Giàu từ quế
Gia đình anh Bàn Văn Minh, thôn Làng Câu, xã Tân Hợp là hộ có diện tích trồng quế lớn nhất xã với gần 60 ha. Anh Minh kể, từ khi 9,10 tuổi đã biết trồng quế. Đến nay, gần 40 tuổi, tính ra anh đã có thâm niên ba chục năm trồng quế. Anh Minh chia sẻ, giờ cứ mỗi ha quế có giá trị 1 tỷ đồng. Mấy năm nay, quế được giá nên tiền công làm các công việc "ăn theo" rất cao. Như nhà anh, vào mùa thu hoạch quế phải thuê lượng nhân công gần 20 người với mức tiền công thấp nhất là 250 nghìn đồng/người/ngày. Người già, trẻ con cũng đều có thể tham gia vào quy trình sơ chế với mức tiền công khá. Chẳng hạn, trẻ con đập cành cũng có công 100.000đ/ ngày; người già bẻ cọng lá cũng được 60.000 đồng/kg. Trong các công đoạn thì bóc vỏ quế có mức tiền công cao nhất, từ 500.000 đồng/người/ngày trở lên.
Văn Yên bạt ngàn rừng quế, nhà nhiều có cả trăm hecta, nhà ít vài ba hecta, quế mọc khắp nơi, chạm chân tới chỗ nào cũng gặp quế, không chỉ người Dao mà còn có các dân tộc: Tày, Mông, Kinh… đều trồng quế. Các xã trồng nhiều quế: Xuân Tầm, Phong Dụ Hạ, Phong Dụ Thượng, Đại Sơn, Viễn Sơn, Mỏ Vàng, Quang Minh, Châu Quế Hạ, Tân Hợp, Nà Hẩu…
Theo anh Nguyễn Văn T., người trồng quế ở huyện Văn Yên cho hay: “Năm nay kinh tế ở đây còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, quế Văn Yên vẫn đảm bảo ổn định, mang lại đời sống ấm no cho bà con nông dân chúng tôi. Hơn hết, thu nhập bình quân đầu người khoảng 4 triệu/năm và đặc biệt, quế từ cây xóa đói giảm nghèo trở thành cây làm giàu trên địa bàn huyện. Hy vọng dịch Covid-19 sẽ sớm qua để người dân yên ổn làm ăn, doanh nghiệp sản xuất có nhiều hướng xuất khẩu hơn".
Chủ tịch UBND xã Tân Hợp Triệu Quốc Toản cho biết, nhờ cây quế, 80% số hộ trong tổng số gần 1.300 hộ tại xã được coi là "tỷ phú”, tức là có từ 1ha quế trở lên. Riêng thôn Làng Câu có trên 80% số hộ xây được nhà đẹp, kiên cố trị giá từ 1 tỷ đồng trở lên. Cây quế đúng là cây đổi đời của người dân địa phương. "Bản thân mình cũng có 15ha quế. Nhờ quế mà có tiền mua ô tô, làm nhà kiên cố” - Chủ tịch xã Tân Hợp hào hứng nói thêm.
Theo Chủ tịch UBND huyện Văn Yên Hà Đức Anh, cây quế là loại cây trồng mang lại giá trị cao nhất cho người dân Văn Yên, với khoảng 500 tỷ đồng một năm, chiếm 23% tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản trên địa bàn.
Mỗi năm, huyện Văn Yên thu hoạch được khoảng 10.000 tấn vỏ tươi và xuất ra thị trường khoảng 6.000 tấn vỏ khô các loại. Cũng theo đó, sản lượng cành lá quế khoảng 65.000 tấn/năm, sản lượng gỗ quế 65.000 m3/năm, sản lượng tinh dầu khoảng 300 tấn/năm.
Tập trung sản xuất theo hướng hữu cơ
Hiện, Văn Yên có gần 200 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, chế biến, chiết xuất tinh dầu, đồ thủ công mỹ nghệ…
Văn Yên có nhiều công ty và hàng trăm hộ gia đình đang thu mua, chế biến quế phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, doanh nghiệp cũng tìm kiếm các đầu ra cho sản phẩm quế đến các thị trường trong và ngoài nước, nhưng do ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19 nên hàng hoá xuất đi chậm hơn mọi năm. Tuy nhiên, so với nhiều mặt hàng khác, quế năm nay vẫn giữ ở mức ổn định, các doanh nghiệp quế và người dân đều có thêm thu nhập cao hơn năm ngoái.
Nhiều sản phẩm chế biến từ cây quế vô cùng phong phú, với khoảng gần 500 sản phẩm, được bàn tay khéo léo của các nghệ nhân chế tác trở thành thứ hàng hóa vô cùng độc đáo, được bày bán ở nhiều nơi trên đất nước ta.
Chủ tịch UBND huyện Văn Yên Hà Đức Anh cho biết, dù cây quế đang lên ngôi nhưng huyện quyết định sẽ dừng ở diện tích 60.000 ha để không rơi vào tình trạng ế thừa và rớt giá sản phẩm. Phù hợp với xu thế chung, cây quế sẽ được tập trung sản xuất theo hướng hữu cơ, từ khâu làm đất, sản xuất giống, chăm sóc đến thu hoạch để đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm. Diện tích quế hữu cơ của Văn Yên nay đã là 25.000 ha, chiếm 63% tổng diện tích quế trên địa bàn.
Trong các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc sản, hữu cơ được Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Yên Bái nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định có tên cây quế Văn Yên. Do đó, quế Văn Yên sẽ được tỉnh, huyện tập trung lãnh đạo để hình thành vùng nguyên liệu chuyên canh theo chuỗi giá trị gắn với phát triển nhanh các sản phẩm OCOP trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Năm 2010, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã quyết định chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quế Văn Yên. Từ 1/8/2020, quế Văn Yên là một trong 39 mặt hàng của Việt Nam được EU bảo hộ khi thực thi EVFTA. Sản phẩm chính của cây quế là vỏ quế và tinh dầu quế được sử dụng nhiều trong công nghiệp y dược, công nghiệp chế biến thực phẩm, hương liệu và chăn nuôi. Hàm lượng tinh dầu cao nên Vương quốc Thái Lan cũng đã quyết định bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quế vỏ Văn Yên tại Thái Lan. Đây là điều hiếm thấy trên thế giới, một quốc gia khác bảo hộ sản phẩm của Việt Nam trên đất nước họ. Điều đó đã khẳng định chất lượng sản phẩm quế Văn Yên nổi tiếng bên ngoài lãnh thổ. |
(Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;