Hiện nay các trà lúa đông xuân đang bước vào giai đoạn đẻ nhánh. Đây là giai đoạn rất mẫn cảm với các đối tượng dịch hại. Khoảng 1 tuần gần đây, trên các trà lúa đã xuất hiện nhiều loại sâu bệnh gây hại, đặc biệt là bệnh đạo ôn lá. Vì vậy, ngành chuyên môn khuyến cáo, bà con nông dân cần triển khai ngay các biện pháp phòng, trừ trước khi cây lúa chuyển sang giai đoạn đứng cái làm đòng sẽ ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng lúa.
Vụ đông xuân năm nay, Tổ hợp tác Cao Xá, xã Trung Hải, huyện Gio Linh đưa vào gieo cấy 153 ha lúa, với các giống lúa: Khang dân (70%), HC95, Bắc thơm 7, Dự hương 8, VN10… Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Công Hà, Tổ trưởng Tổ hợp tác Cao Xá cho biết, mặc dù tuân thủ đúng theo khung lịch thời vụ nhưng do năm 2020 lũ lụt lớn lượng phù sa nhiều, hiện nay điều kiện thời tiết thuận lợi cho cây lúa phát triển cũng là điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh xuất hiện, đặc biệt bệnh đạo ôn trên lá.
“Qua thăm đồng chúng tôi thấy bệnh đạo ôn lá bắt đầu xuất hiện 3-5 ha, bệnh chớm nhẹ với tỷ lệ 5-7%. Kinh nghiệm chỉ đạo sản xuất tại đơn vị cho thấy, bệnh đạo ôn lá nếu không phòng trừ triệt để thì đến khi cây lúa chuyển sang giai đoạn đứng cái làm đòng rất dễ bị bệnh đạo ôn cổ bông, ảnh hưởng lớn đến năng suất lúa sau này. Do vậy, để cây lúa sinh trưởng tốt, hạn chế sâu bệnh hại, Tổ hợp tác đang cùng với Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện tích cực thăm đồng, trực tiếp hướng dẫn cho xã viên cách phòng trừ, không để cho bệnh bùng phát và lây ra diện rộng”, ông Hà cho hay.
Bà Võ Thị Tuyết Trinh - Trạm trưởng Trạm Trồng Trọt và Bảo vệ thực vật huyện Gio Linh cho biết, vụ đông xuân năm nay toàn huyện gieo cấy 4.500 ha lúa. Tuy nhiên qua điều tra khảo sát hiện nay bệnh đạo ôn đã phát sinh và gây hại trên 35 ha, rải đều trên toàn huyện, tại các địa phương có cơ cấu giống lúa HC95 và Bắc Thơm 7.
“Bệnh đạo ôn có đặc điểm là bệnh xuất hiện tập trung trên lá lúa. Ban đầu có những chấm nhỏ như đầu kim, có màu xám xanh giống như bị luộc nước sôi, sau đó chuyển sang màu nâu, lan dần ra thành những vết hình thoi trên lá, xung quanh màu nâu đậm, giữa màu xám trắng lá. Khi bị bệnh nặng, nó làm lụi toàn bộ lá của cây lúa và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự sinh trưởng của cây lúa sau này, làm giảm năng suất nếu không phát hiện sớm và xử lý kịp thời. Để kịp thời phòng trừ và ngăn chặn sự lây lan trên diện rộng của bệnh đạo ôn hại lúa, Trạm TT&BVTV đã cùng với các ngành chuyên môn của huyện tăng cường cán bộ về cơ sở cùng với nông dân thăm đồng để theo dõi sát diễn biến sâu bệnh hại, đặc biệt là bệnh đạo ôn, kịp thời hướng dẫn các biện pháp phòng trừ bệnh”, bà Trinh nói.
Theo điều tra của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, tính đến ngày 20/2/2021 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị bệnh đạo ôn đã xuất hiện và gây hại với diện tích 100 ha trên địa bàn một số huyện như Đông Hà, Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong, hại nặng trên các giống HC95, 13/2, IR38, VN10, Khang dân... Điều kiện thời tiết thuận lợi, nhiệt độ thấp, ẩm độ cao, đêm và sáng sớm có sương mù, trời âm u kết hợp với giai đoạn này bà con đang thực hiện các biện pháp chăm sóc như tỉa dặm, bón thúc phân là điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát sinh gây hại trên các trà lúa gieo sớm, các chân ruộng gieo dày, bón phân không cân đối, bón thừa đạm, nhất là trên đất cát hoặc trên đất có tầng canh tác mỏng.
Ông Bùi Phước Trang - Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV tỉnh Quảng Trị cho biết, bệnh đạo ôn gây hại ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng và trên các bộ phận của cây lúa như lá, cổ bông, hạt. Bệnh có thể làm giảm tới 70% năng suất lúa, thậm chí mất trắng nếu không phòng trừ kịp thời và đúng kĩ thuật. Ngay sau khi phát hiện bệnh đạo ôn mới bắt đầu phát sinh gây hại và có nguy cơ lây lan nhanh. Chi cục TT&BVTV đã có thông báo kịp thời cho các địa phương và người dân, đồng thời hướng dẫn các biện pháp phòng trừ cụ thể.
Để kịp thời phòng trừ, tránh trường hợp chủ quan và ngăn chặn sự lây lan trên diện rộng của bệnh đạo ôn hại lúa, ông Bùi Phước Trang khuyến cáo bà con cần thường xuyên thăm đồng để kịp thời phát hiện bệnh. Vệ sinh đồng ruộng, làm sạch cỏ hai bờ để hạn chế nguồn bệnh ban đầu. Bón phân cân đối, đặc biệt không bón thừa đạm. Quản lý nước hợp lý, không nên để ruộng khô nước vào các giai đoạn lúa dể mẫn cảm với bệnh. Khi ruộng đã nhiễm bệnh, cần tiến hành các biện pháp phòng trừ: Giữ nước trong ruộng; Trên những chân ruộng bị bệnh phải ngừng bón tất cả các loại phân và các chất kích thích sinh trưởng, tăng cao mức nước trong ruộng, phun thuốc phòng trừ sớm khi bệnh có tỷ lệ từ 5% trở lên bằng các loại thuốc có hoạt chất Tricyclazole, Isoprothiolane, Fenoxanil + Isoprothiolanennhư: Beam, Flash, Fillia, Fujione, City USA, Map Famy,... theo liều lượng khuyến cáo trên bao bì. Lưu ý khi phun phải đảm bảo ít nhất 20 lít nước thuốc đã pha trên 1 sào (500m2) và phải phun ướt đều lá, vùng bị nặng phải phun tiếp lần hai sau lần một 5 - 7 ngày. Những ruộng có tỷ lệ bệnh cao phải phun phòng trước khi lúa trổ 5-7 ngày để hạn chế bệnh đạo ôn cổ bông. Những ruộng đã nhiễm bệnh đạo ôn sau khi phun thuốc, bệnh ngừng phát triển mới được bón phân.
“Ngoài bệnh đạo ôn, trong thời gian tới là thời điểm giao mùa, thời tiết sẽ có nhiều diễn biến thất thường. Các địa phương cần chỉ đạo bà con nông dân theo dõi ruộng lúa để kịp thời phòng trừ và ngăn chặn sự lây lan của các đối tượng sâu bệnh khác như rầy nâu và rầy lưng trắng, bệnh lùn sọc đen, nhóm bệnh do vi khuẩn, sâu cuốn lá nhỏ,... nhằm bảo vệ vụ Đông Xuân thắng lợi”, ông Trang nhấn mạnh.
Phan Việt Toàn/http://www.khuyennongvn.gov.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã