Học tập đạo đức HCM

Nam Định: Tập huấn về sản xuất lúa theo hướng hữu cơ và tư vấn tổ chức sản xuất về chăn nuôi vịt an toàn sinh học

Thứ ba - 30/06/2020 09:35
Thực hiện chương trình đào tạo huấn luyện khuyến nông năm 2020, từ nguồn kinh phí khuyến nông trung ương, Trung tâm Khuyến nông Nam Định tổ chức 02 lớp tập huấn cho 75 học viên đến từ 10 huyện/thị trong tỉnh về sản xuất lúa theo hướng hữu cơ và tư vấn tổ chức sản xuất chăn nuôi vịt an toàn sinh học tại huyện Giao Thủy.

Thời gian tập huấn 02 ngày (23-24/6/2020) với sự tham gia của 30 học viên đối với lớp tập huấn về sản xuất lúa theo hướng hữu cơ và 01 ngày (ngày 23/6/2020) cho 45 học viên đối với lớp tập huấn tư vấn tổ chức sản xuất về chăn nuôi vịt an toàn sinh học.

Tập huấn về sản xuất lúa theo hướng hữu cơ:

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang là mục tiêu hướng đến của nông nghiệp nhiều nước nói chung và cũng là tương lai cần đạt được của nông nghiệp Việt Nam. Ngày 29/8/2019 Chính phủ đã có Nghị định 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ, trong đó nêu rõ sản xuất nông nghiệp hữu cơ là hệ thống quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến, bao gói, vận chuyển, bảo quản phù hợp với tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ.

Với mục đích trang bị cho học viên kiến thức về nông nghiệp hữu cơ và kỹ thuật canh tác lúa theo hướng hữu cơ, Ths. Hoàng Văn Hồng, Trưởng phòng Khuyến nông trồng trọt và lâm nghiệp, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia - giảng viên lớp tập huấn đã chia sẻ cho học viên kiến thức về nguyên tắc sản xuất nông nghiệp hữu cơ, các chất được phép sử dụng trong sản xuất hữu cơ, chuyển đổi đất sản xuất, chứng nhận sản phẩm hữu cơ, ghi nhãn, bảo quản và vận chuyển; ghi chép, lưu giữ hồ sơ, truy xuất nguồn gốc và thu hồi sản phẩm, quy trình sản xuất lúa hữu cơ,...


Ths. Hoàng Văn Hồng chia sẻ kiến thức về nông nghiệp hữu cơ tại lớp tập huấn

 

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ có thể nói chính là sản xuất nông nghiệp kết hợp giữa truyền thống và các tiến bộ kỹ thuật cùng phương pháp quản lý hiện đại để đảm bảo tiêu chuẩn của quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ đồng thời đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm cuối cùng, tính bền vững của môi trường và hệ sinh thái. Tại lớp học, giảng viên và học viên đã thảo luận và trao đổi các tiến bộ kỹ thuật áp dụng từ khâu chọn vùng sản xuất không bị ô nhiễm bởi chất thải công nghiệp, bệnh viện, nghĩa trang và các nguồn ô nhiễm khác; sử dụng giống lúa nguyên chủng theo quy trình hữu cơ, không sử dụng hóa chất để ngâm ủ, mạ gieo trên đất hoặc giá thể hữu cơ; lúa cấy dày hơn so với cấy thông thường 10%; không bón phân hóa học, sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh, hữu cơ sinh học được công bố hợp quy, sử dụng nước tưới sạch, không bị ô nhiễm kim loại nặng, thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học, quản lý nước nông-lộ-phơi,  quản lý dịch hại không dùng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu hóa học. Chỉ sử dụng các chế phẩm sinh học có nguồn gốc tự nhiên,… là những kỹ thuật cần lưu ý trong canh tác lúa theo hướng hữu cơ.

Bên cạnh đó ban tổ chức lớp học đã mời ông Nguyễn Văn Bốn – phó giám đốc kỹ thuật của Tập đoàn Quế Lâm (Công ty TNHH MTV nông nghiệp organic Quế Lâm) chia sẻ về kinh nghiệm thực tế, các khó khăn, thuận lợi, các vấn đề cần lưu ý khi sản xuất lúa hữu cơ. Theo ông Bốn, thời gian tới Tập đoàn Quế Lâm sẽ phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Nam Định xây dựng mô hình thí điểm sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, quy mô 1ha, trong đó Tập đoàn Quế Lâm sẽ hỗ trợ toàn bộ phân bón hữu cơ vi sinh cho mô hình này.

Tập huấn tư vấn tổ chức sản xuất về chăn nuôi vịt an toàn sinh học.

