Điều này chỉ thực hiện được khi có một chính sách vĩ mô điều phối một chương trình tổng thể phục hồi đất nông nghiệp bị thoái hóai.
Tăng cường công tác quản lý và bảo vệ vốn rừng hiện có; đánh giá lại thực trạng về nguồn tài nguyên rừng để có giải pháp ứng phó phù hợp bởi thực tế những khu rừng nhìn bên ngoài có vẻ như là rừng nguyên sinh, còn nguyên vẹn, nhưng bên trong đã bị khai thác cạn kiệt; một số đã chuyển sang trồng trọt và mua bán sang nhượng trái phép.
Cần ưu tiên đẩy mạnh đầu tư kinh phí trồng rừng đầu nguồn; trồng rừng mới, trồng lại rừng sau khai thác; tái sinh phục hồi rừng tự nhiên, bổ sung diện tích rừng, nâng cao giá trị đa dạng sinh học, khả năng cung cấp lâm sản và lâm sản ngoài gỗ, khả năng phòng hộ và các giá trị khác của rừng. Thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch rừng; không chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ diện tích rừng sang diện tích nông nghiệp dưới bất cứ hình thức nào; hạn chế chuyển phát triển thủy điện bậc thang.
Mỗi khi diện tích rừng thực sự phục hồi, đảm bảo tỷ lệ tương đối giữa đất rừng và đất nông nghiệp thì vai trò của rừng sẽ được phát huy, hạn chế dòng chảy bề mặt đất từ đó giảm thiểu nguy cơ và tốc độ xói mòn, rửa trôi đất do hạn chế được lũ lụt, xói lở đất, từ đó tạo điều kiện cho việc tái tạo lại độ phì nhiêu của đất diễn ra thuận lợi.
Rừng có vai trò trong việc điều hòa khí hậu, giúp giảm bớt sự gia tăng nhiệt độ không khí, từ đó giúp giảm thiểu quá trình đốt cháy hữu cơ của đất, tạo điều kiện cho việc phục hồi độ phì nhiêu của đất nhanh hơn.
Hệ rễ của cây rừng giúp hấp thu nước, giữ nước và tạo nguồn sinh thủy, từ đó giảm thiểu nguy cơ thiếu hụt nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và tạo điều kiện cho việc tưới tiêu thuận lợi cũng góp phần cải tạo độ phì nhiêu của đất.
Hiện nay diện tích độc canh cà phê, hồ tiêu ở Tây Nguyên vẫn chiếm tỷ lệ cao (80%) và có mối quan hệ chặt chẽ với quá trình suy thoái đất do tác động của các yếu tố tự nhiên và con người. Đa dạng sinh học trên vườn cây bằng cách trồng xen các loại cây trồng có giá trị kinh tế phù hợp như sầu riêng, bơ, macca… vừa có tác dụng che bóng, điều hòa tiểu khí hậu, hạn chế quá trình xói mòn, rửa trôi đất.
Các mô hình đa dạng hóa sinh học đã góp phần tăng thêm thu nhập cho nông dân từ 30 – 80%; do vậy đã hạn chế được rủi ro do canh tác độc canh.
Các nghiên cứu về biến đổi độ phì nhiêu của đất của các vườn cà phê trồng độc canh không có cây che bóng và vườn cà phê có trồng cây che bóng là các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, bơ đã cho thấy độ phì đất như hàm lượng hữu cơ, lân dễ tiêu, kali dễ tiêu; can xi, magiê trao đổi, CEC sau 10 năm canh tác ở vườn đa dạng sinh học có chiều hướng tăng so với khi bắt đầu trồng mới;
Trong khi đó vườn cà phê trồng độc canh, không có cây che bóng thì hàm lượng hữu cơ, đạm tổng số, lân dễ tiêu, kali dễ tiêu, đặc biệt là hàm lượng cation kiềm, kiềm thổ bị suy giảm nhanh, là dấu hiệu của đất bị suy thoái. Giai đoạn kiến thiết cơ bản của vườn cà phê, hồ tiêu cần trồng xen các loại cây đậu đỗ.
Trên đất dốc trồng sắn và các loại cây lương thực khác cần thiết kế trồng theo đường đồng mức, thiết kế băng chống xói mòn trên đất dốc; đồng thời kết hợp với trồng các loại cây phủ đất họ đậu.
Các nghiên cứu cho thấy rằng đối với vườn cà phê kiến thiết cơ bản, đất trồng sắn, ngô nếu thiết kế các băng chống xói mòn, trồng cây che phủ đất thì lượng đất mất hàng năm giảm từ 50 – 70% so với đối chứng.
Thay đổi tập quán canh tác nông nghiệp từ thâm canh sử dụng hóa chất nông nghiệp cao sang canh tác bền vững.
Việc bón phân hữu cơ hàng năm cho cây trồng giúp cải thiện độ tơi xốp, tính thấm và giữ nước, giữ dinh dưỡng và tái lập mối cân bằng hệ vi sinh vật trong đất. Bón phân hữu cơ cho cây trồng thường xuyên đã làm tăng hiệu quả sử dụng phân hóa học từ 15 – 25%; giúp tiết kiệm chi phí phân vô cơ.
Các nghiên cứu cho thấy rằng đối với vườn cà phê, hồ tiêu bón phân cân đối, hợp lý đã làm tăng năng suất từ 5 – 15% so với vườn đối chứng của nông dân; lượng phân bón giảm 5 – 10%; các hàm lượng dinh dưỡng như hữu cơ, đạm tổng số, lân, kali dễ tiêu, CEC ở vườn cà phê bón phân cân đối cao hơn rõ so với vườn đối chứng.
Chuyển dần từ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học sang sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học là nền tảng cho việc phục hồi hệ cân bằng sinh thái trong tự nhiên; đặc biệt là cải thiện môi trường sinh học trong đất, vi sinh vật có lợi phát triển (nấm, vi khuẩn… có ích), từ đó giúp kiểm soát tốt các loại sâu bệnh hại từ đất; các loại côn trùng có ích cũng phát triển như các loại bọ rùa là thiên địch tấn công các loại rệp; các loại nấm ký sinh tấn công côn trùng và nấm gây hại.
Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học sẽ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho nông sản, đây là tiêu chí vô cùng quan trọng đối với các nước nhập khẩu từ Châu Âu, Nhật, Mỹ, Hàn Quốc…
Thiết lập hệ thống hạ tầng thủy lợi phù hợp với quy hoạch vùng nông nghiệp trên cơ sở vừa bảo vệ nguồn nước và điều tiết nguồn nước tập trung một cách hiệu quả trong mùa mưa lũ nhằm hạn chế tác hại của lũ lụt gây xói mòn, rửa trôi đất; đồng thời dự trữ nước cho mùa khô hạn phục vụ nhu cầu tưới nước cho các loại cây trồng chủ lực có giá trị kinh tế cao.
Đây là biện pháp rất quan trọng trong việc phục hồi khả năng sản xuất và tăng độ phì nhiêu của đất đã bị thoái hóa.
Kỹ thuật tưới tiêu nước cũng rất quan trọng góp phần đáng kể trong việc duy trị và cải tạo độ phì nhiêu của đất nông nghiệp.
Cần áp dụng các kỹ thuật tưới phù hợp đảm bảo đủ lượng nước cho nhu cầu của cây và cho đất giúp cho các quá trình sinh hóa xảy ra trong đất thuận lợi là cơ sở cho việc duy trì và cải thiện độ phí nhiêu; ưu tiên áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm.
Việc tưới nước với lượng quá cao sẽ làm tăng chi phí sản xuất đồng thời sẽ làm cho quá trình rửa trôi, tích tụ sét và các cation kiềm, kiềm thổ theo chiều sâu, dẫn đến tầng canh tác của đất bị chua hóa; tưới lượng nước cao đến mức tạo dòng chảy trên mặt hoặc tưới tràn sẽ làm tăng nguy cơ xói mòn đất và mất dinh dưỡng, dẫn đến đất đai bị bạc màu, suy thoái.
Luân canh các loại cây trồng khác nhau trên một diện tích đất trồng nhằm hạn chế việc cạn kiệt nguồn dinh dưỡng trong đất.
Đối với các loại cây công nghiệp dài ngày khi kết thúc chu kỳ khai thác nên luân canh với các loại cây phân xanh họ đậu; các loại cây lấy hạt họ đậu… Các loại cây lương thực ngắn ngày như ngô, lúa cạn, sắn… sau 4 - 5 vụ trồng trọt cũng cần luân canh nhằm cải tạo, cải thiện độ phì và tái tạo lại sức sản xuất của đất.
Tóm lại, để phục hồi đất thoái hóa trước khi quá muộn cần thiết phải cho một chương trình truyền thông với slogan “Hãy bảo vệ sức khỏe của đất” hay “Đất khỏe, cây khỏe, người khỏe” để nông dân thay đổi tập quán canh tác theo hướng bền vững bên cạnh việc tập huấn, đào tạo kỹ năng về sản xuất nông nghiệp.
Để duy trì, bảo vệ và từng bước cải thiện, nâng cao sức sản xuất của đất (hoặc độ phì nhiêu của đất) thì cần thực hiện một hệ thống giải pháp kinh tế, kỹ thuật và quản lý như đã đề cập ở trên với sự phối hợp nhịp nhàng và quyết tâm của cơ quan quản lý nhà nước, người nông dân và nhà khoa học.
TS Trương Hồng/nongnghiep.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;