Ngoài ra, muốn khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp thành công, các start-up phải có sự liên kết, tạo thành một hệ sinh thái hay một chuỗi giá trị hàng hóa chặt chẽ. Đây là điểm khác biệt so với các lĩnh vực start-up khác và cũng là điểm yếu mà các start-up nông nghiệp tại Việt Nam cần cải thiện.
Startup Việt đang ở giai đoạn vàng
Theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO), những năm gần đây, Việt Nam liên tục tăng hạng trong xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, dẫn đầu nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp (năm 2017 tăng 12 bậc, năm 2018 tăng tiếp 2 bậc, xếp thứ 45/126 quốc gia, trong đó, nhóm chỉ số về tri thức - công nghệ của Việt Nam có thứ hạng rất cao, xếp thứ 28).
Những bước tăng trưởng nhảy vọt kể trên đã đưa hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam lọt top 3 Đông Nam Á. Từ 400 (năm 2012) lên gần 1.800 (năm 2015) và hơn 3.000 (năm 2018). Lượng vốn đầu tư mạo hiểm cho startup Việt cũng tăng gấp 3 lần giai đoạn 2016 – 2018, từ 205 lên gần 900 triệu USD.
StartupBlink, Trung tâm nghiên cứu và lập bản đồ hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu, cũng vừa công bố bảng xếp hạng hệ sinh thái startup các quốc gia 2020. Theo đó, Việt Nam đang đứng thứ 59 trên thế giới và hướng tới mục tiêu là trung tâm khởi nghiệp hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Nếu tính theo từng thành phố, Thủ đô Hà Nội vào top 200 trung tâm khởi nghiệp trên toàn cầu sau khi nhảy 33 bậc lên hạng 196. TP. Hồ Chí Minh đứng thứ 225, trong khi năm trước thành phố này thậm chí chưa có tên trong danh sách.
Trước đó, TP. Hồ Chí Minh cũng đã hoàn thiện Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo 2021-2025 nhằm thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển mạnh mẽ và trở thành cái nôi của cộng đồng khởi nghiệp trong cả nước.
Từ đầu năm 2019, nhiều startup Việt Nam đã gọi vốn thành công với tổng giá trị hơn 670 triệu USD trong 50 thương vụ, trong đó TP. Hồ Chí Minh chiếm gần một nửa với 23 thương vụ, tương ứng hơn 300 triệu USD gọi vốn.
Trước làn sóng khởi nghiệp và sáng tạo, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Đến thời điểm hiện tại, hệ thống pháp luật Việt Nam cũng đã có nhiều các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế chính sách được quy định tại các quyết định và đề án của Chính phủ, Thủ tướng và chính quyền địa phương về hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Các chuyên gia đánh giá, Việt Nam đang trở thành điểm đến mới cho các startup và quỹ đầu tư nhờ quy mô của nền kinh tế quốc gia ngày một được mở rộng. Đây chính là cơ sở để các doanh nghiệp địa phương thành công và có lợi nhuận ngay trên sân nhà. Tuy nhiên, để trở thành một trung tâm khu vực và toàn cầu, Việt Nam sẽ phải tạo ra những đổi mới với tác động rộng lớn. Việt Nam đặt mục tiêu có ít nhất 10 startup kỳ lân vào năm 2030, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Các startup Việt đang ở giai đoạn vàng phát triển và Việt Nam là thị trường mới, là yếu tố chính để tỷ lệ thành công này cao hơn mặt bằng thế giới. Khẳng định điều này, ông Phạm Ngọc Huy, Giám đốc dự án của Vietnam Silicon Valley, cho hay: “Những startup ra đời trong giai đoạn 5 năm trở lại đây có nhiều cơ hội trở thành số 1, số 2 trên thị trường do không phải cạnh tranh với các dự án lớn cũng như các đối thủ khác”...
Vấn đề của người nông dân không chỉ là công nghệ
Cuối năm 2018, trước hội đồng chuyên môn và các nhà đầu tư, dự án khởi nghiệp tiềm năng Mr Farm Agriculture do Phạm Cao Kỳ sáng lập kêu gọi đầu tư 2 tỷ đồng, đổi lấy 5% cổ phần Công ty.
