Ngày 1/7, Tập đoàn Quế Lâm và UBND tỉnh Bắc Kạn thống nhất ký biên bản ghi nhớ về hợp tác, hỗ trợ sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
Quyết tâm sản xuất nông nghiệp hữu cơ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Kạn Đỗ Thị Minh Hoa đánh giá cao những kết quả Tập đoàn Quế Lâm đã đạt được trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ và mong muốn hợp tác với Quế Lâm để xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tổ chức các mô hình chăn nuôi đưa các sản phẩm của tập đoàn vào đầu tư nhằm tuyên truyền sâu rộng, vận động người dân hưởng ứng tham gia…
Đặc biệt đối với lĩnh vực chăn nuôi, sau dịch tả Châu Phi, tổng đàn lợn ở Bắc Kạn giảm từ 190.000 con xuống còn khoảng 123.000 con. Đặc thù của chăn nuôi ở Bắc Kạn là nhỏ lẻ với xấp xỉ 27.000 hộ chăn nuôi, trung bình mỗi hộ chưa đến 10 con lợn và vấn đề nan giải từ trước đến nay là môi trường và an toàn dịch bệnh. Tỉnh Bắc Kạn mong muốn với mô hình, phương thức của Tập đoàn Quế Lâm sẽ thay đổi thói quen, tập quán chăn nuôi người nông dân, từ đó xây dựng ngành chăn nuôi an toàn sinh học...
Theo bà Hoa, sản xuất nông nghiệp hữu cơ là xu thế tất yếu và Bắc Kạn không nằm ngoài xu thế này. Đặc biệt, mặc dù kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng Bắc Kạn lại là tỉnh có những điều kiện rất tốt để sản xuất nông nghiệp hữu cơ, trong đó có các yếu tố về không khí trong lành, độ che phủ rừng cao… “Nhiều tỉnh có điều kiện khó khăn hơn còn làm được thì Bắc Kạn chắc chắn cũng sẽ làm được”, bà Hoa nói.
Cam kết sẽ đồng hành với Bắc Kạn phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ông Khắc Ngọc Bá, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Quế Lâm, Giám đốc Công ty TNHH MTV Biotech Quế Lâm đánh giá: Bắc Kạn có lợi thế là đất sạch, nước sạch, không khí sạch, nên thuận lợi để thực hiện nông nghiệp hữu cơ. Tập đoàn Quế Lâm sẵn sàng đồng hành cùng tỉnh Bắc Kạn với phương châm chung tay góp sức vì một nền nông nghiệp hữu cơ bền vững. Với viện nghiên cứu và hội đồng khoa học của tập đoàn, Quế Lâm sẽ phối hợp tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ và nông dân tham gia về quy trình kỹ thuật sản xuất nông nghiệp hữu cơ; cung cấp, hướng dẫn bà con nông dân sử dụng có hiệu quả các loại phân bón hữu cơ vi sinh, phân hữu cơ vi sinh cao cấp; phân tích mẫu đất, hỗ trợ một phần kinh phí tại các mô hình trình diễn; hỗ trợ kết nối với các tổ chức chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ…
Nội dung ký kết giữa Tập đoàn Quế Lâm và UBND tỉnh Bắc Kạn thể hiện, hai bên sẽ rà soát quy hoạch, định hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ gắn với sản xuất, chế biến, tiêu thụ trong nước và hướng tới xuất khẩu. Hợp tác đào tạo, tập huấn cho cán bộ và nông dân tham gia về quy trình kỹ thuật sản xuất nông nghiệp hữu cơ, hướng dẫn các hộ nông dân sử dụng có hiệu quả các loại phân bón hữu cơ vi sinh, phân hữu cơ khoáng, các chế phẩm sinh học mang thương hiệu Quế Lâm trong sản xuất nông nghiệp. Xây dựng quy trình sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh, hữu cơ sinh học, hữu cơ khoáng Quế Lâm cho một số cây ăn quả (như mơ, hồng, cam, quýt…), cây chè, dong riềng, nghệ, lúa Japonica… và quy trình chăn nuôi lợn hữu cơ phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh Bắc Kạn để sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ. Hướng dẫn xử lý các chất phế thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp như bã củ dong riềng trên địa bàn để hạn chế ô nhiễm môi trường và làm nguyên liệu để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh…
Từ năm 2020-2022, Công ty cổ phần Tập đoàn Quế Lâm sẽ phối hợp với tỉnh song hành vừa triển khai các nội dung trên vừa xây dựng mô hình trình diễn trên một số cây trồng chính, vật nuôi như cây mơ ở huyện Chợ Mới, cây chè ở Chợ Mới và Ba Bể, cây dong riềng ở huyện Na Rì, cây canh bí thơm ở huyện Ba Bể, gạo Japonica, Bao Thai ở huyện Chợ Đồn… Triển khai mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học tại huyện Bạch Thông hoặc thành phố Bắc Kạn. Trên cơ sở kết quả triển khai xây dựng các mô hình sẽ nhân rộng thêm các loại cây, con tại các địa bàn khác trong tỉnh.
UBND tỉnh Bắc Kạn giao Sở NN-PTNT Bắc Kạn làm đầu mối chủ trì phối hợp với Tập đoàn Quế Lâm đi khảo sát lựa chọn địa điểm, diện tích và các điều kiện cần thiết để thực hiện mô hình sản xuất hữu cơ. Hỗ trợ Tập đoàn Quế Lâm tiếp cận các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư của Trung ương, của tỉnh. Tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất theo quy định của pháp luật và chính sách của tỉnh để Quế Lâm triển khai đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả…
Về phía Tập đoàn Quế Lâm sẽ giúp tỉnh Bắc Kạn định hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ gắn với sản xuất, chế biến và tiêu thụ trong nước, tiến tới xuất khẩu. Trên cơ sở các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ tập trung phối hợp xây dựng chuỗi liên kết sản xuất đối với các loại cây trồng chính theo kế hoạch của tỉnh Bắc Kạn, cùng nhau xây dựng phát triển thị trường tiêu thụ đầu ra sản phẩm nông nghiệp hữu cơ khi đảm bảo các yêu cầu. Tập đoàn Quế Lâm cũng sẽ tổ chức tập huấn, đào tạo, hướng dẫn quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, hướng dẫn xây dựng chuồng trại, hướng dẫn xử lý các chất phế thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp cho bà con nông dân tại các mô hình liên kết. Cung cấp phân hữu cơ vi sinh, phân hữu cơ khoáng, các chế phẩm sinh học để xây dựng mô hình trình diễn sản xuất cây mơ, cây chè, cây dong riềng, gạo Japonica hữu cơ và men vi sinh để chăn nuôi lợn hữu cơ đến tận tay hộ nông dân, các chương trình dự án sản xuất nông nghiệp hữu cơ, xử lý ô nhiễm môi trường trên địa bản tỉnh đảm bảo về tiêu chuẩn, chất lượng.
Các nhà khoa học, chuyên gia sẽ phân tích mẫu đất và nghiên cứu sản xuất những loại phân bón phù hợp với thổ nhưỡng, cây trồng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Tại các mô hình trình diễn trong 3 năm (2020 – 2022) cũng sẽ hỗ trợ phần chi phí phân bón tăng thêm trong quy trình canh tác hữu cơ so với quy trình canh tác vô cơ hiện hành tại địa phương. Hỗ trợ kết nối với các tổ chức chứng nhận hữu cơ và hỗ trợ một phần kinh phí để các sản phẩm của mô hình được cấp chứng nhận hữu cơ…
Trước Bắc Kạn, Tập đoàn Quế Lâm đã ký kết với rất nhiều tỉnh thành nhằm hợp tác sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Thực hiện chương trình trồng trọt, chăn nuôi hữu cơ của Tập đoàn Quế Lâm thể hiện, bộ sản phẩm của tập đoàn hiện đã có đầy đủ để phục vụ cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Về trồng trọt, Quế Lâm đã đăng ký và được phép lưu hành 146 sản phẩm phân bón các loại cho tất cả các loại cây trồng ở các vùng miền khác nhau. Trong đó phân bón hữu cơ có 6 loại, phân bón hữu cơ vi sinh có 18 loại, phân bón hữu cơ sinh học có 9 loại, phân bón hữu cơ khoáng có 16 loại, phân bón hóa học có 97 loại...
Bên cạnh đó, Quế Lâm còn sản xuất và được phép lưu hành 3 chế phẩm sinh học gồm chế phẩm Bio QL02 cải tạo đất và tăng chất lượng nông sản; chế phẩm Bio QL03 đặc trị trừ tuyến trùng, nấm bệnh gây vàng lá thối rễ; chế phẩm Bio QL04 phòng trừ sâu bệnh... Phát triển và đưa vào ứng dụng 10 quy trình sản xuất hữu cơ và theo hướng hữu cơ gồm: Quy trình sản xuất lúa hữu cơ trên nhiều giống lúa, quy trình sản xuất chè hữu cơ, quy trình sản xuất thanh long hữu cơ... Cùng với đó là các quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ trên ngô, su su, các loại rau ăn lá, các loại rau ăn quả, các loại quả theo hướng hữu cơ như cam, vải và cà phê…
Cụ thể, trong giai đoạn 2017 - 2019, Quế Lâm đã cung cấp phân bón hữu cơ vi sinh để sản xuất chè VietGAP các tỉnh Thái Nguyên, Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ,... mỗi năm khoảng 600 tấn.
Song song với việc cung ứng phân bón hữu cơ, Tập đoàn Quế Lâm cũng đã phối hợp với các tỉnh Thừa Thiên Huế, Vĩnh Phúc, Sơn La thực hiện dự án Xây dựng mô hình HTX liên kết sản xuất lúa gạo hữu cơ theo chuỗi giá trị với tổng diện tích 570 ha.
Về chăn nuôi, theo thống kê, Tập đoàn Quế Lâm đã thực hiện các mô hình chăn nuôi lợn, gà hữu cơ ở các tỉnh Thừa Thiên Huế, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Quảng Bình, TP. Hồ Chí Minh, Tây Nguyên... Đặc biệt, sau kỳ tích vượt qua dịch tả lợn Châu Phi thành công bằng giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học, Quế Lâm đã hoàn thiện Quy trình chăn nuôi lợn, gà an toàn sinh học, ứng dụng chế phẩm vi sinh và ứng dụng trên diện rộng.
Hoàng Anh/ https://nongnghiep.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;