Ông Có cho biết: Trước đây nguồn thu nhập kinh tế của gia đình chủ yếu từ canh tác 1 ha lúa, chăn nuôi heo (lợn) và nuôi cá sấu. Tuy nhiên những năm gần đây, giá heo thịt và cá sấu không ổn định, có lúc xuống thấp nên thu nhập bấp bênh. Tình cờ con trai ông được tham quan mô hình nuôi lươn không bùn ở Hậu Giang, thấy hiệu quả nên cha con ông quyết định sửa lại chuồng heo của nhà để nuôi lươn. Năm 2017, do mới bắt đầu nuôi nên ông chỉ dám mua 4.000 con giống ở Hậu Giang về nuôi thử. Kết quả sau gần 11 tháng, lươn đạt trọng lượng từ 3 – 4 con/kg với giá bán 130.000 đồng/kg, lợi nhuận trung bình từ 40 - 50% doanh thu.
Thấy được hiệu quả bước đầu, năm 2018 ông mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất và tiếp tục thả nuôi 20.000 con lươn giống, sau khi trừ chi phí đầu tư, lợi nhuận đạt được khoảng 300 triệu đồng. Sau 02 năm thu được lợi nhuận cao, ông Có tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích nuôi từ 5 bể lên 16 bể nuôi, diện tích mỗi bể từ 6,4- 8 m2, thả nuôi 50.000 con giống. Đến nay mô hình đã thu hoạch thu được 7 tấn lươn thịt, tỷ lệ sống đạt trên 80%, kích cỡ 4 – 5 con/kg, giá bán 180.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí lợi nhuận thu về khoảng 600 triệu đồng.
Khi được hỏi về kỹ thuật nuôi lươn không bùn, ông Có chia sẻ: Nuôi lươn không khó, rất nhẹ công chăm sóc nhưng quan trọng là mua được con giống tốt và phải luôn theo dõi tình trạng của đàn lươn để điều chỉnh lượng thức ăn hợp lý. Trong tháng đầu cho lươn ăn trùn quế trộn với thức ăn viên cỡ nhỏ, sau đó cho ăn hoàn toàn bằng thức ăn viên, kích cỡ thức ăn theo từng giai đoạn và theo cỡ miệng của lươn. Nguồn nước sử dụng hoàn toàn bằng nước giếng khoan, mỗi ngày thay nước 2-3 lần sau khi cho ăn, để nước hồ lươn luôn được sạch. Thường xuyên phân loại lươn để hạn chế hao hụt, tăng trọng nhanh. Nếu chăm sóc tốt, tỷ lệ sống của lươn đạt trên 90%. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là nguồn lươn giống khan hiếm, giá cao, chất lượng chưa đảm bảo từ đó chưa đáp ứng đủ cho nhu cầu người nuôi. Nói về đầu ra của mô hình, ông Có cho biết: Các thương lái sẽ đến tận nơi thu mua, giá bán hiện nay khá cao khoảng 180.000- 190.000 đồng/kg, loại 4-5 con/kg, nên lợi nhuận thu về từ mô hình nuôi lươn không bùn là rất cao.
Từ những thành tích trong phát triển mô hình nuôi lươn không bùn có tính hiệu quả cao theo quy mô nông hộ, gia đình ông Phan Văn Có đã được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bạc Liêu kịp thời tuyên dương khen thưởng và được Sở Nông nghiệp và PTNT Bạc Liêu tặng giấy khen vào dịp tổng kết công tác khuyến nông năm 2019. Ngoài ra, mô hình nuôi lươn của gia đình ông Có còn là điểm tham quan, học tập của các ban ngành, đoàn thể, doanh nghiệp, cơ quan báo chí, nông dân trong và ngoài tỉnh.
Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, đây là mô hình nuôi có hiệu quả kinh tế cao, góp phần đa dạng hóa vật nuôi, xóa đói giảm nghèo cần được khuyến cáo nhân rộng trong thời gian tới.
Minh Thùy - Bích Liên - Trung tâm Khuyến nông Bạc Liêu
Nguồn tin: http://www.khuyennongvn.gov.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;