn xã hội đặc biệt quan tâm, nhất là trong mục tiêu phấn đấu đạt chuẩn NTM; đồng thời, đề án đã huy động được các tổ chức hội, đoàn thể tham gia mô hình tuyên truyền viên BVMT, hình thành được đội ngũ tuyên truyền viên với gần 5.300 người triển khai thực hiện tại 478 xã thuộc 73 huyện của 40 tỉnh, thành trong cả nước".
Cũng theo Thứ trưởng Trần Văn Nam, trong giai đoạn 2021-2025, các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp nhằm thực hiện công tác bảo vệ môi trường nông thôn, trong đó cần chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường gắn với xây dựng cảnh quan; thay đổi nhận thức và hành động của người dân cũng như các cấp chính quyền; tăng cường nguồn lực để bảo vệ môi trường nông thôn; áp dụng các công nghệ tiên tiến trong xử lý rác thải, phân loại rác thải tại nguồn, bảo vệ môi trường.
Cần có cơ chế, chính sách đột phá trong quản lý môi trường nông thôn. Thí điểm thực hiện mô hình bảo vệ môi trường tuần hoàn chất thải, xử lý nước thải sinh hoạt nông thôn; đặc biệt, cần áp dụng các giải pháp về thanh tra, kiểm tra, xử phạt nghiêm vi phạm trong lĩnh vực môi trường một cách quyết liệt và mạnh mẽ hơn ở khu vực nông thôn...
Tại hội nghị, đã có nhiều tham luận của các địa phương, doanh nghiệp và ngành chuyên môn chia sẻ những kinh nghiệm, các mô hình hay, cũng như việc tổ chức thực hiện trong việc xử lý chất thải rắn, nước thải sinh hoạt; việc thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới… Qua đó đề xuất những giải pháp về xử lý rác và công tác xã hội hóa nước sạch sao cho ngày càng hiệu quả trong thời gian tới.
Phát biểu tại hội nghị, ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị, cần xác định và kiên định các mục tiêu về bảo vệ môi trường. Từ đó sẽ tìm ra cách làm phù hợp, hiệu quả nhất đối với từng địa phương, đơn vị. Quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, thống nhất trong phân công, phối hợp giữa các ngành, sự vào cuộc của mặt trận, các đoàn thể, các tôn giáo tham gia. Đặc biệt, cần phát huy vai trò, chủ thể của người dân, sự tham gia tích cực, hiệu quả của khối doanh nghiệp vào xử lý chất thải, cải tạo cảnh quan và bảo vệ môi trường nông thôn.
Theo ông Võ Tuấn Nhân, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ nỗ lực hết mình cùng với các Bộ, ngành và địa phương thực hiện nhiệm vụ được giao, tháo gỡ những khó khăn, đồng hành cùng địa phương để góp phần thực hiện tốt chương trình nông thôn mới cho giai đoạn tới.
Theo Hồng Cẩm/ Dân Việt
https://danviet.vn/huy-dong-duoc-nguon-luc-xa-hoi-hoa-bao-ve-moi-truong-nong-thon-20201201071638038.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;