Mr Farm Agriculture là công ty chuyên cung cấp sản phẩm và giải pháp toàn diện về nông nghiệp thông minh. Sản phẩm của Mr Farm Agriculture giúp các hộ nông dân chuẩn hóa quy trình trồng nông sản (chế độ tưới tiêu thích nghi theo thời tiết, chăm sóc, bón phân chính xác từ giai đoạn cây con đến khi thu hoạch), tự động hóa hoàn toàn khâu nuôi trồng suốt mùa vụ, chống trộm qua điện thoại…
Không chỉ cung cấp sản phẩm, Mr Farm Agriculture còn tư vấn giải pháp, cách xử lý vấn đề khi hộ dân gặp sự cố về cây bệnh hay bọ phấn, đảm bảo đầu ra chất lượng cho hộ dân.
Nhắm đến phân khúc dân dụng với các trang trại có diện tích từ 2 - 10ha, vốn đầu tư dưới 500 triệu đồng, Phạm Cao Kỳ ước tính tỷ suất sinh lợi của Mr Farm Agriculture đạt 19 - 27% tùy theo dự án và kỳ vọng chiếm 1,2% thị trường mục tiêu trong vòng 2 năm. Tháng 4/2018, Mr Farm Agriculture bán 1/4 cổ phần cho một đối tác cá nhân và một công ty phân bón, đồng thời cũng là đối tác phân phối sản phẩm.
Tuy nhiên, tại sự kiện kêu gọi vốn đầu tư nói trên, nhà đầu tư cho rằng, sản phẩm của Mr Farm Agriculture nên kiểm nghiệm ở chỗ nào đó trồng rau quả, so sánh kết quả để thuyết phục khách hàng. Ngoài ra, vấn đề của người nông dân không chỉ là công nghệ, mà còn là thị trường. Vì vậy, để tồn tại và phát triển bền vững, các dự án nông nghiệp đều phải dựa vào thị trường.
Liên kết để tạo chuỗi giá trị hàng hóa
Mr Farm Agriculture là một trong khá nhiều dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp xuất hiện thời gian qua và phần nào có được vị thế, nhưng độ gây tiếng vang so với các dự án trong lĩnh vực công nghệ còn thua xa.
Đến nay, cũng chưa có nhiều dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp hấp dẫn, thu hút nhà đầu tư. Lý do được các nhà đầu tư giải thích là, những dự án này chủ yếu được các bạn trẻ lập ra một cách tự phát, chưa theo nhu cầu thị trường, chưa áp dụng rộng rãi các công nghệ về trí tuệ nhân tạo (AI) với hạ tầng Internet of Things (IoT). Chính những hạn chế này khiến tỷ lệ các quỹ đầu tư đổ vào lĩnh vực này chỉ chiếm 5 - 10%.
Ngoài ra, khi rót vốn vào start-up trong lĩnh vực nông nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài còn yêu cầu dự án có nhiều người đồng sáng lập và quyết tâm đi đến cùng, sản lượng ổn định... Trong khi, tại Việt Nam chưa có nhiều start-up đáp ứng đủ các yếu tố đó.
Theo ông Trần Bằng Việt, Tổng giám đốc Dong A Solutions, khởi nghiệp nông nghiệp là khó nhất, dài hơi nhất, đắt nhất và phức tạp nhất, nhưng “đau lòng” nhất là sản phẩm đưa ra thị trường lại bị trộn lẫn giữa tốt và không tốt, thật và không thật hay chỉ gần như thật. Vì thế, chi phí bỏ ra để thuyết phục người tiêu dùng rất lớn.
Tuy nhiên, ông Việt cũng cho rằng, cùng với giáo dục và y tế, nông nghiệp là mảng khởi nghiệp rất triển vọng.
Với các nhà đầu tư nói chung, thường có 4 tiêu chí để đánh giá một start-up nông nghiệp, đó là: giải pháp giải quyết vấn đề nào của thị trường, độ lớn của thị trường chấp nhận giải pháp đó, lợi thế cạnh tranh so với nhóm khác, cách thức tổ chức phân nhóm và vận hành.
Ngoài ra, muốn khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp thành công, các start-up phải có sự liên kết, tạo thành một hệ sinh thái hay một chuỗi giá trị hàng hóa chặt chẽ. Đây là điểm khác biệt so với các lĩnh vực start-up khác và cũng là điểm yếu mà các start-up nông nghiệp tại Việt Nam cần cải thiện.