Với mục đích trang bị cho học viên kiến thức về chăn nuôi vịt thịt an toàn sinh học cũng như cách thức tổ chức sản xuất chăn nuôi vịt hiệu quả, Ths. Nguyễn Văn Hưởng, phó trưởng phòng Khuyến nông chăn nuôi thú y - giảng viên lớp học đã tư vấn kỹ thuật cho các học viên về tổ chức sản xuất chăn nuôi vịt thịt an toàn sinh học từ khâu quy hoạch, phương thức chăn nuôi, chuồng trại và thiết bị, chọn giống, thức ăn, chăm sóc nuôi dưỡng; các bệnh thường gặp trên vịt, công tác thú y đến các biện pháp tiêu thụ và bán sản phẩm.


Ths. Nguyễn Văn Hưởng tư vấn cho học viên về tổ chức sản xuất chăn nuôi vịt an toàn sinh học

 

Theo ông Hưởng, trong chăn nuôi cần chú ý đến 3 yếu tố để thành công: giống là tiền đề, thức ăn là cơ bản, quản lý là yếu tố quyết định mọi thành công. Cần xác định giống để nuôi với các mục đích khác nhau: nuôi để lấy thịt, nuôi để lấy trứng, nuôi để lấy cả thịt và trứng, nuôi để ấp. Cần chọn giống đúng chủng loại để nuôi, không nên tận dụng những đàn thương phẩm để nuôi làm bố mẹ sẽ ảnh hưởng xấu đến năng suất trứng và thịt. Thức ăn sử dụng cho vịt có thể tận dụng nguồn thức ăn địa phương nhưng phải đảm bảo vệ sinh, không sử dụng thức ăn có chất kích thích tăng trọng, có hóa chất cấm.

Vệ sinh thú y và phòng bệnh là một khâu quan trọng trong quá trình chăn nuôi vịt. Cần lưu ý 3 nguyên tắc chính trong chăn nuôi đó là cách ly kiểm soát có thể giảm 80% nguy cơ bệnh; vệ sinh làm sạch và khử trùng.Thực tế cho thấy khi con giống và thức ăn được giải quyết tốt thì vệ sinh thú y và phòng bệnh quyết định sự thành bại của người chăn nuôi. Với phương pháp giảng dạy lý thuyết kết hợp với thực hành, hỏi đáp trao đổi các vấn đề khó khăn gặp phải trong thực tế sản xuất chăn nuôi vịt, giảng viên và học viên thực hành mổ vịt, phân tích từng bộ phận trên con vịt, các tiêu chí đảm bảo vịt khỏe, cách nhận biết thế nào là vịt bị bệnh, nguyên nhân gây bệnh và các biện pháp phòng trừ theo mức độ gây bệnh.


GIảng viên hướng dẫn thực hành tại lớp tập huấn

 

Phát biểu tại lớp tập huấn, ông Nguyễn Văn Thông, giám đốc Trung tâm Khuyến nông Nam Định cho rằng công tác đào tạo huấn luyện khuyến nông năm 2020 có nhiều đổi mới về nội dung, hình thức và phương pháp tập huấn. Nội dung về sản xuất lúa hữu cơ là vấn đề đang được địa phương rất quan tâm và phương pháp tập huấn tư vấn tại hiện trường thực sự rất hiệu quả. Qua lớp tập huấn sẽ giúp học viên cập nhật và nâng cao kiến thức kỹ thuật mới để ứng dụng và giúp địa phương chỉ đạo trong sản xuất đại trà một cách hiệu quả, bền vững góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Trao đổi với lớp tập huấn, PGS.TS. Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh: Một trong ba chức năng quan trọng của khuyến nông là công tác đào tạo huấn luyện. Tuy nhiên trong giai đoạn hiện nay hoạt động này nhất thiết phải đổi mới. Các lớp tập huấn ngoài cung cấp kiến thức về kỹ thuật cần phải tích hợp cho học viên nhiều kỹ năng khác như cách tiếp cận, cung cấp thông tin chất lượng, các cách làm hay, những bài học kinh nghiệm, các mối liên kết, các vấn đề về thị trường,… Ông cũng khuyến khích Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nam Định và Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện cần xây dựng các đề án đổi mới, nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp để không những nâng cao vai trò, vị thế và năng lực của hệ thống khuyến nông mà còn góp phần thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Thanh Huyền

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia/ http://www.khuyennongvn.gov.vn/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập112
  • Hôm nay68,028
  • Tháng hiện tại898,755
  • Tổng lượt truy cập92,072,484
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây