Theo dự báo, trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, tình hình thời tiết, sâu bệnh, dịch hại còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng bất lợi đến sinh trưởng phát triển của cây lúa. Ngành nông nghiệp huyện khuyến cáo nông dân không nên chủ quan mà cần tiếp tục chủ động chăm sóc và bảo vệ cây lúa.
Vụ Đông Xuân này, ông Nguyễn Thanh Hùng, ở thôn Đồng Nhơn Nam, xã Tịnh Đông gieo sạ gần 4 sào lúa ở xứ đồng Bầu Trê, với 2 giống lúa MT10 và Đài Thơm 8. Ông Hùng cho biết, lúa nhà ông gieo sạ được 30 ngày. Hiện nay, hơn 1 sào lúa của gia đình ông bị ốc bươu vàng và chuột gây hại. Trước tình hình trên, ông đã kịp thời phun thuốc phòng trừ ốc bươu vàng sinh sản, dùng biện pháp bảo vệ bằng bao nilon vây quanh để tránh chuột cắn phá. Đồng thời, tỉa dặm lại diện tích bị hư hại. Nhờ đó, đến nay cây lúa đang sinh trưởng, phát triển tốt.
Toàn huyện Sơn Tịnh hiện có hơn 323 ha diện tích lúa bị chuột, sâu bệnh phá hoại. Trong đó, tổng diện tích bị chuột phá hoại hơn 106 ha; ốc bươu vàng gây hại tổng diện tích 153 ha. Theo dự báo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ngãi, tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, có nguy cơ lây lan trên diện rộng. Do đó, để hạn chế thiệt hại do sâu bệnh, chuột gây ra trong quá trình sản xuất, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện Sơn Tịnh, UBND 11 xã trên địa bàn huyện chỉ đạo cho các hợp tác xã nông nghiệp vận động và hướng dẫn bà con nông dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để kịp thời phát hiện, xử lý sâu bệnh và chuột gây hại. Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn cho bà con nông dân chăm sóc, tỉa dặm, bón phân cho lúa đã gieo sạ đúng quy trình kỹ thuật của ngành nông nghiệp hướng dẫn. Trong những ngày nếu thời tiết rét lạnh kéo dài phải đảm bảo giữ nước trong ruộng từ 5-10 cm tùy giai đoạn sinh trưởng; phun các loại phân bón qua lá vừa bổ sung dinh dưỡng vừa chống rét cho lúa; tăng cường bón phân kali, không được để ruộng thiếu nước, hạn chế bón phân đạm khi thời tiết giá rét.
Cùng với đó, thực hiện tốt một số biện pháp phòng trừ sâu, bệnh, chuột gây hại như: diệt chuột liên tục bằng nhiều biện pháp, trong đó chú ý biện pháp thủ công, bẫy cơ học, ưu tiên sử dụng các loại thuốc trừ chuột thế hệ mới hoặc sử dụng các loại thuốc trừ chuột khác có trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành. Đối với ốc bươu vàng, cơ quan chuyên môn phối hợp với địa phương hướng dẫn nông dân phải thường xuyên kiểm tra ruộng lúa, nhất là chân ruộng thoát nước kém. Nếu có mật độ ốc bươu vàng 1,0 con/m2 trở lên thì dùng các loại thuốc đặc hiệu để phun trừ.
Kim Cúc/http://www.khuyennongvn.gov.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã