Năm 2020 mặc dù dịch tả lợn châu Phi vẫn "nổ" ở nhiều nơi, gây thiệt hại lớn, song hầu hết các trang trại lớn, doanh nghiệp thu lãi đậm nhờ nuôi lợn gặp thời, giá heo hơi tăng cao. Từ cuối năm 2019, giá heo hơi bắt đầu biến động mạnh, với những đợt tăng - giảm xen kẽ. Thậm chí có lúc giá lợn hơi tăng nóng tới mức "khó tin", 95.000 - 100.000 đồng/kg nên nhiều người đã thu lãi tiền tỷ nhờ đón sóng kịp thời.
Điển hình là Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam, năm 2020 lần đầu ghi nhận doanh thu vượt mốc 10.000 tỷ đồng và thu về khoản lợi nhuận ròng 1.400 tỷ đồng.
Trong đó, tính riêng 3 tháng cuối năm 2020, hãng chăn nuôi và sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn nhất Bắc Ninh ghi nhận gần 3.000 tỷ đồng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ, tăng 37% so với cùng kỳ năm trước.
Thành quả này chủ yếu nhờ giá lợn hơi những tháng cuối năm duy trì mức có lợi, dao động từ 65.000 - 75.000 đồng/kg. Trong khi đó, những tháng đầu năm có thời điểm giá lợn hơi lên đỉnh điểm hơn 90.000 đồng/kg.
Công ty chăn nuôi CP Việt Nam cũng đẩy nhanh tốc độ tăng đàn lợn ở cả trại của doanh nghiệp cũng như trại gia công. Ước tính tổng đàn lợn của CP năm 2020 đạt 6 triệu con. Tính trên cả nước, Công ty CP hiện có 350.000 heo nái sinh sản, riêng ở Đồng Nai là 80.000 con.
Diễn biến này cho thấy Công ty chăn nuôi CP Việt Nam gần như đã đẩy tối đa công suất ở trại hiện có.
Đáng chú ý, năm 2020 ngành chăn nuôi chứng kiến một "làn sóng" đầu tư lớn chưa từng có vào ngành nuôi heo, với hàng loạt dự án lớn.
Ngày 27/9/2020, tại xã Ea M'droh, huyện Cư M'gar, tỉnh Đăk Lăk, Tập đoàn Hùng Nhơn (TP.HCM), Tập đoàn De Heus (Hà Lan) đã tổ chức lễ khởi công dự án "Tổ hợp khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Đăk Lăk". Dự án này có diện tích khoảng 200ha, tổng vốn đầu tư đến năm 2025 là 1.500 tỉ đồng.
Ông Vũ Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hùng Nhơn cho biết, dự án trên là sự liên doanh hợp tác, nằm trong chuỗi chiến lược phát triển giữa Tập đoàn và Tập đoàn De Heus - doanh nghiệp chăn nuôi lớn nhất Hà Lan.
Các hạng mục chính của dự án gồm khu trang trại chăn nuôi heo giống cụ kỵ được chọn lọc và nhập khẩu trực tiếp từ Hà Lan có diện tích 80ha; khu trang trại chăn nuôi gà giống khoảng 30ha. Bên cạnh đó còn có nhà máy giết mổ heo thịt và sản xuất phân bón hữu cơ khoảng 15ha; khu điều hành và dịch vụ hỗ trợ khoảng 20ha; khu canh tác theo hướng hữu cơ và đất cây xanh khoảng 30ha. Còn lại là đất giao thông, hạ tầng kỹ thuật khoảng 25ha.
Dự án có công suất chăn nuôi 2.500 con heo cụ kỵ và ông bà, dự tính hàng năm sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 25.000 con heo bố mẹ và heo hậu bị. Hiện dự án này đang khẩn trương xây dựng, để đưa vào hoạt động trong năm 2021.
Chưa hết, cũng trong năm 2020, Tập đoàn Hùng Nhơn và De Heus tiếp tục triển khai dự án chăn nuôi heo cụ kị với diện tích từ 50 - 100ha, tại xã Ia Le, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai.
Ông Gabor Fluit – Tổng Giám đốc châu Á Tập đoàn De Heus cho biết, dự án có nguồn vốn đầu tư 1.030 tỉ đồng. Mục tiêu của dự án nhằm biến khu vực này trở thành trung tâm ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi, sản xuất các sản phẩm theo chuỗi liên kết khép kín.
"Việc đầu tư chăn nuôi công nghệ cao, theo chuỗi liên kết là mô hình đang đem lại hiệu quả kinh tế vượt trội so với cách sản xuất truyền thống, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thân thiện với môi trường theo các tiêu chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn quốc tế. Sau các dự án chăn nuôi lớn tại Đắk Lắk, Gia Lai, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư các dự án khác ở khu vực Tây Nguyên" - ông Gabor thông tin.
Mới đây nhất, tháng 12/2020, Tập đoàn Xuân Thiện và UBND huyện Ngọc Lặc đã khởi công Khu liên hợp sản xuất, chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện – Thanh Hóa I, tại xã Minh Tiến, huyện Ngọc Lặc.
Dự án này là liên hợp sản xuất chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện 1, tổng đầu tư 36.000 tỷ đồng tương đương 1,5 tỷ đô la Mỹ.
Mục tiêu của dự án này nhằm tạo ra 180.000 tấn thực phẩm từ thịt heo; 50.000 tấn thành phẩm từ trái cây, rau củ quả; 1,2 triệu tấn thức ăn chăn nuôi; 600.000 tấn phân vi sinh hữu cơ. Hình thành tổng đàn lợn 67.500 heo nái và cung cấp 1,5 triệu heo thịt/năm...
Cũng trong năm 2020, Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam đã khởi công dự án Trang trại heo thịt ứng dụng công nghệ cao tại xã Long Hà, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước. Với tổng vốn đầu tư gần 500 tỷ đồng, xây dựng trên diện tích gần 40 ha, dự án sẽ cung ứng cho thị trường hơn 130.000 heo thịt, tương đương hơn 14.000 tấn thịt heo mỗi năm.
Đặc biệt, Tập đoàn New Hope cũng quyết định rót số tiền khổng lồ 200 triệu USD vào 3 siêu dự án tại Bình Phước, Bình Định và Thanh Hóa, với tổng công suất nuôi heo nái lên tới 27.000 con.
Trong đó, riêng tại huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa, New Hope xây dựng trại lợn ông bà, cụ kị 1.200 con, trại nái quy mô 7.500 con, trại heo thịt quy mô 72 000 con...
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), giá thịt lợn hơi tăng cao là động lực khiến nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh tái đàn. Ước tính, tổng đàn lợn thịt của 16 doanh nghiệp "đại gia" ngành chăn nuôi đến cuối năm 2020 đạt 5,36 triệu con, tăng 68% so với đầu năm 2020.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã