Ninh Thuận là vùng khô hạn nhất nước, chỉ có 21 hồ chứa thủy lợi lớn nhỏ với dung tích thiết kế trên 194 triệu m3. Ngoài ra nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân được lấy từ hồ thủy điện Đơn Dương thông qua hệ thống đập dâng Đa Nhim – Lâm Cấm.
Đến nay, toàn bộ hệ thống thủy lợi của địa phương này mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% diện tích đất nông nghiệp. Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp Ninh Thuận, tỉnh đang đầu tư xây dựng dự án thủy lợi Tân Mỹ với công trình đập đầu mối trên 200 triệu m3 và hồ chứa Sông Than. Khi 2 dự án thủy lợi này hoàn thành sẽ đáp ứng cơ bản được nước tưới cho nông nghiệp.
Mặc dù nguồn nước còn nhiều khó khăn, nhưng thực tế tỉnh Ninh Thuận những năm qua vẫn tiến hành sản xuất 3 vụ lúa/năm. Hiệu quả sản xuất lúa vụ mùa (vụ 3) không cao, năng suất bình quân chỉ đạt khoảng 4,27 tấn/ha, trừ hết chi phí người dân chỉ lãi khoảng 2 triệu đồng/ha.
Xuất phát từ thực tế này, UBND tỉnh Ninh Thuận đã có quyết định 1390/QĐ-UBND, về việc ban hành kế hoạch nhân rộng mô hình chuyển đổi đất sản xuất lúa từ 3 vụ sang 2 vụ/năm, giai đoạn 2020-2025.
Theo đó, sẽ đẩy mạnh nhân rộng chuyển đổi sản xuất lúa từ 3 vụ sang 2 vụ/năm nhằm bảo đảm quỹ thời gian sản xuất trong năm, nâng cao năng suất cây lúa để tăng thu nhập cho người nông dân; tiết kiệm được chi phí sản xuất, tạo điều kiện chuyển dịch lao động trong nông nghiệp sang các ngành nghề khác có thu nhập cao hơn.
Cụ thể trong năm 2020, toàn tỉnh chuyển đổi thí điểm 1.002 ha tại huyện Ninh Phước và thành phố Phan Rang-Tháp Chàm. Từ 2021-2025, nhân rộng ra các địa phương khác với diện tích 6.815 ha. Để nâng cao thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích, tỉnh khuyến khích sản xuất 2 vụ lúa và 1 vụ màu ở khu vực dừng vụ sản xuất 1 vụ lúa.
Để đạt được mục tiêu này, tỉnh Ninh Thuận đã đề ra nhiều giải pháp. Theo đó các Sở, ngành đặc biệt là chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu, nhận thức đầy đủ tầm quan trọng, lợi ích thiết thực trong việc chuyển đổi sản xuất lúa từ 3 vụ sang 2 vụ/năm. Từ đó tạo sự đồng thuận và hưởng ứng tích cực của nông dân tham gia triển khai thực hiện mô hình đạt kết quả tốt.
Đồng thời, các ngành chức năng tập trung rà soát, xác định các vùng, khu vực có điều kiện thuận lợi triển khai thực hiện mô hình chuyển đổi sản xuất lúa 2 vụ/năm (về nhận thức của nhân dân, hạ tầng giao thông, thủy lợi...).
Trên cơ sở đó, bố trí lại cơ cấu cây trồng, hình thành những vùng sản xuất chuyên canh và thâm canh có chất lượng, hiệu quả, phù hợp với điều kiện sinh thái từng vùng, có thị trường tiêu thụ ổn định, sức cạnh tranh cao.
Đặc biệt phải có giải pháp về giống để nâng cao năng suất cây trồng. UBND tỉnh Ninh Thuận yêu cầu phải bố trí các giống lúa trung ngày (thời gian sinh trưởng dưới 120 ngày), có năng suất, chất lượng cao. Ngoài các giống tốt hiện có trong tỉnh, ngành nông nghiệp cần nhanh chóng khảo nghiệm các giống mới có năng suất, chất lượng cao để lựa chọn...
Về giải pháp kỹ thuật, khoa học công nghệ, các ngành chức năng tổ chức tập huấn, hướng dẫn nông dân chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại, nhất là trên các giống mới theo từng giai đoạn sinh trưởng, thực hiện cơ chế chính sách theo quy định nhằm khích lệ chuyển đổi.
LÊ QUANG MINH/https://nongnghiep.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;