Ngay từ lúc bắt đầu nhận “đề bài” làm sao để thực hiện việc chuyển đổi ruộng đất gắn với cơ cấu lại cây trồng vật nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích và tạo bước đột phá trong phát triển sản xuất Nông nghiệp khi mà hiện tại việc sản xuất nông nghiệp đang chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, dịch bệnh và không ít thách thức trong hội nhập kinh tế quốc tế là một “bài toán khó” với các bên liên quan. Xác định những khó khăn, thách thức bằng sự nỗ lực của chính hộ dân, lãnh đạo các cấp, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh và đơn vị tư vấn thiết kế, xây dựng nội dung triển khai đã từng bước mò mẫm mở ra hướng đi cho mô hình để có được những thành công ban đầu ngoài mong đợi.
Để hỗ trợ các xã giải được bài toán khó, lúc chưa có định hướng cụ thể, Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh đã tổ chức chuyến tham quan học tập kinh nghiệm tại tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình là một trong những tỉnh được đánh giá cao trong việc thực hiện chuyển đổi ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho cả hộ dân, chính quyền địa phương các xã, cán bộ nông thôn mới các cấp, đơn vị tư vấn để nhằm mở mang cách nhìn đa chiều về việc chuyển đổi ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tại các tỉnh bạn từ đó học tập và có được những thiết kế phù hợp với địa phương. Qua chuyến tham quan đã góp phần tìm ra được công thức để giải bài toán đang vừa mới bắt đầu.
Học tập từ thực tiễn của tỉnh bạn để áp dụng vào triển khai trên thực tế địa phương không phải chỉ cần gán ghép cái họ có để thực hiện cái mình cần bởi chưa hẵn đã phù hợp. Do đó, với nhiều cuộc khảo sát, nhiều cuộc họp, nhiều ý kiến từ hộ triển khai đến các cấp, ngành,… Trung tâm Khuyến nông đã tư vấn, thiết kế hoàn thiện và đưa ra hội thảo thống nhất để từ đó có được một công thức tốt nhất nhằm giải bài toán có kết quả nhanh và đúng với thực tiễn sản xuất cũng như đúng với đề bài đặt ra.
Ý tưởng, thiết kế, quy hoạch đầy đủ nhưng khi bắt tay vào triển khai thực hiện không phải là một điều đơn giản khi các hộ thực hiện đã quen với việc thích đâu làm đó, thích đối tượng nào thì đầu tư đối tượng ấy, không quy hoạch, không tính toán chỉ theo kiểu “được chăng hay chớ”. Nên mặc dù đã đầu tư rất nhiều vốn liếng nhưng các hộ vẫn còn chưa thu lại được hiệu quả kinh tế cao hơn so với việc đầu tư sản xuất lúa. Với hộ anh Nguyễn Đức Hà vùng Ngãi, thôn Trung Hậu và thôn Quy Vượng có diện tích 4,06ha, tuy đã có nhiều loại cây trồng như: cây bưởi 200 cây, ổi 150 cây, táo lê 100 cây nhưng cây sinh trưởng, phát triển kém do hộ chỉ mới trồng mà chưa có kỹ thuật tác động và chưa được thiết kế bố trí phù hợp; có 3 ao nuôi cá nước ngọt chỉ sản xuất các loại cá truyền thống như mè, trôi, rô phi, trắm, chép,… chưa mang lại hiệu quả kinh tế; diện tích trồng lúa 2,8ha sản xuất chủ yếu còn theo truyền thống chưa đầu tư các giống lúa mới năng suất, chất lượng để thành hàng hóa hay liên kết tiêu thụ sản phẩm. Tại hộ anh Phạm Viết Cừ vùng Đồng Biền, thôn Trung Nam Hồng, diện tích sản xuất có 2ha, bố trí 2 hồ bằng đất nuôi các loại cá truyền thống, chưa đầu tư thâm canh và một số diện tích trồng rau dùng phục vụ gia đình và diện tích còn lại trồng lúa nên thu nhập cũng không cao hơn so với sản xuất lúa thông thường.
Một khởi đầu đầy khó khăn, thách thức nhưng các chủ hộ là những người ham tìm tòi, học hỏi, tiếp nhận cái mới, kỹ thuật mới và được sự hỗ trợ của các ban ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương các cấp, Văn phòng Nông thôn mới và nhất là các cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã luôn đồng hành, sát cánh nỗ lực hết mình để cùng nhau xây dựng, hoàn thiện từ các thiết kế đã phê duyệt. Sau bao nỗ lực phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn từ vốn, kỹ thuật, đến thời tiết lúc quá mưa rét, lúc quá nắng hạn thì một bức tranh đầy màu sắc cũng đã được vẽ nên với “4 tầng nấc” hiện hữu: Tầng sâu của ao được nuôi ốc nhồi, tầng mặt nước trồng lúa, nuôi vịt, cá; tầng đất mặt trồng cây ăn quả ngắn ngày và chăn nuôi; tầng trên mặt đất làm giàn trồng các loại rau, quả. Như vậy, trên một đơn vị diện tích các hộ đã kết hợp nuôi trồng 4 loại cây, con cho thu nhập cùng một thời gian. Khi hỏi anh Hà về thành quả của ngày hôm nay gia đình đã hài lòng chưa, anh cười tươi trả lời “rất hài lòng và cả ấm lòng nữa”.
Ông Bùi Anh Sơn - Chủ tịch UBND xã Yên Hồ cho biết: “Việc được Văn phòng Nông thôn mới tỉnh lựa chọn là một trong 3 xã thực hiện mô hình “Gắn chuyển đổi ruộng đất với cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi hiệu quả” xã đã rất vui mừng nhưng cũng xác định là một thử thách cần phải thực hiện nghiêm túc, đầy trách nhiệm và tâm huyết. Do đó, xã đã tiến hành liên hệ tư vấn có kinh nghiệm trong xây dựng và thực hiện mô hình, chọn hộ một cách bài bản ngay từ khi lên ý tưởng, cử cán bộ tham quan học tập kinh nghiệm để ghi chép học hỏi, nhằm định hướng hộ rõ ràng, cử các đoàn thể hỗ trợ hộ trong quá trình thực hiện. Đến nay khi thấy được thành quả ban đầu và được đánh giá cao về sự nỗ lực xã đã rất phấn khởi và vui mừng. Hy vọng thời gian tới xã tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ các cấp, ngành để mở rộng nhiều mô hình hơn nữa nhằm góp phần xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao sớm nhất.
Trong chuyến tham quan vừa qua, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn đã đánh giá cao Ngày 7/5/2021 mô hình đã được đồng chí Đặng Ngọc Sơn đến tham quan, đồng chí đã đánh giá cao về mọi mặt trong thực hiện mô hình để có thành quả như ngày hôm nay: Từ cách làm đến tính thẩm mỹ nhờ việc bố trí hợp lý các đối tượng sản xuất và về việc áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, kỹ thuật mới vào sản xuất để tăng năng suất, tăng hiệu quả kinh tế và nhất là việc thực hiện gắn chuyển đổi ruộng đất với cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi một cách hiệu quả. Đây không chỉ là mô hình cho hiệu quả kinh tế cao cho hộ dân mà còn là địa điểm để nhiều địa phương tham quan học tập, học hỏi kinh nghiệm./.
Thái Thơm/http://sonongnghiep.hatinh.gov.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;