“Không phải thấy thị trường đang có nhu cầu, mình có khả năng sản xuất là có thể dấn thân vào khởi nghiệp. Khởi nghiệp nông nghiệp không đơn giản là một cộng một bằng hai mà nó còn là những câu chuyện dài hơi phía sau. Để khởi nghiệp thành công ở lĩnh vực nông nghiệp, điều quan trọng là phải có chiến lược, phải biết sản phẩm mình làm ra bán ở đâu, giá cả cạnh tranh như thế nào, điều quan trọng là phải làm chủ được công nghệ và quy trình sản xuất của mình”, anh Nguyễn Phước Việt Cường, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Công nghệ Xuân Minh (xã Mỹ Hiệp, huyện cao Lãnh, Đồng Nai), chia sẻ sau hành trình gần 3 năm dấn thân vào con đường khởi nghiệp trồng rau thủy canh.
Nhiều startup trong lĩnh vực này đúc kết: Để thành công với nông nghiệp sạch thì niềm đam mê và quyết tâm vẫn chưa đủ, cần phải có chiến lược dài hơi mới có thể trụ vững, trong đó không thể thiếu những chính sách dẫn dắt từ chính phủ và hỗ trợ vốn từ các nhà đầu tư.
Vai trò “bà đỡ” từ Chính phủ
Theo ông Lương Minh Sâm, Phó hiệu trưởng Đại học Đông Á, nhà trường luôn đồng hành tạo môi trường đa dạng cho hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên. Bởi, đây chính là danh dự, giá trị, sự khác biệt của sinh viên trong giai đoạn Cách mạng công nghiệp 4.0. Sân chơi nghiên cứu khoa học của sinh viên ngày càng thú vị, đầy sắc màu, trong đó là cả câu chuyện nỗ lực phát triển các đề tài nghiên cứu khoa học không chỉ dừng lại ở một nghiên cứu ứng dụng mà còn mang tính sáng tạo khởi nghiệp cao và sự liên kết chặt chẽ của mô hình Nhà trường - Sinh viên - Doanh nghiệp trong phát triển và thương mại hóa các sản phẩm ứng dụng, các dự án khởi nghiệp...
Được biết, năm 2019, Trung tâm Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Đại học Đông Á được thành lập với sự hỗ trợ từ Tập đoàn Empire. Đồng thời, từ năm 2019, Đại học Đông Á cũng quyết định dành 1 tỷ đồng phát triển Quỹ hỗ trợ sinh viên nghiên cứu khoa học và sáng tạo khởi nghiệp hằng năm, trong đó đặc biệt ưu tiên nguồn lực hỗ trợ thương mại hóa các sản phẩm ứng dụng cao và các dự án sáng tạo khởi nghiệp.
Đánh giá của các nhà đầu tư quốc tế bày tỏ nhiều ấn tượng với hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam trong những năm qua. Không chỉ số lượng doanh nghiệp phát triển nhanh (400 doanh nghiệp khởi nghiệp năm 2012, đến 2017-2018 con số này tăng lên là 3.000). Nhiều tập đoàn lớn trong nước đã tham gia vào đầu tư mạo hiểm như FPT, Viettel, Vingroup, CenGroup... Cùng với đó là hơn 40 cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh và 60 khu không gian làm việc chung trên cả nước.
Thành công các startup cho thấy vai trò “bà đỡ” từ Chính phủ vô cùng quan trọng đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp để vượt qua Thung lũng chết (Valley of Death) và bản thân Nhà nước và các cơ quan Chính phủ phải dũng cảm đổi mới tư duy, chấp nhận rủi ro, mạo hiểm và hướng các nhóm khởi nghiệp trẻ mơ giấc mơ lớn, “Go Global” ngay từ giai đoạn tiền khởi nghiệp.
Ngoài ra, Bộ Khoa học và Công nghệ còn triển khai một số chương trình, đề án nổi bật khác như Dự án BIPP tài trợ bởi Chính phủ Bỉ, hỗ trợ các vườn ươm khởi nghiệp, Dự án VCIC tài trợ bởi World Bank, Chính phủ Australia, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh khẳng định, trong thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tập trung vào xây dựng và phát triển Mạng lưới kết nối khởi nghiệp ở quy mô quốc gia và quốc tế; thúc đẩy hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo trên toàn quốc; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phát triển và hoàn thiện công nghệ, liên kết với viện nghiên cứu, trường đại học thương mại hóa kết quả nghiên cứu, hình thành tài sản trí tuệ để vững tin bước ra thị trường toàn cầu.
Thanh Tâm/https://kinhtenongthon.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;