Chủ trì hội nghị về phía Bộ NN&PTNT có Thứ trưởng Trần Thanh Nam. Cùng dự có Tổ công tác đặc biệt phòng, chống COVID-19 của Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương; các Hiệp hội Ngành hàng nông nghiệp; Hiệp hội Rau quả; Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam…
Theo Bộ NN&PTNT, từ đầu thàng 7/2021 đến nay, giá nhiều lương thực, thực phẩm tại thành phố Hồ Chí Minh đã tăng mạnh. Cụ thể, giá lương thực tăng 0,46%; giá thực phẩm tăng 0,37% so tháng trước. Trong đó, rau củ quả tăng mạnh do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên việc vận chuyển hàng hóa khó khăn, nguồn rau về chợ giảm (bắp cải tăng 18,53%, su hào tăng 5,28%, đậu cô ve tăng 22,78%, rau muống tăng 5,38%, rau tươi khác tăng 5,63%).
Trong khi đó, giá thịt các loại có xu hướng giảm (thịt heo giảm 1,92%; thịt bò giảm 0,75%), giá các loại trứng tăng 2,36%-3,41%, giá nhiều mặt hàng thủy hải sản đa số tăng 6%-20% vì lượng thủy hải sản tươi về chợ bình quân giảm 10% so tháng trước.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, tham gia cung ứng thực phẩm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh hiện nay, các doanh nghiệp chiếm 30% - 40% thị phần; thương nhân các chợ đầu mối (mặt hàng rau, củ, quả, thủy hải sản, thịt gia súc) chiếm 60% -70% thị phần.Còn lại các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất lương thực thực phẩm tự cung ứng tại các cửa hàng chiếm 10% - 20% thị phần.
Nhìn chung, các kênh chợ đầu mối và chợ truyền thống đã tạm ngưng hoạt động. Người dân tập trung mua lương thực, thực phẩm từ hệ thống siêu thị và các cửa hàng tiện lợi. Do phải đáp ứng điều kiện giãn cách, cấm tụ tập đông người nên người dân vẫn phải xếp hàng lâu mới mua được hàng hóa thiết yếu.
Vấn đề đáng lưu tâm nhất là lưu thông hàng hóa. Các xe vận chuyển tiêu thụ nông sản khi lưu thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ phải tuân thủ kiểm dịch, kiểm tra nhiều tại các chốt nên tăng chi phí vận chuyển.
Hội nghị đã đi thẳng vào vấn đề tháo gỡ khó khăn, ách tắc trong lưu thông nông sản hàng hóa cung ứng từ các tỉnh, thành phía Nam vào TP. Hồ Chí Minh. Lãnh đạo Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố phía Nam đều cho rằng, thị trường nông sản ở phía Nam đang tồn tại nhiều bất cập và mâu thuẫn. Nông sản hàng hóa ở các địa phương đang dư thừa rất nhiều, dẫn đến một số nông sản chủ lực, sản lượng lớn bị rớt giá, ảnh hưởng đến đời sống người nuôi, trồng. Trong khi đó, thị trường TP. Hồ Chí Minh lại đang khan hiếm, giá cả tăng cao, khiến cho cuộc sống người dân thành phố càng thêm khó khăn, chật vật.
Ngay tại hội nghị, nhiều giải pháp cấp bách đã được các địa phương đưa ra mong muốn tổ công tác của Bộ phối hợp giải quyết để thúc đẩy tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân, cung ứng đầy đủ lương thực, thực phẩm cho TP Hồ Chí Minh đảm bảo an toàn và chất lượng.
Nêu vấn đề tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, cuộc họp đặt ra vấn đề sản xuất và cung ứng tại chỗ của từng địa phương, nhân lực sản xuất và phương án lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh ra sao để bảo đảm thúc đẩy sản xuất và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong lưu thông, nhất là trong bối cảnh 19 tỉnh, thành phố phía Nam đã bắt đầu thực hiện Chỉ thị 16.
Đảm bảo cung ứng cho địa bàn, tiếp tục hỗ trợ cho TP.Hồ Chí Minh
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh 5 việc cần làm ngay của các tỉnh thành phía Nam để đảm bảo chuỗi cung ứng nông sản không bị đứt gãy.
Một là, các tỉnh có 2 nhiệm vụ về cung ứng sản xuất: Thứ nhất, bảo đảm cung ứng cho địa bàn; thứ hai là tiếp tục hỗ trợ cho TPHCM.
Hai là, các tỉnh cần báo cáo tổ công tác tình hình cơ sở sản xuất giết mổ. Nếu một cơ sở chế biến giết mổ có nhân viên mắc COVID-19 sẽ làm đứt gãy cả chuỗi cung ứng. Các tỉnh cần rà soát lại, đặc biệt là TPHCM.
Ba là, Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương đã tạo điều kiện tối đa để cung ứng nông sản, các tỉnh phải cung ứng sản phẩm tiêu thụ và cả vật tư để sản xuất.
Bốn là, các tỉnh nên phối hợp với Bộ Công Thương để củng cố tình hình phát triển chuỗi cung ứng nông sản. Nên hình thành chuỗi thể hiện vai trò của Nhà nước.
Năm là, nguồn nhân lực phục vụ sản xuất và lưu thông đang thiếu hụt, cần phải tháo gỡ sớm.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam lưu ý, Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương đã tạo điều kiện tối đa để cung ứng nông sản, vì vậy các tỉnh không những phải cung ứng sản phẩm tiêu thụ mà còn cần tập trung vào vật tư để sản xuất. Cùng với đó, các tỉnh phía Nam nên phối hợp với Bộ Công thương để củng cố tình hình phát triển chuỗi cung ứng nông sản, nên hình thành chuỗi thể hiện vai trò của Nhà nước...
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, sắp tới sẽ là mùa mưa nên các tỉnh thành cần chú ý không để tình trạng thiếu hụt hàng hóa xảy ra và cần thành lập đầu mối để tạo chuỗi cung ứng nông sản đảm bảo an toàn thực phẩm cho TP.Hồ Chí Minh. "Không thể để vì thiếu hụt mà xảy ra mất an toàn thực phẩm" - lãnh đạo Bộ NN&PTNT nhấn mạnh.
Ngoài ra, các sở NN&PTNT tại các tỉnh thành nên chú ý thực hiện xúc tiến thương mại điện tử, từ đó giải tỏa áp lực cung ứng. Bộ NN&PTNT đã thành lập Tổ công tác và sẽ thực hiện theo dõi tình hình cung ứng nông sản suốt thời gian các tỉnh thực hiện giãn cách.../.
V.A (tổng hợp)
https://www.mard.gov.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;