Khai trương hệ thống cấp Giấy chứng nhận xuất xứ điện tử theo EVFTA. Ảnh: VGP/Lê Anh |
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, EU là thị trường có kim ngạch nhập khẩu đứng thứ 2 thế giới, chiếm 14,9% tổng nhập khẩu toàn cầu. Mặc dù EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, nhưng hàng hóa của chúng ta mới chỉ chiếm khoảng 2% thị phần nhập khẩu của EU. Do vậy, chúng ta đang có cơ hội để tăng trưởng xuất khẩu, đặc biệt là đối với nhóm hàng nông, lâm, thủy sản trong bối cảnh EVFTA đã được thông qua.
EVFTA giúp tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Hội đồng châu Âu đã phê duyệt EVFTA. Về phía Việt Nam, Hiệp định này được Quốc hội bỏ phiếu phê chuẩn vào ngày 8/6 và sẽ có hiệu lực vào 1/8 tới.
Với EVFTA, sau khi được ký kết và có hiệu lực, nông, lâm, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam có thể tiếp cận được một thị trường đầy tiềm năng với dân số hơn 500 triệu người và GDP đạt 15.000 tỷ USD. Nhập khẩu các mặt hàng nông nghiệp hiện đang chiếm khoảng 8,4% trong tổng nhập khẩu của EU, Việt Nam vẫn còn dư địa tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản để phục vụ nhu cầu tiêu thụ rất lớn của thị trường này.
Theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), EVFTA có mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong số các FTA đã được ký kết (99% dòng thuế nhập khẩu giữa hai bên được xóa bỏ trong vòng 7-10 năm), đặc biệt đối với một số mặt hàng nông sản mà ta có thế mạnh sản xuất và xuất khẩu như gạo, thủy sản, cà phê, rau quả, ca cao, dầu cọ...
Việc ký kết và thực thi EVFTA không chỉ mang đến cơ hội về tăng trưởng xuất khẩu, mà còn giúp cho ngành nông nghiệp nước ta đẩy mạnh công tác tái cơ cấu hướng sâu vào vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, quy cách đóng gói… góp phần đưa hàng hóa nông, lâm, thủy sản của Việt Nam tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chấp nhận thử thách khi bước vào ‘sân chơi’ lớn
Bên cạnh những cơ hội, tiềm năng từ EVFTA như đã nêu trên, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang thị trường EU trong thời gian tới sẽ bước vào “sân chơi” lớn, cũng phải chấp nhận đương đầu với các khó khăn, thách thức mới.
Cụ thể, rào cản kỹ thuật đối với hàng hóa nông, lâm, thủy sản nhập khẩu từ phía EU rất chặt chẽ. Cho đến nay, EU vẫn là thị trường có yêu cầu về hàng rào kỹ thuật rất cao, đặc biệt là về kiểm dịch động, thực vật, quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), khai báo nguồn gốc gỗ hợp pháp... Việc thực thi EVFTA, đối với DN Việt Nam vẫn chỉ là sự tiếp nối trong quá trình tuân thủ các yêu cầu này từ phía EU.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, một trong những khâu yếu của nông nghiệp Việt Nam hiện nay đó là chế biến nông sản. Chính điều kiện khắt khe từ EVFTA cũng là điều tích cực, tạo động lực cho DN tái cơ cấu sản xuất, nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm. Chúng ta cần tạo sự liên kết giữa các DN trong nước để nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng được các tiêu chuẩn từ EU.
Bên cạnh đó, để nâng cao giá trị, thì công nghiệp phụ trợ trong nước cũng cần phải đẩy mạnh phát triển hỗ trợ cho sản xuất.
Tăng cường phối hợp hỗ trợ tối đa cho DN
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, Bộ Công Thương đã “mở thị trường” rồi. Trong nước cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho DN bằng thể chế (nghị định, thông tư hướng dẫn cụ thể); tiêu chuẩn, quy chuẩn hàng hóa khi xuất khẩu sang các thị trường. Trong khi đó, DN và người dân tổ chức sản xuất lại theo hướng hiện đại, hữu cơ.
Cũng tại hội nghị, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thống nhất lập tổ công tác xử lý nhanh để hỗ trợ DN thực hiện các bước để xuất khẩu vào EU nhằm tận dụng cơ hội từ EVFTA.
Tổ công tác cũng sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu, thông tin hướng dẫn giải đáp thắc mắc cho các DN về thị trường EU. Sớm xây dựng sàn thương mại điện tử Việt Nam với liên minh châu Âu, tạo “sân chơi” cho các DN, nhất là DN nhỏ và vừa Việt Nam tiếp cận thị trường EU một cách nhanh nhất.
Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị các cơ quan liên quan, cũng như các địa phương cùng phối hợp tiếp tục phổ biến về cơ chế, chính sách của Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành liên quan đến xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang thị trường EU, đồng thời kịp thời có hướng dẫn, giải đáp về các quy định, tiêu chuẩn về chất lượng và an toàn sản phẩm của EU… để các địa phương, các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp xuất khẩu nông, lâm, thủy sản có kế hoạch kinh doanh phù hợp, đáp ứng đúng yêu cầu của thị trường, qua đó nâng cao hiệu quả xuất khẩu trong thời gian tới.
Cũng tại hội nghị, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường và Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã nhấn nút khai trương hệ thống cấp Giấy chứng nhận xuất xứ điện tử theo EVFTA.
Lê Anh/chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;